Băn khoăn 'hệ giá trị văn hóa Việt'
(Thethaovanhoa.vn) - “Hệ giá trị, nhân cách của người Việt Nam đang đi theo lược đồ đi xuống. Xã hội đang đau đầu về tham nhũng, đạo đức gia đình, lối sống, ma lực vất chất quật ngã tư cách con người” - đó là chia sẻ của GS.TS Phạm Hồng Toàn tại cuộc hội thảo về hệ giá trị văn hóa Việt Nam.
Hội thảo Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập được tổ chức tại Bộ VH,TT&DL hôm qua (29/5) thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia.
Hội thảo Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
“Hoang mang” trước những giá trị mới…
Mỗi quốc gia đều có hệ giá trị văn hóa riêng biệt, nhưng đâu là hệ giá trị của Việt Nam, câu hỏi này không dễ trả lời. Trong khi đó, để liệt kê ra những thay đổi về văn hóa, xã hội ở Việt Nam, các nhà khoa học có thể nói... cả ngày không hết. Và một khi các nhà khoa học đã liệt kê thực trạng, có thể sẽ khiến không ít người lo ngại.
PGS-TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ: "Trước kia, con người đề cao đạo đức, nghèo nhưng vẫn sống thanh tao, nhưng giờ con người lại đề cao vật chất. Trước kia đề cao yếu tố tình cảm trong các mối quan hệ, nhưng ngày nay phải có pháp luật điều chỉnh tất cả. Từ chỗ trọng tĩnh, chuyển sang trọng động, từ nông nghiệp chuyển sang kinh tế thị trường. Từ việc trọng tập thể, giờ người ta đề cao cá nhân hơn. Từ sống theo tôn ti trật tự, giờ thì phải dân chủ bình đẳng. Từ một xã hội trọng quá khứ, kinh nghiệm của những người cao tuổi giờ người ta hướng tới tương lai và đề cao tri thức hơn... "
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, vì quá hoang mang trước các giá trị mới, nên người Việt tìm cách quay về về quá khứ, tôn các giá trị cũ nhưng lại làm không tốt.
Ông Đào Hùng, Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay cho biết: "Hội làng xưa là sinh hoạt văn hóa của mỗi làng giờ lại trở thành mồi cho các đại lý du lịch nên cũng chẳng còn trong lòng dân làng. Có chăng là sau mỗi kỳ lễ hội kết thúc lại được báo chí tung hô, hay kiểm kê hòm công đức. Ca trù, quan họ, hát xoan được công nhận là di sản thế giới nhưng có được phổ biến hay không? Trong khi đó hip-hop như một cơn bão tràn vào, đến đám cưới ở làng quê bây giờ lũ trẻ còn nhảy hip-hop. Trong khi đó các nhà quản lý văn hóa chưa biết làm thế nào. Hay gần đây các ca sĩ hết thời ở hải ngoại về Việt Nam lại trở thành hiện tượng. Tôi có cảm giác chúng ta chán cái cũ nhưng cái mới chưa định hình nên cứ loay hoay".
PGS-TS Phạm Hồng Toàn: “Khi xây dựng hệ giá trị, cần xây dựng văn hóa nhân cách, văn hóa gia đình dòng họ và phải giữ kì được văn hóa làng" |
Sau 2 hội thảo liên tiếp về phát triển Văn hóa Việt trong thời kỳ mới; về việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa; Bộ VH,TT&DL tiếp tục tổ chức hội thảo về Hệ giá trị văn hóa Việt Nam…nhằm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển văn hóa. Đây cũng là dịp hội tụ những "bộ óc" nghiên cứu văn hóa kì cựu.
Qua 3 cuộc hội thảo này, có thể thấy các nhà nghiên cứu văn hóa cùng có chung một niềm trăn trở, đó là yếu tố con người.
Tại hội thảo diễn ra hôm qua, PGS-TS Phạm Hồng Toàn đã thẳng thắn phát biểu: "Soi lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 tôi thấy còn quá nhiều tồn tại. Hệ giá trị, nhân cách của người Việt Nam đang đi theo lược đồ đi xuống. Xã hội đang đau đầu với tham nhũng, đạo đức gia đình, lối sống, ma lực vật chất quật ngã tư cách con người”.
PGS-TS Phạm Hồng Toàn cho rằng: “Trong các hệ giá trị chúng ta phải đề cao nhân cách, liêm sỉ là quan trọng hơn cả. Con người phải tự biết xấu hổ với bản thân thì mới không làm những việc trái với đạo lý. Khi xây dựng hệ giá trị, cần xây dựng văn hóa nhân cách, văn hóa gia đình dòng họ và phải giữ kì được văn hóa làng".
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa