Bất ngờ về ‘thuốc thánh đền Bia’ trong tiểu thuyết ‘Số đỏ’
(Thethaovanhoa.vn) - Chi tiết “thuốc thánh đền Bia” trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đương nhiên là câu chuyện của tiểu thuyết. Nhưng ít ai ngờ rằng, nó không hoàn toàn là hư cấu, bịa đặt mà ít nhiều dựa vào những chuyện thời sự trong xã hội lúc bấy giờ. Nhắc lại câu chuyện hơn 80 năm trước, có lẽ không phải để phủ nhận một huyền tích nào, mà trước hết là để hiểu thêm về “đôi mắt” sắc sảo của Vũ Trọng Phụng trong văn chương hiện thực, và cũng để cho niềm tin vào những giá trị tâm linh không đi kèm với những sự mê tín mù quáng.
Đọc Số đỏ đến chương thứ bảy, sẽ thấy cảnh nhà Cố Hồng đang lúc đông nghịt họ hàng khách khứa tới thăm hỏi vì trong nhà có cụ cố tổ, là bố ông chủ nhà, đang mệt nặng, nghe nói khó qua khỏi... Con gái bà chủ là cô Tuyết được sai đi mời một thì mời đến 2 thầy lang; anh trai cô là ông Văn Minh còn cho người xuống đền Bia xin thuốc thánh! Người bạn cựu du học sinh ngạc nhiên thì Văn Minh giải thích “chữa bệnh cốt ở lòng tin vào thuốc, ông cụ nhà moa tin thuốc thánh đền Bia lắm, toa phải hiểu thế nào là tự kỷ ám thị mới được!”
Đúng lúc Xuân Tóc Đỏ mang thuốc từ đền Bia về thì hai thầy lang cùng tới, chủ nhà mời mọi người lên gác. Hai thầy lang phán khác nhau về mấy món thuốc lấy về từ đền Bia, nhất là chai nước: ông này bảo nước ao, ông kia bảo nước ruộng; ông này trách chủ nhà đã dùng vài thang thuốc của mình nay lại đổi thuốc, ông kia động lòng, đáp trả, hai thầy lang vạch vòi những cái dở cái xấu trong nghề của nhau khiến khách khứa được những tràng cười rũ rượi, Văn Minh phải tống tiễn cả hai.
Người bệnh được cho uống thứ nước mang từ đền Bia về, lại cũng vì sự huyên náo bỗng tỉnh lại, hỏi về thuốc thánh đền Bia, nói rằng thứ nước này theo tục truyền phải thật bẩn thỉu, thật hôi tanh, ô uế thì mới trị được bệnh! Được uống thêm mấy chén nước ruộng, cụ già ấy có vẻ tỉnh táo, ngồi dậy được, ăn được chút ít rồi ngủ ngon lành, hết rên hết khạc!
Xem lại một số nguồn tài liệu sách báo đương thời, có thể nói chuyện “thuốc thánh đền Bia” là sự kiện có thật, không hoàn toàn là bịa đặt, hư cấu!
Tại Thư viện Quốc gia, có thể tìm thấy ít nhất là 4 hoặc 5 cuốn sách, mỏng nhất 4 trang, dày nhất 47 trang, hầu như đều in tại Hà Nội năm 1936, như Sự tích đức thánh đền bia (Long Vân soạn, nhà in Auteur, 1936, 13 trang), Đức thánh đền bia diễn ca (của Đức Sinh Ngũ Lang, nhà in Nguyễn Đức Minh, 1936), Sự tích đức thánh đền bia (Minh Tâm soạn, nhà in de Vu Van Dinh, 6 trang, ký hiệu S87. 9680), Sự tích đức thánh đền bia (Minh Tâm, nhà in Vũ Văn Định, 47 trang, ký hiệu S87. 8434), Lịch sử chùa Bia (Hồng Mai, nhà in Hồng Tuyết, Hải Dương, 1936), v.v... Vài cuốn trong số này còn ghi rõ sách in ra để bán tại lễ hội đền Bia 1936.
Thuốc thánh đền Bia, là thuốc xin ở đền Bia, làng Văn Thai, tổng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Đền này thờ Tuệ Tĩnh thiền sư tức Nguyễn Bá Tĩnh (1330-?), quê làng Văn Thai. Theo lời tục truyền, Tĩnh mồ côi cha mẹ từ 6 tuổi, được một hào phú trong làng nuôi, sau theo học một thiền sư ở Giao Thủy (Nam Định), vừa học nho vừa học thuốc, đỗ hoàng giáp dưới triều Trần Dụ Tông (1341-1369) nhưng không ra làm quan mà chuyên làm thuốc chữa bệnh, đặc biệt chú ý tìm cây thuốc ở Việt Nam, soạn ra và truyền lại sách Nam dược thần hiệu; ngoài ra còn hưng công xây dựng được vài chục ngôi chùa. Về sau ông được triều cống sang Trung Quốc để chữa bệnh hậu sản cho vợ vua nhà Minh (hay Nguyên?), được vua Minh phong sắc “Nam Việt Y Tử”, nhưng không cho về nước mà bị giữ lại ở bên đó cho đến chết.
