Bài toán của Sơn Đoòng
(Thethaovanhoa.vn) - Thêm một lần nữa, hang Sơn Đoòng lại trở thành chủ đề để những người quan tâm tới việc bảo tồn di sản lên tiếng.
- Hang Sơn Đoòng lập thêm kỷ lục mới
- Oxalis tiếp tục được cấp phép đón khách chinh phục Sơn Đoòng
- Lấy Sơn Đoòng làm tâm điểm đưa du lịch VN ra thế giới
Cụ thể, cuối tuần qua, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản yêu cầu tỉnh Quảng Bình kiểm tra và báo cáo việc công ty Oxalis được thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng. Theo phương án đề xuất, tour thí điểm này sẽ giúp du khách vượt qua “Bức tường Việt Nam” nổi tiếng.
Cao 90 mét, có tuổi thọ hàng triệu năm, “Bức tường Việt Nam” là khối thạch nhũ khổng lồ nằm ở gần cuối hang Sơn Đoòng. Hiện tại, khi thám hiểm hang, du khách chỉ có thể đi tới đây rồi quay ngược ra. Còn nếu được “trèo qua” bức tường, họ sẽ ra bằng một đường khác và rút ngắn hành trình xuống còn 30km so với 50km như bây giờ.
Dư luận lên tiếng, bởi những gì được đề xuất làm chúng ta nhớ lại câu chuyện của 3 năm trước. Thời điểm đó, ý tưởng xây xây dựng tuyến cáp treo đi sâu vào hang để có thể phục vụ một lượng đông đảo du khách đã được một doanh nghiệp đưa ra.
Ý tưởng này phải ngừng lại, khi làn sóng “Save Sơn Đoòng” (cứu Sơn Đoòng) đã dấy lên với hàng chục vạn chữ từ cộng đồng. Trong những phản biện gay gắt, rất nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: việc đưa du khách vào Sơn Đoòng một cách ồ ạt sẽ gây ra những tác hại không thể đo đếm với hệ sinh thái tại hang, cũng như các cấu trúc đá tự nhiên.
Bây giờ, khi “Bức tường Việt Nam” vẫn được coi là một kiệt tác của tạo hóa tại hang Sơn Đoòng, cũng dễ hiểu khi nhiều người lo lắng trước việc lắp đặt môt hệ thống thang (theo đề xuất của Oxalis, đơn vị đang khai thác du lịch tại đây) để giúp du khách trèo lên nó và đi qua.
Dù vậy, về bản chất, đề xuất của Oxalis cũng có những khác biệt lớn so với ý tưởng làm cáp treo vào Sơn Đoòng.
Bởi, thay vì muốn “mở toang” Sơn Đoòng cho đông đảo du khách, đề xuất ấy hướng tới việc tạo sự thuận tiện và hấp dẫn cho những chuyến khám phá Sơn Đoòng vẫn của những tốp du khách nhỏ.
Mà, ai cũng hiểu, chính từ những tour khám phá dành cho số ít như vậy, “thương hiệu Sơn Đoòng” đã trở nên nổi tiếng và càng khiến du khách quốc tế tìm đến với địa điểm này.
Chưa kể, theo phía đề xuất, việc rút ngắn 20km tại hành trình thăm Sơn Đoòng sẽ khiến du khách bớt đi 24 giờ lưu trú trong hang, từ đó giảm bớt “áp lực” từ con người lên các kết cấu tự nhiên của Sơn Đoòng. Đồng thời, trong trường hợp cần cứu hộ, việc đưa du khách ra khỏi hang cũng thuận tiện và nhanh hơn rất nhiều so với trước.
Có nghĩa, nếu không có những đánh giá và những số liệu khoa học,việc đồng thuận hay phản đối đề xuất ấy cũng vẫn mang… màu sắc cảm tính.
***
Xa hơn, đã đến lúc chúng ta cần có những nghiên cứu nhất quán và liên tục về môi trường, cũng như thực trạng của hang Sơn Đoòng qua từng năm, kể từ khi “mở cửa” đón khách.
Bởi, chắc chắn, dù đón một lượng khách ít hay nhiều, việc chấp nhận sự “xâm lấn” từ bên ngoài đã là một nguy cơ đe dọa hệ sinh thái sẵn có của các hệ thống hang động - loại hình giống như một “thế giới” hoàn toàn cách biệt với bên ngoài về môi trường, ánh sáng và điều kiện tự nhiên.
Thực chất, nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo về một số tác động tiêu cực với hệ sinh thái tại tại quần thể Phong Nha, Kẻ Bàng (gồm cả hang Sơn Đoòng) kể từ khi Di sản Thế giới này bắt đầu thu hút du khách. Theo đó, nhiều nhũ đá tự nhiên đã bị hư hại, đặc biệt là các loại "nhũ tươi" cũng đang trở nên khô dần và bị rêu mốc phủ đầy.
Do vậy, chỉ khi “cập nhật” và đánh giá đầy đủ nhất về tác động của con người, cũng như thực trạng bảo tồn hệ cảnh quan tự nhiên của hang động, chúng ta mới có dữ liệu tốt nhất đểgiải bài toán: lượng khách vào hang nên được điều tiết ở mật độ nào, và bằng những biện pháp nào?
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa