Lấy Sơn Đoòng làm tâm điểm đưa du lịch VN ra thế giới
Đó là Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Du lịch Mạo hiểm (ATTA), Facebook, Tripadvisor…
Nguồn cảm hứng từ Đà Nẵng và Sơn Đoòng
Cũng cần nhấn mạnh, điểm nhấn tại diễn đàn năm nay, đặc biệt trong Hội nghị du lịch Mê Kông (sự kiện quan trọng nhất) diễn ra trong ngày hôm qua 17/6, đấy là chủ nhà đã nỗ lực tối đa trong việc “truyền thông” cho Đà Nẵng, cùng Sơn Đoòng.
Hình ảnh Sơn Đoòng liên tục được chiếu trên 2 màn hình lớn trong hội trường khi có thể. Sự kỳ vĩ của thắng cảnh thiên nhiên này thực sự thu hút các quan khách. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Việc khám phá hang Sơn Đoòng đã khơi nguồn cảm hứng mới, thực sự đã mở ra cơ hội và hình ảnh mới cho du lịch Việt Nam. Chúng tôi đã nhận định đây sẽ hiện tượng sẽ mang đến cơ hội tốt để chúng ta định vị và phát triển thương hiệu du lịch. Sau Hạ Long, Sơn Đoòng là trường hợp thứ hai chúng tôi có chủ trương định vị và xây dựng thương hiệu du lịch đất nước trong một loạt sự kiện sẽ quảng bá thương hiệu ở nước ngoài thời gian gần đây. Chúng tôi tập trung định vị và lấy hang Sơn Đoòng làm tâm điểm, để gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế. Tại diễn đàn này, chúng tôi cố gắng hết sức để quảng bá tuyệt tác của thiên nhiên - hang Sơn Đoòng. Sắp tới, nhân Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định miễn visa thị thực đơn phương cho 5 quốc gia, chúng tôi sẽ tổ chức đi xúc tiến ở châu Âu và sẽ dành thời lượ
ng xứng đáng cho Sơn Đoòng”.
Cùng với hang Sơn Đoòng, Đà Nẵng cũng được nhắc đến dày đặc. Ngoài phần phát biểu đương nhiên là ngợi ca quê hương của ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tuấn dành hết phần phát biểu của mình cho việc biểu dương Đà Nẵng, kỳ vọng Đà Nẵng sẽ tạo nên động lực mới cho sự phát triển du lịch của cả nước.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải cũng đánh giá cao thành phố bên sông Hàn: “Đà Nẵng được đánh giá là thành phố du lịch ven biển đáng sống, sở hữu bãi biển trong danh sách bình chọn 7 bãi biển đẹp nhất thế giới. Đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn Đà Nẵng là địa điểm tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2015, để quý vị đại biểu có cơ hội trải nghiệm một thành phố du lịch biển năng động, với khu vui chơi giải trí Núi Bà Nà, một điểm đến mới trên độ cao 1.500m, với nhiều nét văn hóa, ẩm thực, giải trí, khám phá đa dạng, thực sự hấp dẫn đối với du khách.
Nhân dịp này chúng tôi xin thông báo tới các quý vị, Đà Nẵng đã được chọn làm thành phố chủ nhà của Đại hội Thể thao Biển châu Á 2016 (Asia Beach Games). Bên lề sự kiện quan trọng đó, Bộ VH,TT&DL cùng thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới, Ủy ban Olympic Thế giới sẽ tổ chức Hội nghị Thể thao và Du lịch nhằm gắn kết giữa thể thao và du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển du lịch đa dạng của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung”.
Năm 2015 được dự báo khó khăn cho GMS
Cũng cần nói thêm, Diễn đàn Du lịch Mê Kông là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), được tổ chức hàng năm, kết hợp với các phiên họp nhóm công tác cũng như các hội thảo kỹ thuật chuyên đề, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch thông qua các dự án du lịch chung và chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin, khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch trong khu vực.
Theo báo cáo những năm qua, trong hợp tác đa phương Tiểu vùng Mê Kông mở rộng nói chung và hợp tác song phương giữa các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc nói riêng, lĩnh vực du lịch đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và đối tác liên quan.
Du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng thời gian gần đây đang duy trì sự tăng trưởng ổn định về lượng khách quốc tế đến và doanh thu du lịch.
Lượng khách quốc tế đến GMS đã tăng liên tục, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2014, Tiểu vùng đón gần 54 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,2% so với năm 2013, chiếm khoảng 20% tổng lượng khách đến châu Á - Thái Bình Dương; doanh thu du lịch quốc tế đạt trên 61 tỷ đô-la Mỹ. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, các sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ và nguồn nhân lực phục vụ du lịch đang từng bước được đầu tư, tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2015 và các năm tiếp theo, Du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị ở một số khu vực và chịu sự cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia, khu vực khác đang đẩy mạnh đầu tư, quảng bá cho phát triển du lịch.
Thực tế gần nhất, 5 tháng đầu năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 12, 6 % so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng sự suy giảm lượng khách quốc tế là tất yếu bởi liên quan yếu tố khách quan như vụ dàn khoan trái phép, Tổng cục cũng như Bộ VH,TT&DL không thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ thông thường để khắc phục mà cần có thời gian.
“Quan trọng hàng đầu là phải kết nối thêm đường bay quốc tế đến Việt Nam. Ngành du lịch cần tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp, tăng nguồn lực đầu tư cho hạn tầng quảng bá xúc tiến ở nước ngoài. Còn trong nước, tập trung cải thiện hạ tầng giao thông, kiểm soát các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường du lịch mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra 5 vấn nạn. Nên tập trung giải quyết, trong đó vai trò của địa phương, các cấp, các ngành, các đồng dân cư phải tham gia quyết liệt để tăng thêm hình ảnh tốt cho du lịch Việt Nam.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định miễn visa thị thực đơn phương từ ngày 1/7 với 5 nước Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban nha là chính sách tuyệt vời để kích cầu du lịch, chính sách mà ngành du lịch đã kiên trì đề xuất trong mấy năm vừa qua”.
Ông Trần Phú Cường, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL), đưa ra những giải pháp: “Để vượt qua thử thách, đảm bảo đà tăng trưởng bền vững của Du lịch Tiểu vùng, Ngành Du lịch 6 nước GMS cần tiếp tục nỗ lực, đóng góp có trách nhiệm vào sự phát triển chung và tranh thủ hỗ trợ, hợp tác từ các nhà đầu tư chiến lược, đối tác phát triển để đưa ra các sản phẩm du lịch mới với chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với những khu vực khác trên thế giới, khẳng định được thương hiệu du lịch Tiểu vùng trên cơ sở sức mạnh thương hiệu của dòng sông Mê Kông, thu hút đông đảo và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch trong và ngoài khu vực”.
Ông Lên Khánh Hải cho rằng: “Cơ quan du lịch quốc gia các nước trong Tiểu vùng cần phối hợp đưa ra những cơ chế, chính sách chung, tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng và quảng bá các sản phẩm liên vùng, liên quốc gia. GMS cần tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức tài chính, ngân hàng, thông qua triển khai các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật, chính sách khuyến khích, vay ưu đãi để các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tham gia tích cực và hiệu quả hơn”.
Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc sở hữu nhiều tài nguyên tự nhiên phong phú với hàng chục di sản thiên nhiên và văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. |
“Chúng ta nên tạo ra những sản phẩm có tính liên kết với nhau. Phát huy những tuyến du lịch dựa vào cộng đồng. Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, phát huy nguồn lực của cộng đồng dân cư xung quanh dòng sông. |