Cũng theo tục truyền, đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) có tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) là người cùng làng Văn Thai đi sứ sang nhà Thanh, tình cờ nhìn thấy tấm bia mộ Tuệ Tĩnh, trong đó có lời nhắn: “Mai sau ai có về Nam Việt thì cho di cốt tôi về với”, bèn sao lục lời văn bia ấy rồi thuê thợ khắc đá thành tấm bia đem về nước; qua vạn thủy thiên sơn, khi đến một nơi gần làng Văn Thai thì tấm bia tụt xuống và không sao chuyển đi được. Người ta cho là thánh đã hiển linh, bèn xây đền thờ ngay tại vị trí đó, đặt tên là đền Bia.
Tục truyền, thuốc thánh xin ở đền Bia rất công hiệu, dân đến lễ đền Bia xin thuốc rất đông. Đến thời Minh Mệnh (1820-1840) khi kinh lý Bắc Kỳ, thấy dân tụ về rất đông, vua cho là việc phạm, bèn ra lệnh khiêng bia về tỉnh đường giam phạt 100 năm, từ đó người đến cúng bái xin thuốc bớt dần.
Về sau, có người làng Văn Thai làm việc trên tỉnh đường xin được mang lại tấm bia về đặt lại ở đền cũ; người trong vùng lại về đây cúng lễ xin thuốc, nhưng ban đầu chỉ có dân 3 làng Văn Thai, Nghĩa Phú, Phú Lộc xin thuốc là hiệu nghiệm. Người ta cho rằng từ đầu tháng giêng năm 1936, lời quở phạt của vua Minh Mệnh đã hết hạn (100 năm, tính từ 1836), tức là thánh y Tuệ Tĩnh lại vui lòng cứu chữa chúng sinh, nên người ta kéo về làm lễ mỗi ngày có đến hàng nghìn người. Ai đã thành tâm đến xin thuốc của ngài thì dù bệnh nặng đến đâu cũng thuyên giảm. Hầu hết các bệnh đều chữa bằng các thứ lá và nước lã, ai xin về uống cũng đều khỏi. (theo sách Lịch sử chùa Bia, Hồng Mai soạn, nhà in Hồng Tuyết, Hải Dương, 1936, tr. 3-8).
Hiện tượng dân chúng lũ lượt đến xin thuốc thánh đền Bia năm 1936 còn kéo dài nhiều tháng sau lễ đầu năm. Đầu tháng 8/1936 trên báo Ngày nay còn thấy ký giả Hoàng Đạo viết trong mục hài đàm:
“Họ vẫn đua nhau tấp nập về đền Bia.
Họ đưa nhau về sì sụp lễ, khấn một cái bệ tam cấp bỏ hoang ở một cánh đồng lầy, khiến cho hoa dại cỏ non thì thầm lấy làm lạ rằng bỗng không lại có mùi hương mùi trầm phảng phất chung quanh.
Nhưng không phải là họ tự nhiên yêu mến một cảnh nên thơ, họ không phải ngu dại gì mà thơ thẩn như nhà thi sĩ. Họ chỉ đến chữa bệnh, mà cái bệ tam cấp kia lại là một ông thầy thuốc có danh hơn ông Leroy des Barres một tí. (L. des Barres: hiệu trưởng đại học y dược thuộc đại học Đông Dương những năm 1930 – người viết ghi chú).
Lòng họ dễ tin lắm thay! Họ tưởng một tấm lòng thành là một thứ thuốc có thể giết chết hàng ngàn con vi trùng bệnh lỵ, hàng vạn con vi trùng bệnh lao. Họ quên mất rằng tấm lòng thành, tấm lòng tin, chỉ có thể khiến người ta giết chết lẫn nhau mà thôi.
Không phải là tôi muốn trách họ đâu! Họ như thế là vì họ kém học, thì lỗi thật không phải ở họ. Họ kém học nên họ không hiểu rằng vi trùng bệnh lỵ, bệnh lao, chỉ có thuốc trừ trùng là có thể giết được nó. Họ không hiểu, nên họ thấy có người lấy dựa [nhựa] xương rồng mọc ở trước bệ tam cấp kia giỏ [nhỏ] khỏi đau mắt, thì họ cho bệ ấy có phép lạ. Họ cho bệ ấy có phép lạ, nên họ sợ hãi cái bệ ấy. Họ sợ nên họ kính cẩn, mà kính cẩn đến thờ phụng thật không đầy một bước”. (Hoàng Đạo: “Đền Bia” // Ngày nay, s. 19, ngày 2.8.1936).
Như vậy, sự kiện “thuốc thánh đền Bia” đi vào câu chuyện Số đỏ không phải thuần túy là kết quả hư cấu mà là sự kiện thực.
Tất nhiên Vũ Trọng Phụng đã không tiếp cận sự kiện bằng phóng sự, mà lại dùng thể loại hư cấu là tiểu thuyết. Chính ở thế giới lộn ngược ấy, cụ cố tổ mà con cháu thấy đang đau ốm không biết vì bệnh gì, khi được dùng “thuốc thánh đền Bia” (= một chai nước ruộng, một bó rau sam, rau thài lài) lập tức tỉnh táo, ăn được ngủ được! Nhưng rồi cụ cũng không qua khỏi, dường như không vì một bệnh tật gì, mà lại vì biết tin cô cháu gái đã có chồng rồi lại còn ngoại tình, khiến anh chồng cô trở thành “ông phán mọc sừng”!
“Thuốc thánh đền Bia”, hay niềm tin vô căn cứ về cách chữa bệnh ở công chúng mê tín, đi vào tiểu thuyết, trình diễn một hiệu ứng lộn ngược kiểu như thế!
12/2019
Lại Nguyên Ân (Nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý