Atletico Madrid: Joao Felix hay là lý lẽ của sự bình dân
(Thethaovanhoa.vn) - Ở Wanda Metropolitano lúc này, người ta sẽ không khó để gọi một cầu thủ nào đấy là ngôi sao của đội bóng sau khi Antoine Griezmann tới Barcelona, nhưng nếu họ nói điều đó trước mặt Diego Simeone, ông sẽ mỉm cười và nói điều ngược lại.
Nhiều người sẽ “buộc tội” HLV người Argentina vì kế hoạch thể thao quá tốn kém của ông suốt thời gian qua, và đặc biệt là khi Rojiblancos đã bỏ ra tới 126 triệu euro chỉ để có được chữ kí của Joao Felix, nhiều hơn cả số tiền họ có được từ nhà vô địch thế giới người Pháp. Và cùng lúc đó là Trippier, Lodi, Hermoso hay Marcos Llorente, quá nhiều tiền được chi ra với một đội bóng được coi là khắt khe về kinh tế như Atletico Madrid.
“À thì tôi muốn giải thích rõ một số điều mà mọi người hiểu nhầm”, Diego Simeone từ tốn nói khi bị hỏi truy về ý nghĩa đích thực của đội bóng áo sọc đỏ trắng, “Rõ ràng là trong mắt nhiều người, chúng tôi không thể là câu lạc bộ bình dân với một sân vận động hiện đại, và chi đến 126 triệu euro cho Joao Felix. Nhưng về đạo đức, tình cảm, và xã hội, chúng tôi vẫn là đội bóng bình dân, vì cội rễ của chúng tôi là như vậy, cho dù chúng tôi có lớn mạnh như thế nào về tài chính”.
Nguồn gốc của họ được bắt đầu từ thuở bình minh, một câu lạc bộ thu hút những người dân ở tầng lớp bình dân ở thủ đô Madrid, đối lập mạnh mẽ với Real Madrid, những người sẽ không chi nhiều tiền như người hàng xóm để mua một ngôi sao và chủ yếu sử dụng những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, những cựu binh tưởng như hết thời và cả những cầu thủ vô danh.
Và điều đó khiến cho những kẻ thích nhiều chuyện công kích chủ tịch Enrique Cerezo và Diego Simeone với những gì đã diễn ra trong mùa Hè. Nhưng sự thật, về mặt bản chất, không có một ngôi sao nào ở Wanda Metropolitano, chỉ có một tập thể với những cầu thủ chiến đấu như một con sư tử, những người khiêm nhường và sẵn sàng hi sinh những giá trị cá nhân để xây dựng thành công cho câu lạc bộ như Koke, Saul Niguez, Jose Gimenez và cả Joao Felix.
Người ta không thể nhầm lẫn giữa sự phát triển của một câu lạc bộ đồng nghĩa như một sự phản bội với triết lý của nó, không một đội bóng nào mà không vận động để thành công cả trên sân cỏ lẫn kinh tế. Atletico Madrid không đứng ngoài quy luật đơn giản đó, và dù cho có thể họ sẽ bỏ ra hơn 100 triệu euro cho một cầu thủ nào đó, không có nghĩa họ đánh mất cội rễ của mình, đó là tập thể được đặt lên trên những cá nhân, và sự hi sinh của mỗi cầu thủ sẽ là sự kết tinh của thành công trong tương lai.
Trần Dũng