7 sơ đồ đội hình ‘điên rồ’ nhất bóng đá hiện đại
Trong những ngày đầu của bóng đá, 22 cầu thủ theo đuổi một quả bóng, chạy quanh khu đất bùn cỏ, bằng mọi cách vật lộn với quả bóng. Dần dần theo thời gian, các nhà huấn luyện phát hiện ra rằng, bóng đá có thể được chơi theo cách tốt hơn, kỷ luật hơn, có tổ chức hơn với những mô hình đa dạng.
Sơ đồ đội hình trong bóng đá ra đời, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Các chiến thuật chủ yếu xoay quanh sơ đồ phổ biến như 4-4-2 hay 4-3-3. Những sơ đồ khác biệt bị cho là vô lý. Tuy nhiên, nó vẫn xảy ra và ngạc nhiên hơn nữa là có thể đem đến thành công. Dưới đây là 7 sơ đồ đội hình được cho là kỳ lạ nhất trong bóng đá hiện đại.
1. Ajax (mùa giải 1994-95): 3-3-1-3
Năm 1995, huấn luyện viên Louis van Gaal khiến cả thế giới sửng sốt với chiến thuật phi thường và niềm tin vững chắc vào những cầu thủ “cây nhà lá vườn”.
Đó là mùa giải chứng kiến sự ra đời của một tư duy chiến thuật giúp Ajax bất bại tại giải VĐQG Hà Lan. Van Gaal đã triển khai một đội hình không thể tưởng tượng được với sơ đồ 3-3-1-3 và đội hình này tồn tại suốt mùa giải bất kể phải thay người hay có cầu thủ chấn thương.
Frank de Boer, Danny Blind và Michael Reiziger án ngữ hàng phòng ngự được hỗ trợ bởi tiền vệ phòng ngự Frank Rijkaard. Hàng tiền vệ tấn công gồm bộ ba Edgar Davids, Ronald de Boer và Clarence Seedorf. Jari Litmanen chơi hộ công, hỗ trợ bộ ba tiền đạo Kluivert, Overmars và Finidi.
2. ĐT Australia (2006): 3-6-1
Tuyến giữa trong bóng đá đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thăng hoa. Dưới sự dẫn dắt của một nhà cầm quân người Hà Lan khác, Guus Hiddink, đội tuyển Australia đã lập nên kỳ tích vĩ đại: Lần đầu dự World Cup sau 32 năm. Chiến thuật được Guus Hiddink dùng để tạo nên kỳ tích này được miêu tả là điên rồ: 3-6-1.
Có 6 cầu thủ thi đấu ở hàng tiền vệ, chia thành 2 lớp với 3 người mỗi lớp. Điều này cho phép đội bóng có được sự gắn kết và công thủ khá dễ dàng. Mark Viduka là tiền đạo đơn độc ở phía trước, nhưng được hỗ trợ bởi hàng tiền vệ tấn công bao gồm Tim Cahill, Harry Kewell và Jason Culina. Sơ đồ này giúp Australia nắm quyền kiểm soát bóng vượt trội. Trong 3 trận đấu vòng bảng, Australia nắm quyền kiểm soát trội hơn so với Nhật Bản (55%), Croatia (56%) và Italy (58%). Australia đã lọt vào vòng loại trực tiếp của giải đấu và trước tuyển Brazil quá vượt trội về kỹ thuật, họ vẫn giữ được 47% thời lượng cầm bóng.
3. Barcelona (2009): 4-2-4
Sự xuất hiện của Pep Guardiola tại Camp Nou báo trước một kỷ nguyên vô song cho đội bóng xứ Catalunya. Bất chấp sơ đồ chiến thuật 4-3-3 được Frank Rijkaard truyền lại, Guardiola thi thoảng chuyển đội hình sang sơ đồ 4-2-4 bị coi là kỳ quặc, bị lo ngại có thể gây ra sự mất cân bằng lớn ở hàng tiền vệ.
