Apple Music, cuộc cách mạng âm nhạc thứ hai của Apple
Khi Apple mua Beats, thương hiệu nổi tiếng với dòng tai nghe cao cấp thời thượng, trong tương vụ trị giá 3 tỷ USD hồi năm ngoái, nhiều người thắc mắc tập đoàn công nghệ khổng lồ này có quyết định sai hay không. Nay họ đã có câu trả lời.
Apple Music = Beats + Spotify + SoundCloud + YouTube...
Vào ngày 8/6, Apple tổ chức ngày hội thường niên dành cho các chuyên gia phát triển phần mềm ở San Francisco. Tại đó, họ công bố dịch vụ nghe nhạc qua mạng mới mang tên Apple Music, dựa trên những gì từng là một phần của Beats ngày nào.
Giám đốc điều hành Apple là Tim Cook đã đưa ra các tuyên bố tham vọng trong sự kiện: "Dịch vụ này sẽ thay đổi mãi mãi cách bạn trải nghiệm âm nhạc”. “Cách mạng” là từ một số người khác dùng để mô tả Apple Music trên sân khấu ngày hôm đó.
Dịch vụ mới này phát triển từ nền tảng có sẵn của Beats. Apple Music sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6 dành cho những người dùng thiết bị Apple, cuối năm nay sẽ có phiên bản dành cho Android.
Với mức phí 9,99 USD (gần 220.000 đồng) một tháng, người dùng sẽ được nghe nhạc không giới hạn, nhưng chỉ là “thuê” chứ không phải sở hữu hoàn toàn. Đúng như dự đoán, dịch vụ này có điểm mấu chốt là hạn chế tải nhạc về máy, điều mà thiết bị iPod đã phổ biến cho người dùng vào năm 2001.
Nhưng giờ đây xu hướng đã thay đổi, phụ thuộc vào sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc. Những năm gần đây, nghe nhạc qua mạng (streaming) đã lên ngôi, trong khi tải nhạc ngày càng giảm sút.
Không giống như khi ra mắt iPod, Apple không phải là người khởi đầu cuộc cách mạng này. Thay vào đó, nhiều dịch vụ trước kia đã thành công với xu hướng này, gồm Spotify với 15 triệu người dùng toàn cầu. Apple Music sẽ nỗ lực phân biệt mình bằng cách cung cấp danh sách nhạc chất lượng, ưng ý hơn do người dùng tự tay lựa chọn, thay vì dùng thuật toán.
Apple cũng thiết kế để việc tìm kiếm nhạc trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, Apple Music còn cạnh tranh với SoundCloud về khía cạnh tạo cơ hội, giúp cho những người làm nhạc tự do có thể công bố tác phẩm của họ trên mạng, nơi họ có thể tiếp cận những khán giả thích khám phá nghệ sĩ mới.
Tham vọng của Apple không dừng lại đó, họ đối đầu với cả YouTube, dịch vụ thuộc sở hữu của Google. Thành viên của Apple là Eddy Cue đã thực hiện màn biểu diễn, cho thấy khán giả có thể xem các đoạn phim dễ dàng như thế nào trên Apple Music.
Apple cũng nhảy vào lĩnh vực phát thanh truyền thống và qua mạng. “Beats One” là tên kênh phát thanh toàn cầu, phát 24/24 của hãng ngày, có thể nghe qua Apple Music. Kênh này được lập ra để phục vụ những khán giả không muốn tự mình lựa chọn danh sách nhạc. Nếu thu hút được một lượng thính giả lớn, Beats One sẽ có tác động lớn đến gu thưởng thức nhạc toàn cầu.
Sẽ thành công nhờ đội quân hâm mộ hùng hậu?
Cuộc ra mắt rầm rộ này của Apple đặt ra 2 câu hỏi. Đầu tiên, đây có thực sự là một cuộc cách mạng? Apple Music là ứng dụng quy tụ rất nhiều yếu tố vốn được xem như thế mạnh của các dịch vụ âm nhạc khác, hơn là sáng tạo ra những yếu tố mới của riêng Apple.
Với các hãng đĩa và nghệ sĩ âm nhạc, dịch vụ này không làm tăng thu nhập của họ một cách rõ rệt. Lượng tải nhạc trực tuyến mang về nhiều lợi nhuận hơn là streaming – hình thức mà Apple Music sẽ tập trung vào.
Apple chỉ thay đổi thói quen của người dùng từ “sở hữu nhạc” sang “nghe nhạc thuê” mà thôi, chứ không làm gia tăng số lượng người trả tiền cho nhạc.
Câu hỏi thứ hai là người dùng có sẵn sàng bỏ ra 9,99 USD mỗi tháng để trả cho dịch vụ mới này? Đến năm 2014, Apple có hồ sơ của khoảng 800 triệu thẻ tín dụng và cả một đội quân hùng hậu người tiêu dùng hâm mộ thương hiệu này.
Không khó để tưởng tượng Apple sẽ sớm vượt qua mức 15 triệu người dùng của Spotify, nhất là khi họ tặng 3 tháng sử dụng miễn phí cho người dùng Apple Music. Như vậy, nếu như đây không phải cuộc cách mạng về công nghệ phần mềm hay phương thức nghe nhạc, thì rất có thể Apple vẫn tạo ra một cuộc cách mạng về dịch vụ nghe nhạc.
Hạ Huyền (Theo The Economist)
Thể thao & Văn hóa