2014 là năm thị trường nghệ thuật 'hái ra tiền'
Năm 2014 được coi là năm "hái ra tiền" từ các tác phẩm nghệ thuật với doanh thu kỷ lục đạt 15,2 tỷ USD. Làm nên thành công này có vai trò không nhỏ của các bảo tàng mới tại các nước được coi là trung tâm văn hóa nghệ thuật, đặc biệt ở châu Á.
Theo báo cáo thường niên công bố ngày 26/2 của hãng Artprice (Pháp) và Tập đoàn Artron (Trung Quốc), con số 15,2 tỷ USD trên là doanh thu bán các tác phẩm nghệ thuật tại các cuộc bán đấu giá trong năm, tăng 26% so với năm trước đó. Báo cáo nhấn mạnh đến con số ấn tượng khi có tới gần 1.700 tác phẩm nghệ thuật được mua với giá từ 1 triệu USD trở lên, gấp 4 lần so với thập kỷ trước.
Năm 2014 còn ghi nhận 125 công trình nghệ thuật được bán với giá tối thiểu 10 triệu USD, không bao gồm tiền hoa hồng. Số lượng tác phẩm có mức giá này gấp 7 lần so với 10 năm trước đó. Theo nhận định của Artprice, xu hướng đam mê nghệ thuật bùng nổ là thực sự, không chịu tác động từ giới đầu cơ bởi lẽ nhu cầu chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng ngày càng gia tăng.
Báo cáo của Artprice cho hay trong 15 năm đầu của thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến năm 2015), số bảo tàng mới được khai trương nhiều hơn hẳn so với 2 thế kỷ trước. Theo Artprice và Artron, trung bình mỗi ngày thế giới có một bảo tàng mới mở cửa đón khách thăm quan. Mỗi bảo tàng mới cần có ít nhất từ 3.000 đến 4.000 tác phẩm nghệ thuật để trưng bày. Thực tế này khiến thị trường các tác phẩm nghệ thuật năm qua hết sức sôi động.
Mặc dù châu Á dẫn đầu về số lượng bảo tàng mới đi vào hoạt động, song Mỹ vẫn là trung tâm của các thương vụ mua bán tác phẩm nghệ thuật với tổng giá trị giao dịch qua các sàn đấu giá là 4,8 tỷ USD. Trong số 125 tác phẩm có giá 10 triệu USD trở lên, có tới 83 tác phẩm được bán tại Mỹ.
TTXVN