70 năm Chiến thắng Phát xít: Tìm sức mạnh ở “tính cách Nga”...
(Thethaovanhoa.vn) - Bức ảnh gây ấn tượng nhất với tôi trong Lễ duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng Phát xít, không phải là dàn máy bay, xe tăng hùng hậu, mà là khuôn mặt của những cựu binh Nga cùng di ảnh của những người đã ngã xuống. Ở đó hiện lên “tính cách Nga”.
1. Một cơn sốt mang tên “Diễu binh kỷ niệm 70 chiến thắng Phát xít” đã lan tràn khắp thế giới từ trước, trong và chắc chắn là cả sau ngày 9/5. Hàng tỉ đôi mắt đổ dồn về Quảng trường Đỏ, nơi đó, người Nga đã phô bày sức mạnh vô địch của mình dưới mặt đất, cũng như trên không trung.
Và họ đã làm được điều đó. 16.500 binh sĩ cùng 200 trang thiết bị quân sự hiện đại và 143 máy bay chiến đấu đã có màn ra mắt mãn nhãn. Niềm tự hào về một Liên Xô cũ và một nước Nga mới lại trỗi dậy..
Cựu chiến binh Nga tham gia lễ Duyệt binh kỷ niệm 70 Ngày Chiến thắng trên Quảng trường ĐỏTrong khi đó, một số khác dõi theo đơn giản là vì tò mò, bởi họ chưa bao giờ được thấy nhiều lính tráng, súng ống như thế. Họ thấy kinh ngạc vì mức độ hoành tráng còn lớn hơn gấp bội so với các bộ phim giả tưởng của Hollywood. Và không loại trừ một số nữa thì quan sát với tâm thái lo lắng. Họ săm soi đối thủ tiềm năng hay nhỡn tiền của mình phô bày sức mạnh như thế nào. Và hai câu hỏi lớn nhất là hình thù siêu tăng Armara T-14 và súng AK 74 mới sẽ ra sao?
2. Nhưng sức mạnh thực sự của một đất nước lớn hơn rất nhiều so với những gì được trình diễn trên một quảng trường để quay lên tivi. Đó là điều ai cũng biết. Và kể cả những gì được trình diễn trên đó, cũng không phải ai cũng hiểu.
Giữa một rừng vũ khí trên quảng trường đó, tôi lại ấn tượng với những chiếc xe tăng T-34 huyền thoại có từ thời Thế chiến thứ 2. Tăng T-34 là một cái tên đầy kiêu hãnh.
Là một xe tăng hạng trung sản xuất bởi Liên Xô từ năm 1940 đến năm 1958, chủ yếu được sử dụng trong chiến tranh Xô-Đức (1941-1945). T-34 đã cách mạng hoá cách thức thiết kế và chế tạo xe tăng trên thế giới, được đánh giá là loại xe tăng hiệu quả nhất và có thiết kế gây ảnh hưởng lớn nhất trong Thế chiến thứ hai, và cũng là một trong những mẫu thiết kế có thời hạn phục vụ lâu nhất, một số chiếc hiện vẫn còn được sử dụng.
Tôi ấn tượng vì một trong những mẫu xe tăng T-34 cũng từng xuất hiện trên chiến trường Việt Nam đầu những năm 1970. Khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã sử dụng xe tăng T-34-85 tiến công quân Mỹ lần đầu tiên trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào tháng 3/1971 trong đội hình Tiểu đoàn 397. Đã có hàng trăm chiếc T-34 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong suốt chiến tranh.
Nhìn tăng T-34 trong đội diễu binh, ta thấy được sức mạnh của lịch sử, sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế. Đó cũng chính là sức mạnh đã làm nên chiến thắng Phát xít cũng như các cuộc chiến tranh vệ quốc trên khắp thế giới.
3. Bức ảnh gây ấn tượng nhất với tôi, bên cạnh T-34, không phải là dàn máy bay, xe tăng hùng hậu, mà là khuôn mặt của những cựu binh Nga tham gia lễ Duyệt binh kỷ niệm 70 Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ. Chắc chắn họ là 2 trong số hàng ngàn cựu binh đã được cung cấp vé xe miễn phí để từ hội tụ về thủ đô từ khắp nước Nga mênh mông. Trong bức ảnh này, khuôn mặt họ đều già đi, có người trông còn khắc khổ, nhưng vẫn toát lên ý chí, nghị lực và sức chịu đựng. Và họ ngồi đó, bên cạnh một em bé mang trên tay tấm ảnh, có thể là ông em, cụ em, một người đã trở về sau cuộc chiến sau khi 27 triệu người lính Liên Xô đã ngã xuống trong Thế chiến II.
Trong Thế chiến II, Liên Xô là chủ công làm tan rã chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, nhưng cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sức mạnh của họ không phải, và không chỉ ở súng ống, đạn dược mà còn ở sức mạnh của nhân dân. Nhân dân đã làm nên cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nhờ tình yêu, sự thủy chung, sự trung thành, sức chịu đựng và sự hy sinh vô tận của mình. Đó là “tính cách Nga” đã làm nên sức mạnh của nước Nga nói riêng và nước Liên Xô cũ nói chung.
Tất nhiên, nhân dân Nga không chống Phát xít đơn độc, mà cùng với nhân dân tiến bộ thế giới, trong đó có cả những chiến sỹ hồng quân gốc Việt mà Đài nước Nga vừa vinh danh trong những ngày kỷ niệm chiến thắng Phát xít.
Lại nhớ trong Chiến tranh vào hòa bình, trong khi bàn bạc chiến lược bảo vệ Moskva trước đạo quân viễn chinh hùng hậu của Napoleon, trong khi các tướng lĩnh thao thao bất tuyệt các kế sách, mẹo mực thì nguyên soái Kutuzop nghĩ đến những người dân bình thường và tìm thấy sức mạnh ở trong đó. Dưới ngòi bút của Tolstoi, thì Kutuzop không phải là một thiên tài quân sự mà là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng nhân dân.
Chiến thắng Phát xít cũng từ nguồn sức mạnh ấy. Và nước Nga ngày nay để trở nên hùng mạnh cũng phải tìm nguồn sức mạnh ấy, bên cạnh những thứ vũ khí phô trương trong Lễ diễu binh.
Đông Kinh