AI - Lợi ích đi kèm nguy cơ
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày, tạo bước đột phá về công cụ tìm kiếm qua mạng Internet, thay đổi cách con người theo dõi sức khỏe, tạo ra những bước đột phá về kỹ thuật số và tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Có thể nói AI là ngành khoa học đang định hình lại xã hội, tuy nhiên những lợi ích mà AI mang lại cũng đi kèm với nhiều rủi ro.
Lợi ích không thể phủ nhận
Cụm từ “Trí tuệ nhân tạo” ra đời vào những năm 1950 khi nghiên cứu ban đầu về khoa học tính toán khám phá các phương pháp tự động hóa đơn giản. Nói một cách ngắn gọn, AI là thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quy trình này bao gồm học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh. Các ứng dụng đặc biệt của AI bao gồm hệ thống chuyên gia, nhận dạng giọng nói và thị giác máy. AI ra đời là thành quả tất yếu của sự phát triển khoa học và công nghệ, là giải pháp giải quyết những bài toán khó của sự phát triển loài người trong tương lai.
Với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng và không ngừng, trí tuệ nhân tạo có tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã hội, cung cấp nhiều lợi ích cụ thể trong mọi ngành công nghiệp. Nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành thiết yếu trong cuộc sống như: các phần mềm máy tính, google, googlemap, robot... Sản phẩm của trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh, ngoài việc giải đáp các câu hỏi, thắc mắc, nó thậm chí có thể phân tích hành động, lời nói để phán đoán mong muốn, nhu cầu của người dùng hoặc thực hiện theo yêu cầu người dùng. Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo đã đi vào một số lĩnh vực và thâm nhập sâu vào nhiều ứng dụng thực tiễn trong xã hội.
Ứng dụng nổi bật của AI trong chăm sóc sức khỏe là cải thiện sức khỏe con người và giảm chi phí. Nhiều bệnh viện hiện áp dụng chương trình máy tính để chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh hơn con người, trả lời trực tuyến các câu hỏi và hỗ trợ khách hàng, giúp sắp xếp các cuộc hẹn theo dõi hoặc hỗ trợ bệnh nhân trong quy trình thanh toán viện phí cũng như cung cấp những phản hồi y tế cơ bản.
Trong lĩnh vực kinh doanh, AI được áp dụng vào quy trình sản xuất tự động hóa, giúp giải phóng sức lao động của con người, cung cấp các thông tin và dịch vụ đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của khách hàng. Trong giáo dục, AI có thể tự động hóa việc chấm điểm, đánh giá năng lực và quản lý sinh viên… AI được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, các ứng dụng như thu thập dữ liệu cá nhân và cung cấp tư vấn tài chính, cải thiện hiệu suất của các ngân hàng. AI cũng có tiềm năng đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì công nghệ này có thể giúp các công ty đưa ra quyết định về tính bền vững và cắt giảm lượng khí thải carbon dễ dàng hơn….
Rủi ro tiềm ẩn
Theo nhận định của giới chuyên môn, AI đã mang lại nhiều cơ hội lớn và có tiềm năng phi thường như một công nghệ hỗ trợ, cho phép con người sử dụng hiệu quả lượng dữ liệu trước đây vốn không thể tưởng tượng được và cải thiện việc đưa ra quyết định. Tuy nhiên, lợi ích thường đi kèm với rủi ro, chúng ta cũng cần phải cẩn trọng trước những nguy cơ mà AI có thể mang lại.
Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người mới đây cảnh báo những bước phát triển của AI đang đặt ra rủi ro lớn đối với quyền con người, do đó cần có cơ chế bảo vệ trước các trường hợp vi phạm để đảm bảo rằng khía cạnh quyền con người sẽ luôn là yếu tố trung tâm, dù cho công nghệ này có phát triển đến đâu.
Rủi ro đầu tiên phải nhắc đến là với việc con người quen với các công cụ tìm kiếm và đề xuất của AI cung cấp ý tưởng dựa trên dữ liệu của chính họ, các nền tảng nói chung hay AI nói riêng sẽ khiến con người ngày càng thụ động tiếp nhận và trải nghiệm theo cách AI muốn.
Ngoài nguy cơ sự xuyên tạc, gây thiệt hại cho các cá nhân, một số ý kiến cũng lo ngại về thông tin sai lệch mà công nghệ này có thể lan truyền trên Internet. Khi AI tiếp tục trở nên tinh vi hơn, sẽ càng trở nên khó khăn hơn để xác định giữa cái gì là thật và cái gì là nhân tạo. Hậu quả là con người sẽ khó có thể thẩm định được thông tin là giả mạo cho dù nó được truyền tải bằng văn bản, hình ảnh, âm thanh hoặc thậm chí video.
Sự phát triển vượt bậc của AI còn dẫn đến nguy cơ về một làn sóng thất nghiệp. AI có thể khiến nhiều người mất việc bởi nó thực sự làm tốt hơn con người ở một số lĩnh vực như thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán và giao dịch ngân hàng. Nhiều ngành nghề mới cũng hình thành cùng với sự phát triển của AI, tăng thêm nhu cầu cho thị trường lao động, tuy nhiên, hầu hết công việc mới được tạo ra bởi AI có yêu cầu hoàn toàn khác biệt và thường cần tiêu chuẩn cao hơn so với những công việc bị AI xóa sổ.
Trong lĩnh vực quân sự, AI đã được sử dụng để do thám và giám sát cũng như phân tích, thậm chí còn được sử dụng để tự động lựa chọn các mục tiêu, chẳng hạn như đưa máy bay không người lái tới nước đối địch.
Điều đó làm dấy lên mối lo ngại rằng việc triển khai công nghệ AI trên thế giới hiện nay có thể dẫn đến một số nguy cơ trong trường hợp chiến tranh. Việc sử dụng hệ thống vũ khí tự hành (AWS) là đang là mối quan tâm lớn bởi hệ thống này có thể tấn công các mục tiêu mà không cần đến sự kiểm soát của con người. Mặc dù các chuyên gia cho rằng có thể còn lâu mới đạt được hiệp ước quy định về sử dụng AI trong chiến tranh, nhưng cần phải nhanh chóng xây dựng các hướng dẫn liên quan đến vấn đề này.