500 năm ngày mất danh họa Phục hưng Raphael: Các tranh 'Madonna' hội tụ ở Berlin
(Thethaovanhoa.vn) - Washington, London, Paris rồi Rome - các bảo tàng khắp toàn cầu đang trải thảm đỏ vào năm 2020 nhằm tôn vinh Raphael, danh họa Phục hưng, kiến trúc sư, nhà khảo cổ kiêm nhà thơ, người đã qua đời cách đây 500 năm, vào năm 1520. Và Gemaldegalerie ở Berlin (Đức) là bảo tàng đầu tiên mừng lễ kỷ niệm toàn cầu này bằng triển lãm giới thiệu những bức họa vẽ Madonna (Đức mẹ) trong thời kỳ đầu sự nghiệp của nghệ sĩ.
Triển lãm, mang tên Raphael in Berlin - The Madonnas of the Gemaldegalerie, diễn ra chỉ trong một căn phòng nhỏ nhưng đầy tinh tế.
Khi các vua Phổ “say mê” Raphael
Giám tuyển khách mời, sử gia nghệ thuật Enbergerberger, giới thiệu 5 bức tranh về Đức mẹ Maria từ bộ sưu tập của bảo tàng, cùng bức vẽ Madonna of the Pinks được mượn từ Phòng trưng bày Quốc gia Anh. Như vậy, đây là lần đầu tiên Madonna of the Pinks rời khỏi Vương quốc Anh kể từ khi được bảo tàng London mua lại.
“Với những bức tranh Madonna, chúng tôi đang giới thiệu những tác phẩm đầu tiên của Raphael” – Enzensberger nói và cho biết thêm rằng: các vị vua Phổ từng ấn tượng với Raphael thời trẻ đến mức họ mua tới 5 bức tranh trong bộ sưu tập Berlin vào khoảng năm 1821 và 1854, thời điểm Raphael đang được chú ý.
Ngoài ra, người Phổ thực sự đã cân nhắc việc mua bức tranh Madonna of the Pinks, nhưng tác phẩm này được coi là quá đắt.
Madonna Terranuova là vụ mua bán đắt nhất thời điểm bấy giờ và đó là bức tranh nhỏ nhất được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm này. Những mô tả của Raphael trong bức tranh tràn đầy sức sống, những ánh mắt trao đổi giữa hai mẹ con thể hiện sự thân mật tuyệt vời. Như thường lệ, họa sĩ mô tả các nhân vật của mình trong một bố cục hài hòa và cân đối.
Trong quá khứ, Pietro Perugino (1445-1523), bậc thầy quan trọng nhất của trường phái Umbria, đã dạy Raphael cách vẽ phác họa. Sau đó, Raphael đến Florence và Rome, nơi ông trở thành họa sĩ triều đình phục vụ giáo hoàng. Cuộc “gặp gỡ” các bức tranh vẽ Madonna tại bảo tàng Gemaldegalerie mang đến cho khách tham quan cái nhìn “mang tính hội tụ và cực kỳ tập trung” của nghệ sĩ Raphael, như lời Michael Eissenhauer Tổng giám đốc các Bảo tàng Quốc gia Berlin nói.
Một trong “Tam hùng” hội họa thời Phục hưng
Khoảng 500 năm sau khi qua đời, Raphael (tên đầy đủ là Raffaello Sanzio da Urbino) vẫn được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất châu Âu trong lịch sử nghệ thuật. Ông cùng với Leonardo da Vinci (1452-1519) và Michelangelo Buonarroti (1475-1564) tạo nên bộ “tam hùng” (bộ ba bậc thầy) của thời Phục hưng.
Sinh ra ở Urbino năm 1483, Raphael là con trai của một họa sĩ trong triều đình. Raphael mất cả cha lẫn mẹ từ khi còn rất nhỏ và lớn lên trong đôi tay của một người chú. Ở tuổi 17, tài năng của Raphael nổi bật đến mức không còn có thể bị “phớt lờ”: từ năm 1500 cho đến khi được điều tới Rome, ông làm việc chủ yếu cho các gia đình quý tộc giàu có và vẽ các bức tranh tôn giáo, bàn thờ và chân dung.
