Bần thần với 'Song lang'
(Thethaovanhoa.vn) - Với những gì đã thể hiện Song lang sẽ là một tác phẩm điện ảnh mà sau khi rời rạp, người xem vẫn còn bần thần, ám ảnh mãi với những gì đã xem trong hơn 100 phút.
- ‘Cô Ba Sài Gòn’ mở màn Những ngày phim Việt Nam tại Hàn Quốc
- Cánh diều Vàng dành cho 'Cô Ba Sài Gòn' - Một chọn lựa khá an toàn
- ‘Cô Ba Sài Gòn’ chính thức lên sóng truyền hình ngày 30/3
Chọn đề tài về cải lương, chọn một ca sĩ chuyên nhạc trẻ để hát cải lương, chọn một gương mặt tay ngang mới toanh vào một trong hai vai nam chính… là những chọn lựa khó tin của bộ đôi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Quang Lê. Nhưng rốt cuộc sự mạo hiểm của họ đã mang lại thành công
Chuyến du hành về quá khứ
Nếu những ai từng tiếc nuối với những thước phim về Sài Gòn xưa xuất hiện hết sức chớp nhoáng trong Cô Ba Sài Gòn thì Song lang (khởi chiếu toàn quốc từ 17/8) sẽ cho người xem được “tắm” mình trong bầu không khí đô thị TP.HCM thời thập niên 1980, suốt cả phim.
Với sự chăm chút, tỉ mỉ, tinh tế trong từng khung hình, bối cảnh, đạo cụ cho đến cách tạo hình nhân vật, những thước phim mang dấu ấn thời gian khiến những ai đã đi qua thời thập niên ấy không khỏi bần thần. Những khung hình trên phim, nếu cắt ra, nói không ngoa, đều là những bức ảnh nghệ thuật đẹp đẽ.
Xem phim ta rưng rưng trước hình ảnh một con hẻm nhỏ leo lắt ánh đèn vàng, góc cầu thang chung cư cũ kỹ, tấm bảng hiệu đoàn cải lương, xe hủ tiếu mì có tấm tranh kiếng vẽ điển tích xưa cũ, chiếc tivi to bè, chữ Sinco to đùng nằm cheo leo trên sân thượng…
Không chỉ thị giác, mà thính giác cũng căng đầy những thanh âm quen thuộc của một thời: tiếng loa phường phát những bài ca về Hà Nội ra rả suốt ngày, tiếng radio rè rè giọng ca cải lương, những câu nhạc bolero sầu não của người bán vé số mù trên đường, thỉnh thoảng vang lên đâu đó giọng lồng tiếng phim bộ Hong Kong (Trung Quốc).
Đặc biệt đối với thế hệ khán giả 7X, 8X, nhìn thấy những trò chơi nhảy dây, tạt lon, game Contra trên màn ảnh, cả một trời tuổi thơ bỗng xao xuyến ùa về. Hình ảnh và âm thanh ở Song lang đã khiến thế mạnh của bộ môn nghệ thuật thứ bảy được phát huy tối đa khi không chỉ tái hiện mà còn làm cho khán giả có cảm giác như được sống cùng nhân vật, chạm vào họ.
Với một tác phẩm lấy đề tài cải lương như Song lang thì những cảnh quay liên quan đến bộ môn này tất nhiên trở thành tâm điểm chú ý. Phim tái hiện gần như nguyên vở tuồng Trọng Thủy - Mỹ Châu, nhưng cách dàn dựng được xử lý thông minh, dựa trên ý tưởng sân khấu và cuộc đời hòa quyện, khiến những cảnh ca diễn không bị lê thê - điều mà nhiều khán giả trước khi xem phim lo ngại.
Cuộc sống phía sau cánh gà sân khấu cũng được tái hiện sinh động như cảnh nghệ sĩ hóa trang, khấn bàn thờ tổ, ảnh nhắc tuồng hay cảnh “fan cuồng” mang thức ăn tới tận phòng hóa trang tặng nghệ sĩ mà mình hâm mộ.
Điểm sáng diễn xuất
Điện ảnh Việt thời gian gần đây đã phát hiện ra khá nhiều gương mặt mới tiềm năng, ở vào trường hợp của Song lang, đó là Liên Bỉnh Phát - người vào vai Dũng thiên lôi. Lần đầu đóng phim, Liên Bỉnh Phát đã “một phát ăn ngay” với một vai diễn có số phận, tâm lý phức tạp.
Dũng xuất thân từ gia đình có truyền thống cải lương nhưng cuộc hôn nhân thất bại của cha mẹ đã khiến anh tìm cách chối bỏ nguồn cội, cất giấu luôn ngón đàn cải lương “cha truyền con nối” để gia nhập vào chốn giang hồ, trở thành tên đòi nợ thuê. Chỉ đến khi gặp Linh Phụng (do Isaac thủ vai) - kép chính của đoàn cải lương Thiên Lý - Dũng mới nhận ra đâu mới là con đường đi đúng đắn.
Còn Linh Phụng - một chàng trai tỉnh lẻ vì mê ca mà bỏ gia đình ra đi - từ lúc làm quen với Dũng thiên lôi, trái tim anh mới biết rung lên những cảm xúc mà từ lâu anh không có được để nhập vai trên sân khấu.
Sự mông lung, mơ hồ trong mối quan hệ giữa Dũng và Linh Phụng quả thật khó để thể hiện, “nhẹ” quá thì không chạm tới cảm xúc người xem, còn nếu “làm quá” thành ra tầm thường hóa. Rất may diễn xuất nhẹ nhàng, chừng mực của Liên Bỉnh Phát và Isaac cộng thêm sự tinh tế của đạo diễn Leon Quang Lê đã giúp câu chuyện của Song lang thăng hoa đến mức độ đẹp và thơ.
Nếu như Liên Bỉnh Phát là một phát hiện thú vị, thì Isaac cũng có bước đột phá, lột xác đầy táo bạo khi đập tan những hoài nghi về việc một ca sĩ nhạc thị trường không thể hóa thân thành một nghệ sĩ cải lương. Tất nhiên những cảnh Isaac hát cải lương chưa đạt đến sự mượt mà cần có của một anh kép thực thụ, nhưng không đến nỗi gượng gạo, khó lọt lỗ tai.
Có câu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, kết phim dang dở, như hành trình tìm kiếm sự đồng điệu, đồng cảm đầy dở dang của hai con người cô đơn Dũng và Linh Phụng đã khiến Song lang gây ám ảnh, bần thần người xem mãi không thôi. Sẽ có nhiều khán giả không thích cái kết lửng lơ, để mở như Song lang, nhưng đó lại là cái kết hợp lý, đẩy mạnh cảm xúc người xem hơn bao giờ hết.
Dương Ngọc