Anh: Giới siêu giàu nước ngoài đề xuất hệ thống thuế theo bậc
Những người nước ngoài giàu có tại Anh đang kêu gọi chính phủ nước này thay thế hệ thống thuế không cư trú trong kế hoạch ngân sách mùa Thu, dự kiến công bố vào cuối tháng này, bằng hệ thống mới theo mô hình thuế suất cố định như Italy nhằm ngăn chặn làn sóng di cư khỏi Anh của giới siêu giàu.
Tổ chức vận động hành lang Foreign Investors for Britain đã đề xuất hệ thống thuế theo bậc, theo đó người nước ngoài không thường trú tại Anh sẽ được miễn thuế thừa kế đối với tài sản ở nước ngoài và miễn thuế đối với thu nhập và lợi nhuận từ nước ngoài, cũng như một số khoản đầu tư tại Anh trong tối đa 15 năm.
Thay vào đó, họ sẽ đóng một khoản phí hàng năm theo bậc, từ mức 200.000 bảng (260.000 USD) đối với tài sản ròng trị giá đến 100 triệu bảng, tới mức 2 triệu bảng đối với tài sản ròng trị giá trên 500 triệu bảng.
Trong kế hoạch ngân sách mùa Xuân công bố hồi tháng 3, chính phủ đảng Bảo thủ cam kết sẽ bãi bỏ chế độ không thường trú, một quy định thuế của Anh theo đó những người cư trú tại Anh nhưng có hộ khẩu thường trú ở nước khác không phải trả thuế thu nhập và thu nhập từ vốn ở nước ngoài trong tối đa 15 năm. Thay vào đó, thời gian được hưởng các đặc quyền này giờ đây sẽ giảm xuống còn 4 năm.
Chính phủ Công đảng cầm quyền khẳng định sẽ thực hiện những thay đổi này của chính phủ tiền nghiệm, thậm chí thắt chặt hơn nữa các quy định với việc áp thuế thừa kế đối với tài sản của người nước ngoài không thường trú được giữ bởi quỹ tín thác.
Những người nước ngoài không thường trú đã kêu gọi chính phủ xem xét lại quy định này, được cho là sẽ không mang lại nhiều doanh thu cho ngân sách trong khi nhiều người nước ngoài giàu có bắt đầu rời Anh đến các quốc gia như Italy, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves hiện đang cân nhắc việc loại bỏ kế hoạch về thuế thừa kế sau khi nhận được cảnh báo việc áp thuế thừa kế đối toàn bộ tài sản trên toàn cầu của người nước ngoài tại Anh có thể khiến họ rời nước này.
Bà Reeves hy vọng sẽ thu được 2,6 tỷ bảng từ việc đánh thuế người nước ngoài không thường trú, gồm 1 tỷ bảng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, theo một báo cáo của công ty tư vấn Oxford Economics công bố ngày 16/10, thay vì tăng nguồn thu, kế hoạch cải cách hệ thống thuế của Công đảng có thể khiến Anh mất tới 900 triệu bảng vào năm 2029-2030, trong khi đề xuất thay thế của Foreign Investors for Britain sẽ giúp ngân sách thu thêm 1,1 tỷ bảng vào năm 2029-2030.
Đề xuất của Foreign Investors for Britain về hệ thống thuế theo bậc dựa trên thành công của hệ thống thuế suất cố định của Italy được công bố cách đây 8 năm dưới thời Thủ tướng Matteo Renzi nhằm thu hút người giàu đến nước này. Theo hệ thống thuế này, một người nước ngoài đến Italy hoặc một người Italy đã sống ở nước ngoài ít nhất 9 năm sẽ đóng mức thuế cố định 100.000 euro/năm cho các khoản thu nhập và tài sản ở nước ngoài trong tối đa 15 năm và được miễn hoàn toàn thuế thừa kế đối với tài sản ở nước ngoài trong thời gian đó. Hồi tháng 8, nội các của Thủ tướng Giorgia Meloni đã phê duyệt mức tăng thuế hàng năm lên 200.000 euro.
Foreign Investors for Britain, tổ chức được tài trợ bởi những người nước ngoài không thường trú và cố vấn của họ, dự kiến sẽ trao đổi với Phố Downing về đề xuất thuế mới vào ngày 17/10. Tháng trước, tổ chức này đã trình bày với các quan chức Bộ Tài chính và Cơ quan Thuế và Hải quan Hoàng gia kết quả một khảo sát cho thấy 83% số người nước ngoài không thường trú coi thuế thừa kế đối với tài sản trên toàn thế giới là động lực chính đằng sau quyết định di cư của họ.
Một khảo sát do các công ty luật và công ty kế toán thực hiện hồi tháng 6 cho thấy khoảng 4% trong số 300 khách hàng là người nước ngoài đã lên kế hoạch rời Anh trong vòng hai năm trước khi kế hoạch Ngân sách mùa Xuân công bố vào tháng 3. Tỷ lệ này tăng lên 55% ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính khi đó là Jeremy Hunt công bố Ngân sách mùa Xuân.
Ngược lại, 80% số người được hỏi trong khảo sát cho biết sẵn sàng ở lại Anh trong thời gian dài hơn nếu chính phủ áp dụng hệ thống thuế đặc biệt, theo đó hàng năm, người nước ngoài không thường trú sẽ thanh toán một khoản phí được xác định trước giống như hệ thống thuế của Italy.
Theo ông Damian Bloom, trưởng bộ phận khách hàng tư nhân tại công ty luật Taylor Wessing, vấn đề không phải là giảm thuế cho người giàu mà là thừa nhận rằng những người này rất dễ di cư và có sự cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ nhằm thu hút họ.