Cho đến năm 1504, ông đã vẽ theo trường phái Umbria, sau đó ông chuyển đến Florence để nghiên cứu Leonardo da Vinci và Michelangelo. Trong 4 năm ở Florence và Perugia, Raphael đã tạo dựng được danh tiếng là một họa sĩ vẽ chân dung, họa sĩ của các đồ thờ và đặc biệt là những bức tranh về Madonna mà ông đã vẽ vô số các phiên bản trên gỗ, toan hoặc thạch cao trong suốt cuộc đời mình. Ở Florence, ông đã tìm được phong cách vẽ Madonna của riêng mình.
Cuối năm 1508, Giáo hoàng Julius II đã triệu tập Raphael đến Rome để tham gia vào bức tranh trong “căn hộ giáo hoàng” (nằm trong quần thể kiến trúc Thánh Điện tọa lạc tại Vatican). Lấy cảm hứng từ miêu tả của Raphael trong bức Disputa trong Stanza della Segnatura (Phòng tòa án), Giáo hoàng Julius II giao trách nhiệm cho nghệ sĩ trang trí toàn bộ căn phòng. Sau khi Giáo hoàng Julius II qua đời vào năm 1513, Giáo hoàng Leo X đã cho phép tiếp tục công trình này. Trong 12 năm, Raphael định hình việc sáng tạo nghệ thuật tại Vatican.
Ở Rome, Raphael hòa nhập một cách dễ dàng trong giới thượng lưu. Mặc dù không được giáo dục một đầy đủ, nhưng không rõ vì sao ông lại đọc tiếng Latin một cách dễ dàng. Sau khi Michelangelo trở lại Florence vào năm 1516, Raphael trở thành “thủ lĩnh” không thể tranh cãi giữa các họa sĩ, kiến trúc sư và nhà bảo tồn của “Eternal City” (Thành phố vĩnh cửu - Rome), tạo ra những kiệt tác vang danh cho đến ngày nay. Ông vẽ bạn bè và những người bảo trợ giàu có, làm đồ thờ và thiết kế những tấm thảm nổi tiếng cho Nhà nguyện Sistine.
Nghệ sĩ đa tài
Raphael qua đời ngày 6/4/1520 ở tuổi 37. Bất chấp cái chết khá sớm, Raphael đã để lại một khối lượng lớn các tác phẩm. Nghệ thuật của ông vẫn là chuẩn mẫu cho các thế hệ nghệ sĩ.
Sự nghiệp của Raphael được chia thành 3 giai đoạn và 3 phong cách: những năm đầu tiên của ông ở Umbria, sau đó một thời gian khoảng 4 năm (1504-1508) tiếp thu những truyền thống nghệ thuật của Florence, tiếp theo là thời gian 12 năm cuối cùng thành công và bận rộn ở Roma, khi ông làm việc cho hai vị Giáo hoàng và các cộng sự thân thiết của họ.
Theo Enzenberger, nghệ thuật của Raphael vẫn còn quan trọng ngày nay: “Raphael gần như quá hài hòa, gần như quá đẹp. Nhưng có lẽ sẽ đến lúc chúng ta khao khát điều tưởng như không thể có trong cuộc sống thật ấy”.
Ngoài vai trò họa sĩ, Raphael còn là một kiến trúc sư lỗi lạc. Ông đã thiết kế nhà thờ Thánh Peter tại Vatican ở Rome. Ông cũng đã có những đóng góp quan trọng trong quy hoạch tổng thể Nhà thờ lớn và đồng thời còn là người phụ trách thi công công trình này.
Tưởng nhớ khắp châu Âu Các bức tranh Madonna của Raphael được trưng bày từ ngày 13/12/2019 đến ngày 26/4/2020, mở đầu trong loạt ba triển lãm dành riêng cho nghệ sĩ ở thủ đô nước Đức. Sau triển lãm này, cuộc sống của Raphael được mô tả qua các bản khắc của tác giả Julian Riepenhausen (1787-1860) sẽ đến với công chúng qua triển lãm vào tháng 1/2020. Trong khi đó, vào tháng 2, bảo tàng Kupferstichkabinett trưng bày những kiệt tác Raphael. Ngoài ra, phòng trưng bày Quốc gia ở London có triển lãm Raphael vào mùa Thu năm 2020. |
Việt Lâm (tổng hợp)