TS Trần Đức Anh Sơn: Giải thưởng Phạm Thận Duật đã “cứu” tôi
TT&VH đã cùng TS Trần Đức Anh Sơn “ôn lại” câu chuyện này.
* Thưa TS, luận án năm 2003 của ông về đề tài gì?
- Tôi bảo vệ luận án TS vào ngày 30/12/2002 với đề tài Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế tại Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG HN). Đây là đề tài mà tôi đã theo dõi từ năm 1989 khi viết khóa luận tốt nghiệp ĐH. Cũng nhờ bản khóa luận này mà tôi đã được Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tiếp nhận vào làm việc, sau đó được bố trí về làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, nơi đang lưu giữ hơn 2.000 món đồ sứ ký.
TS Trần Đức Anh Sơn nói lời tri ân với Giải thưởng
Sử học Phạm Thận Duật tại Văn Miếu hôm 29/11
* Vì sống trong kho đồ sứ ký kiểu đồ sộ như thế nên luận án của anh có điểm “mờ ám”?
- Không! Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế lúc bấy giờ đều ủng hộ tôi nghiên cứu đề tài này và còn giới thiệu công trình nghiên cứu của tôi với Toyota Foundation để xin tài trợ nghiên cứu... Vì thế, khi bảo vệ luận án thành công, tôi nghĩ đã trả được món nợ đèn sách sau gần 15 năm nghiên cứu và tin tưởng rằng những kết quả đạt được trong luận án sẽ giúp ích cho tôi và các đồng nghiệp ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế trong việc quản lý, kiểm kê và trưng bày đồ sứ ký kiểu, nhằm phát huy giá trị của nguồn hiện vật quý báu này.
* Nhưng mọi việc không được như ông nghĩ?
- Đúng vậy! Chỉ sau khi tôi bảo vệ luận án 4 tháng, chẳng hiểu căn cứ vào đâu, lý do gì mà người ta lại cho rằng luận án của tôi “đã làm lộ bí mật Nhà nước”. Thế là lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi ấy đã gửi công văn yêu cầu Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế yêu cầu tôi phải giải trình sự việc trong vòng 3 ngày. Tôi thực sự bất ngờ và sợ hãi trước việc này...
Tôi đã phải tự mình nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành để tìm cách chứng minh là mình không hề làm lộ bí mật Nhà nước trong luận án TS và làm văn bản giải trình các cơ quan chức năng. Văn bản “kêu oan” được tôi gửi đến các vị lãnh đạo, nhưng không một ai và không một cơ quan chức năng nào khi đó phản hồi lại cho tôi. Và, tôi đã phải sống trong sợ hãi 8 tháng ròng như thế để chờ đợi và chờ đợi.
* Thế rồi, như TS nói: Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật mà TS được trao cách đây 6 năm chính là chiếc phao cứu sinh cho ông?
- Đúng đấy! Giữa lúc tôi có cảm giác bất mãn nhất thì bỗng nhiên tôi nhận được thư của Hội Sử học VN đề nghị tôi nộp một bản luận án TS để dự Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và thật hạnh phúc là luận án của tôi đã được xét tặng giải Nhì (không có giải Nhất). Với tôi, giá trị giải thưởng là rất lớn. Ngoài tiền, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm đó thực sự là một bằng chứng minh oan cho tôi.
Tôi đã mang bằng chứng nhận giải thưởng về khoe với các cơ quan ban ngành và người ta đã nói với tôi “Chúc mừng chú có tấm phao cứu sinh. Mọi việc coi như khép lại tại đây”.
* Câu hỏi cuối: Đánh giá của TS về Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật?
- Là một giải thưởng sử học chất lượng, ngày càng tạo được uy tín và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới. Đặc biệt, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã thúc đẩy công việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nước nhà, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam... Đó cũng là lời tri ân của tôi đối với tiền nhân, những người đã tổ chức ra giải thưởng sử học uy tin này!
* Xin cảm ơn ông!
TS Trần Đức Anh Sơn sinh năm 1967 tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, nguyên GĐ Bảo tàng Cung đình Huế, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Đã xuất bản gần 10 đầu sách, trong đó có cuốn Cố đô Huế đẹp và thơ (NXB Thuận Hóa, Huế, 1992) tái bản 9 lần. Đoạt 12 giải báo chí của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế cho các bài viết về lịch sử, văn hóa và du lịch trong các năm từ 1993 đến 2009 (mỗi năm 1 giải) và nhiều giải thưởng về sử học, trong đó có Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2003 với luận án TS sử học về đề tài Đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện tàng trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. |