Tìm thấy một đoạn Kinh thánh cổ tại Ai Cập
Sarris tình cờ phát hiện ra đoạn Kinh thánh nói trên tại thư viện của tu viện St.Catherine ở Ai Cập, khi ông đang tìm kiếm ảnh của các bản thảo do hai thầy tu biên soạn hồi thế kỷ 18.
Được viết trên da động vật, các phần trong Codex Sinaiticus được cất ở bốn nơi khác nhau, trong đó có tu viện St. Catherine và Thư viện Anh - nơi nắm giữ phần lớn nhất của cuốn Kinh thánh cổ này kể từ khi Liên Xô (cũ) bán một bộ sưu tập của mình cho Anh vào năm 1933.
Năm nay, các nhà nghiên cứu từ Anh, Mỹ, Ai Cập và Nga đã phối hợp để đưa cuốn Codex Sinaiticus lên Internet. Là một nhà bảo tồn người Hy Lạp đang làm việc tại xứ sương mù Anh, Sarris đã tham gia vào dự án số hóa cuốn Codex Sinaiticus của Thư viện Anh và dễ dàng nhận biết bản viết tay nêu trên khi một phần nhỏ của nó thò ra ngoài bìa một cuốn sách. Sau đó, Sarris đã gửi E-mail cho linh mục Justin, vị thủ thư của tu viện, và đề nghị ông này nên xem xét kỹ lưỡng bìa cuốn sách.
Qua tờ The Art, linh mục Justin cho biết tu viện sẽ sử dụng máy quét để tìm hiểu xem đoạn kinh này đã tồn tại dưới bìa cuốn sách như thế nào. Trong khi đó, Sarris cho biết thêm rằng trong tu viện St.Catherine còn ít nhất 18 cuốn sách khác do hai vị thầy tu biên soạn có sử dụng nội dung của Codex Sinaiticus. “Không biết rồi chúng tôi có tìm thấy được thêm các đoạn của Codex Sinaiticus trong những cuốn sách đó hay không nhưng phát hiện mới này quả là có giá trị”, Sarris nói.
Mặc dù những đoạn lâu đời hơn trong Kinh thánh đã tồn tại qua thời gian nhưng Codex Sinaiticus vẫn có ý nghĩa vô giá vì đây là cuốn Kinh thánh hoàn chỉnh nhất cho đến nay. Toàn bộ nội dung của cuốn này bao gồm cả phần lớn kinh Tân ước và khoảng một nửa kinh Cựu ước.
Song bất cứ khi nào một phiên bản cổ của cuốn sách linh thiêng nói trên được phát hiện thì nó cũng thường đặt ra các câu hỏi về quá trình phát triển của Kinh thánh, đặc biệt là sự khác nhau giữa những gì mà chúng ta đọc ngày nay với ngôn ngữ thời xa xưa.
Bản kinh Cựu ước được viết phần lớn bằng tiếng Hebrew. Nhưng các phiên bản gần đây của Kinh thánh lại sử dụng văn bản Masoretic, một “biến thể” của kinh Cựu ước tiếng Hebrew đã được các học giả Do Thái sao chép, biên tập và truyền bá hồi những thế kỷ 7 và 11. Trong khi đó, những bản kinh lâu đời hơn cũng như các nhà thờ chính thống ở Hy Lạp và Nga lại sử dụng Septuagint, phiên bản bằng tiếng Hy Lạp cổ được dịch từ bản tiếng Hebrew.
Khi nghiên cứu lịch sử thời kỳ đầu của kinh Tân ước, các nhà sử học đã có khoảng 5.650 bản sao viết tay bằng tiếng Hy Lạp, mà nhiều bản trong số đó có sự khác nhau rõ rệt. Khi đạo Cơ Đốc hợp nhất quyền lực vào thiên niên kỷ thứ nhất thì bốn cuốn sách phúc âm của Matthew, Mark, Luke và John đã tạo nên những yếu tố chính trong kinh Cựu ước.