Bảo Sinh - 'pháp sư' siêu sinh cho chó, xây 'khách sạn 5 sao' cho chó mèo
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người thuộc “thơ dân gian” của Nguyễn Bảo Sinh; nhiều người gọi ông là “vua chó mèo”; nhưng không nhiều người biết ông còn hóa “pháp sư”, soạn “á kinh” siêu sinh, tịnh độ cho vong hồn chó mèo trước biết bao “thân chủ” của chúng.
- Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh tổ chức đại lễ cầu siêu cho thú cưng
- 'Vua chó mèo' Bảo Sinh: Chưa phải lúc đề xuất cấm thịt chó!
Dịp cuối năm này, ngõ 167 Trương Định, Hà Nội luôn tấp nập người qua lại. Những ai mang theo hoa tươi hoặc thú cưng (chủ yếu là chó, mèo) thì đích thị là đến chỗ ông Bảo Sinh ở số nhà 30 cuối ngõ.
Địa chỉ này gắn liền với chữ “nghỉ” dành cho chó, mèo: Nghỉ theo kiểu nghỉ dưỡng ở khách sạn 5 sao và nghỉ là an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang chó mèo trong chùa “Tề đồng vật ngã”. Cả khách sạn, nghĩa trang và chùa đều thuộc quyền sở hữu của cụ Bảo Sinh.
“Thế giới này cũng chỉ mình ông ta”
Giới thiệu ngắn gọn về Bảo Sinh, tác giả Đỗ Anh Đào viết: “Hà Nội có Nguyễn Bảo Sinh/ Thế gian cũng chỉ có mình ông ta” quả không sai.
Ông là người đầu tiên và có thâm niên nhất (hơn 40 năm) trong việc biến một thú vui thành một nghề ở Việt Nam: Nghề nuôi chó, mèo.
Theo lời ông kể thì từ năm 1975 trở về trước, người miền Bắc nuôi chó mèo không hẳn vì tình yêu đối với chúng, mà chủ yếu để giữ nhà, bắt chuột và cung cấp nguồn “đặc sản”. Sau giải phòng miền Nam, đặc biệt là từ sau năm 2000 đến nay, do đời sống đã được nâng cao, con người quan tâm đến thú cưng với một thái độ nhân văn hơn. Bằng chứng là người ta nuôi con chó, con mèo chẳng may bị bệnh tật, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để chữa chạy. Nếu chúng chết, họ cũng đối xử như với con người là tổ chức mai táng cho chúng.
Nhận thấy xu thế đó, ông có lẽ là người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng khách sạn 5 sao dành cho chó, mèo. Trong cái khách sạn 5 tầng ấy có tất cả các dịch vụ, từ siêu thị, khách sạn, phòng khám y tế, phòng thẩm mỹ cho đến hồ bơi, phòng karaoke… Chẳng hạn, tầng 2 là khu shopping với đủ các sản phẩm như nhà nệm, quần áo, lồng, trang sức, dầu gội, sữa tắm, sơn móng, giầy dép, bánh kẹo, nơ buộc… Thậm chí có cả quần áo và đồ chơi Trung thu, Noel dành riêng cho các loại thú cưng.
Chưa hết, từ tầng 3 lên tầng 5 là khu phòng nghỉ VIP cho chó mèo, được “chủ đầu tư” trang bị khá hiện đại: sàn gỗ, ghế sopha, ti vi, điều hòa, lò sưởi, bồn tắm, đĩa phim hoạt hình… Đặc biệt, nếu có “thượng đế 4 chân” nào qua đêm tại đây sẽ có một y tá canh chừng để vừa giám sát, vừa làm bạn và đặc biệt là phòng trường hợp sức khỏe của thú cưng “có biến” còn biết đường lo liệu.
Làm “sống lại” một nghi lễ cổ đại
Cùng với khách sạn, ông Bảo Sinh cũng là người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng một ngôi chùa nhằm mục đích tu tâm dưỡng tính cho chó mèo và dành 100m2 đất vườn làm nghĩa trang cho chó mèo... Ở nghĩa trang ấy những ngôi mộ chó mèo được xếp bằng những viên đá ong, có cả bia mộ in di ảnh con vật, trên đó ghi rõ tên, tuổi, năm sinh năm mất.