Tuy vậy, những lo ngại đã bị xua tan. Lionel Messi, Thierry Henry và Pedro luân phiên đóng vai tiền đạo chính trong sơ đồ 4 tiền đạo. Nhiệm vụ ở hàng tiền vệ được giao cho Yaya Toure và Sergio Busquets, những người đã chơi như một cầu nối tuyệt vời giữa hàng thủ bất khả xâm phạm và hàng công triệu USD.
Với đội hình này, Barca đã vô địch La Liga, UEFA Super Cup, Supercopa De Espana và Club World Cup.
4. Tây Ban Nha (2012): 4-6-0
Tại EURO 2012, Tây Ban Nha vô địch dưới sự dẫn dắt của HLV Vicente Del Bosque với sơ đồ chiến thuật không tiền đạo. Cesc Fabregas đá như một “số 9 ảo” và nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của những chuyên gia làm bóng như David Silva, Andres Iniesta và Xavi.
Một trong những lý do chính khiến đội hình tuyển Tây Ban Nha thành công rực rỡ là bởi thứ bóng đá tiki-taka đã ăn sâu vào họ với sự chính xác hoàn hảo của những đường chuyền.
5.Bayern Munich (2013-14): 3-4-3
Pep Guardiola luôn là bậc thầy chiến thuật ở bất kỳ đội bóng nào ông dẫn dắt. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của nhà cầm quân này là khả năng biến hóa đa dạng sơ đồ đội hình để phù hợp với những đội bóng ông quản lý.
Mùa giải 2013-14, đến tiếp quản một Bayern Munich đang trên đỉnh châu Âu, chiến lược gia người Tây Ban Nha phá bỏ toàn bộ hệ thống chiến thuật của người tiền nhiệm Jupp Heynckes để xây dựng hệ thống mới.
Để lấp đầy khoảng trống do chấn thương của Bastian Schweinsteiger và Javi Martinez, Pep đã giải thoát Philipp Lahm khỏi vị trí hậu vệ, chuyển lên đá tiền vệ trụ. Trong khi 2 hậu vệ biên Alaba và Rafinha được bố trí đá như những tiền vệ. Với chiến thuật này, Bayern lên ngôi vô địch Bundesliga sớm 7 vòng đấu với khoảng cách 19 điểm so với các đội bám đuổi.
6. Chile (2010): 3-3-1-3
Sử dụng đội hình mà Van Gaal từng áp dụng tại Ajax, “gã điên” Marcelo Biesla đã giúp đội tuyển Chile trở thành một thế lực tại World Cup 2010. Với số đông cầu thủ bên phần sân nhà, Chile khiến nhiều đội bóng gặp khó trong việc triển khai lối chơi. Trong khi trên hàng công, 4 cầu thủ luôn biết cách tạo đột biến và giúp đội nhà có tấm vé vào vòng knock-out trước khi ngẩng cao đầu rời giải với thất bại trước Brazil tại vòng 16 đội.
7. Pháp (1984): 4-2-2-2
HLV Michel Hidalgo xây dựng lên một đội tuyển Pháp huyền thoại và đỉnh điểm là lên ngôi vô địch EURO 1984. Ông vẫn trung thành với sơ đồ 4 hậu vệ, song có bước đột phá trên hàng tiền vệ và hàng công. Toàn bộ tuyến giữa được xây dựng dựa trên bộ tứ Jean Tigana, Alain Giresse, Luis Fernandez và Michel Platini. Trong khi Fernandez được bố trí ở vị trí tiền vệ trụ, Tigana, Giresse và Platini được giao các vai trò tự do để cắt xuyên qua hàng phòng ngự đối phương. Sơ đồ này khiến tuyển Pháp trở nên khó lường với hàng công thi đấu theo trục dọc 2 người một. Phong độ của Platini phản ánh rõ nhất hiệu quả của sơ đồ này với 9 bàn thắng sau 5 trận đấu.
Khánh Đan