Những tiết học thực tế đến từ Bảo tàng lịch sử
(Thethaovanhoa.vn)- Nhằm giáo dục, tuyên truyền và cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chiều 10/ 12, Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tổ chức chương trình tham quan tìm hiểu về di tích lịch sử - văn hóa cho hơn 100 em học sinh.
Đây được coi là một trong những tiết học lịch sử ngoại khóa thú vị nhất với nhiều em học sinh. Đến nay, hơn 15 nghìn lượt học sinh đã đến với Bảo tàng qua hình thức học ngoại khóa này.
Với chủ đề "Tìm hiểu một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng” trong khuôn khổ chương trình "Em yêu lịch sử" được tổ chức thường niên của Bảo tàng Đà Nẵng, hơn 100 em học sinh đến từ trường THCS Lê Thánh Tôn, Đà Nẵng đã cùng có mặt tại Bảo tàng để tìm hiểu về những di tích lịch sử, văn hóa của thành phố.
Tại đây, các em được những hướng dẫn viên và các thầy cô giới thiệu về những mốc lịch sử, thời gian và ý nghĩa của từng di tích trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của dân tộc.
Sau khi tham quan di tích Thành Điện Hải, các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 đã cùng nhau chia thành những đội chơi tham gia vào các họat động dành cho học sinh như trả lời trắc nghiệm những hiểu biết về di tích lịch sử, thuyết trình và hùng biện về chủ đề “Sự cần thiết của việc bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa”.
Với hình thức vừa học vừa chơi, hoạt động giao lưu giữa nhà trường, các em học sinh và những người làm công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa địa phương ngày càng gần gũi và thắt chặt hơn. Qua đó, định hướng cho các em có những hành động thiết thực góp phần vào việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa địa phương, tích cực góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ: "Đây là một hoạt động mang tính giảng dạy lịch sử ngoại khóa và trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Đà Nẵng. Thông qua việc tìm hiểu những giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, các lăng tẩm, chùa chiền, đền làng,... chúng tôi mong muốn giáo dục cho các em tinh thần thoải mái và yêu mến khi tìm hiểu lịch sử. Vừa học lịch sử, vừa trải nghiệm thực tế qua những hình ảnh trực quan sinh động được trưng bày tại Bảo tàng, các em sẽ có hứng thú hơn với việc tìm hiểu lịch sử đất nước Việt Nam đồng thời khuyến khích các em quan tâm hơn đến môn học lịch sử.
Hiện chúng tôi đang biên soạn 12 chuyên đề về tất cả các lĩnh vực như giáo dục, chính trị, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật,... và đi sát vào việc trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật theo chuyên đề để xây dựng nên một giáo trình Bảo tàng cho các em học sinh khi đến đây. Với những nỗ lực và cố gắng đó, chúng tôi mong muốn các em là những thế hệ tương lai của đất nước sẽ nắm rõ hơn ề lịch sử đất nước Việt Nam và hứng thú hơn với bộ môn lịch sử".
Đây là một trong những hoạt động trong thường niên của Bảo tàng Đà Nẵng trong việc đưa các em học sinh đến gần hơn với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai hoạt động đưa học sinh đến với di tích lịch sử, đã có hơn 15 nghìn lượt học sinh các cấp trên địa bàn thành phố đến tham quan, tìm hiểu về bảo tàng và di tích.