Bên cạnh những ngôi mộ đá ong là đài hóa thân chó mèo cùng những kệ nhiều tầng ốp vào tường dành để di ảnh kèm “lý lịch trích ngang” của thú cưng sau khi được hỏa táng. Trước khi đưa con vật về thế giới bên kia, đích thân cụ Bảo Sinh sẽ tổ chức làm lễ với những bài pháp siêu sinh dành cho chó mèo.
Bằng văn tài bất hủ của một nhà thơ dân gian, ông soạn ra lời cầu siêu mô phỏng theo Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du. Ông gọi đó là “á kinh”, với ý khiêm tốn, không dám nhận là “kinh” thật sự.
Chứng kiến ông vận áo cà sa, cổ đeo tràng hạt như Đường Tăng, nghiêm cẩn cùng gia quyến làm lễ siêu sinh cho một con chó, người viết mới cảm được hết cái tình giữa con người với động vật, nhắc nhớ đến những nghi lễ mai táng chó thời cổ đại ở một số quốc gia.
“Đây như là một cơ duyên trăm, ngàn năm. Thứ nữa, làm nghề này trước là vì cái tâm, đâu phải chỉ biết đến tiền bạc” – cụ Bảo Sinh ngắn gọn.
Động vật và người đều bình đẳng
Với những chủ nhân của những con vật đã mất được mai táng tại đây, cuối năm là dịp để họ đến hương khói, “chia sẻ” Tết với những con vật mà khi còn sống đã như một người bạn, một thành viên trong gia đình.
Thực ra nghĩa trang chó mèo của Bảo Sinh không phải là duy nhất. Ở Pháp có tới 25 nghĩa trang dành cho chó mèo và vật nuôi trong nhà, hầu hết là do tư nhân xây dựng và quản lý. Chi phí cho một buổi lễ và chôn cất là 1.200 euro, mỗi năm người chủ phải trả 42 euro cho bảo dưỡng mộ.
Nhưng nổi tiếng nhất là nghĩa trang “Le cimetière des Chiens et Autres Animaux Domestiques” (tạm dich: Nghĩa trang dành cho chó và vật nuôi trong nhà khác) ở một vùng ngoại ô Paris (Pháp). Đây là nơi an nghỉ của chú chó nổi tiếng Rin Tin Tin từng tham gia 27 bộ phim của Hollywood. Trong một trang quảng cáo của một công ty lữ hành chuyên nghiệp ở Paris có viết rằng: “Chỉ mất 20 phút đi tàu điện ngầm từ Paris, bạn có thể đến được nơi có thể thay đổi cảm xúc của mình. Chắc chắn nơi này sẽ làm xúc động ngay cả với những người có trái tim sắt đá”.
Nghĩa trang chó mèo cùng chùa Tề đồng vật ngã của Bảo Sinh không nổi tiếng bằng những nghĩa trang kể trên, và đến nay cũng chưa có người kế nghiệp. Các con của ông chẳng ai thích chó, yêu mèo, lại càng không muốn mặc áo nâu sòng, lần tràng hạt thực hành một nghĩ lễ cổ xưa được bố mình “cải biên” thành một tập tục mới cho một con chó hay con mèo.
Cũng chưa có một công ty lữ hành nào tổ chức tour hay dành những lời có cánh như công ty lữ hành ở Pháp kể trên về khu khách sạn kiêm mồ mả chó mèo của ông...
Nhưng nhìn ra thì vẫn thấy có điểm chung, đấy là nếu ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, chỉ cần mất 15 phút phóng xe máy, bất kỳ ai cũng có thể tìm được “biểu tượng của tình yêu mạnh mẽ, sự bình đẳng giữa con người và động vật” ở số 30 ngõ 167 Trương Định, Hà Nội.
Biểu tượng ấy lấp lánh quanh năm, nhất là vào ngày Rằm, Tết thanh minh, nhưng sáng rõ nhất là vào dịp Tết đến, Xuân về như thế này!
Huy Thông - Hà My
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất