100 năm ngày sinh soạn giả Viễn Châu: Người thầy đáng kính của nghệ thuật cải lương
Ngoài 50 vở cải lương và hơn 2.000 bản vọng cổ, nhiều tác phẩm trong số này đã thành bất hủ, soạn giả - NSND Viễn Châu (1924 - 2016) còn là danh cầm, là thầy đờn, thầy hát của rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ thành danh khác. Viễn Châu đúng nghĩa là người thầy đáng kính của nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh soạn giả - NSND Viễn Châu, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Viễn Châu - Trọn đời nghiệp cầm ca (kịch bản: Trần Trí, đạo diễn: Hữu Quốc - Dương Thảo).
Chân dung người nghệ sĩ yêu nước
Soạn giả - NSND Viễn Châu (1924 - 2016) tên khai sinh Huỳnh Trí Bá, sinh ra tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú (nay thuộc huyện Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh. Xuất thân danh gia vọng tộc, không có truyền thống nghệ thuật, nhưng bằng niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn đờn ca tài tử, nên mới 19 tuổi ông đã thuần thục các ngón đàn tranh, vĩ cầm, guitar phím lõm…và về sau còn được gọi với cái tên thân thương là "danh cầm Bảy Bá".
Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, sáng tác, truyền dạy nghề, ông được báo chí và khán giả mộ điệu trân trọng mệnh danh là "Ông vua viết vọng cổ".
Với một cuộc đời đầy thăng trầm và kho tàng tác phẩm đồ sộ như vậy, thật khó để thể hiện hết chỉ trong hơn 2 tiếng rưỡi của một chương trình. Ê-kíp thực hiện đã chọn khắc họa một lát cắt trong giai đoạn chàng thanh niên Bảy Bá (Viễn Châu) vừa chân ướt chân ráo rời quê hương lên Sài Gòn. Bị bầu show quỵt tiền thù lao, ông lúng túng không biết làm sao khi trong túi trống rỗng, lại lạ nước lạ cái giữa đất Thủ Thiêm lúc ấy còn hoang sơ, vắng vẻ. May sao một người đàn ông tốt bụng đã cho ông tá túc và 2 tâm hồn nghệ sĩ đã có cuộc tương ngộ hòa đàn đồng điệu như Bá Nha - Tử Kỳ.Sáng hôm sau, người đàn ông ấy còn gửi tặng Viễn Châu tờ 1 đồng Đông Dương làm lộ phí.
Ân tình đó, nghĩa tri âm đó theo ông suốt chặng đường làm nghề mấy chục năm, như một lời nhắc nhở về cái đạo của người nghệ sĩ là gửi gắm tình yêu thương cho nhân thế.
Và trong rất nhiều tình yêu thương ấy, Viễn Châu luôn có một góc ưu ái cho tình yêu đất nước. Bởi ông từng cầm súng tham gia kháng chiến chống Pháp, viết vở cải lương đầu tay Hồn chiến sĩ nhằm cổ vũ cách mạng. Ông còn bí mật hoạt động tại Ban công tác thành ở Sài Gòn, bị địch bắt và tù đày ở trại giam Cẩm Giang tỉnh Tây Ninh năm 1947. Sau khi được tự do, ông lấy tên khác là Trương Văn Bảy và bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp bằng vở cải lương Nát cánh hoa rừng, phóng tác từ truyện Đường rừng của Khái Hưng năm 1950.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, NSND Viễn Châu có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng rất tiêu biểu. Chẳng hạn như bài cổ nhạc Người mẹ miền Nam và bài tân cổ Tiếng chày trên sóc Bom Bo được chương trình tái hiện bởi các nghệ sĩ NSND Thoại Miêu, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Lam Tuyền, NSƯT Thu Vân, Nhã Thy, Trúc Lai…
Tình yêu nước trong tác phẩm của ông không hề khô khan, mà trữ tình, nên dễ đi sâu vào lòng người. Đặc biệt 2 nhạc cảnh còn được giới thiệu bởi cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng của NSND Hữu Quốc nên càng chạm đến trái tim khán giả.
Trong suốt mấy thập niên, nghệ danh Viễn Châu đã gắn liền với hàng loạt bài vọng cổ ăn khách, tạo nên sức hút và lan tỏa mãnh liệt khắp mọi miền đất nước. Ông giản lược bài vọng cổ từ 6 câu chỉ còn câu 1, 2 và 5, 6 để gọn ghẽ và dễ nghe, dễ tiếp cận với công chúng hơn.
Ông vua viết vọng cổ
Trong suốt mấy thập niên, nghệ danh Viễn Châu đã gắn liền với hàng loạt bài vọng cổ ăn khách, tạo nên sức hút và lan tỏa mãnh liệt khắp mọi miền đất nước.
Ông giản lược bài vọng cổ từ 6 câu chỉ còn câu 1, 2 và 5,6 để gọn ghẽ và dễ nghe, dễ tiếp cận với công chúng hơn. Ông lại chủ trương nội dung bài vọng cổ phải có cốt truyện hấp dẫn, như trong một phát biểu của mình: "Một bài vọng cổ phải có cốt truyện, phải có vai chính như trong một truyện ngắn. Bài hay trước nhất là ở cốt truyện". Có lẽ vì vậy mà trong hầu hết các tác phẩm của ông, luôn gắn liền với đời sống tinh thần của khán giả và đã trở thành bất hủ.
Không những góp phần làm nên thành công cho các hãng đĩa thời bấy giờ, các tác phẩm của NSND Viễn Châu còn giúp nhiều thế hệ nghệ sĩ tỏa sáng và trở thành những danh ca nổi tiếng.
Hầu như ai cũng từng hát bài vọng cổ của ông, thậm chí hát rất nhiều bài. Và ông còn "đo ni đóng giày" viết riêng cho họ, phù hợp chất giọng của họ như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Tấn Tài, Minh Vương, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Thanh Kim Huệ, Minh Phụng, Phương Quang, Phượng Liên, Thanh Sang, Thanh Tú… Sau này, với thế hệ kế tiếp như Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Phương Hồng Thủy, Trọng Phúc, Ngọc Huyền, Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Ngân… cũng đều đặt hàng ông viết cho mình trong các chương trình hoặc làm album, ra đĩa.
Để minh họa cho vị trí của những bài vọng cổ bất hủ ấy, chương trình đã tái hiện một phần giải thưởng Thanh Tâm - tiền thân của giải Trần Hữu Trang ngày nay. Khán giả được sống lại một trong những giai đoạn rực rỡ nhất của sân khấu cải lương, hòa cùng giai điệu của 2 tác phẩm từng làm nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ là Tình anh bán chiếu và Lá trầu xanh. Chúng vẫn tiếp tục là những tuyệt tác nâng đỡ tài năng của lớp trẻ ngày nay như NSƯT Võ Thành Phê, Phùng Ngọc Bảy, Nguyễn Văn Khởi, Võ Thanh Tiền, Nguyễn Văn Hợp, Điền Trung, NSƯT Diễm Thanh, Hà Như, Kim Luận... Chỉ với vài câu vọng cổ lại có thể khắc họa cả một câu chuyện, khiến người nghe mường tượng và thấu cảm tâm sự của anh bán chiếu si tình, hoặc mối tình ngang trái của cô gái bán trầu xanh.
Với tâm hồn phóng khoáng, hào sảng đậm chất Tây Nam bộ, Viễn Châu còn hướng ngòi bút của mình đến mọi miền đất nước, không ngại tiếp nhận những điểm đặc sắc trong ca diễn của các địa phương khác. Điều đó được thể hiện trong các ca cảnh Em đi chùa Hương, Đêm tàn bến Ngự, Bài ca đất phương Nam… được thể hiện bởi NSND Trọng Phúc, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Vân Khánh, Cao Công Nghĩa. Cải lương Nam bộ phối hợp với chất Bắc, chất Huế vậy mà phù hợp bất ngờ. Khán thính giả cả nước đón nhận và mến mộ những bài vọng cổ của Viễn Châu, không chỉ từ các sân khấu chuyên nghiệp, mà còn đi vào những buổi họp mặt thân tình trong gia đình, bè bạn như ca cảnh Hai sắc hoa ti-gôn do NSƯT Lê Tứ và Thu Ngát thể hiện. Hoặc bài ca cổ Giây phút ngậm ngùi do danh ca NSND Minh Vương thể hiện cũng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Đó là sự minh chứng cho sức hấp dẫn và sáng tạo của "ông vua viết vọng cổ" Viễn Châu.
Cha đẻ của tân cổ giao duyên và vọng cổ hài
Thập niên 1960 đánh dấu sự phát triển bùng nổ của dòng nhạc bolero. NSND Viễn Châu là người mạnh dạn khởi xướng loại hình kết hợp nhạc tân và nhạc cổ mà ông gọi là "tân cổ giao duyên". Ông phải mất gần 10 năm để chinh phục được giới mộ điệu lẫn chuyên môn, đáp ứng được cả 2 nhu cầu về thưởng thức tân nhạc và cổ nhạc trong cùng một tác phẩm. Tân cổ giao duyên còn giúp các nghệ sĩ có thêm đất sáng tạo trong làn hơi và giọng ca, góp phần quan trọng cho tiến trình phát triển bản vọng cổ.
Bài tân cổ giao duyên đầu tiên Chàng là ai được Viễn Châu giao cho cô đào Lệ Thủy lúc đó chỉ mới hơn 14 tuổi thể hiện, giờ được chính NSND này ca lại sau 60 năm,trong những tràng pháo tay giòn giã. Bà xúc động kể lại: "Hồi đó nghe bác Bảy kêu hát thử bài Chàng là ai, tôi chẳng biết tân cổ giao duyên là gì, nên nói con sợ quá bác ơi. Bác Bảy động viên tôi, nói mày cứ ca đi, biết đâu sau này mày lên. Không ngờ sau đó thành công ngoài sức tưởng tượng. Tôi là nhân chứng sống của thời đó, nên vô cùng biết ơn bác Bảy".
Viễn Châu còn là người có công lớn trong việc biến đổi bài bản vọng cổ truyền thống mang âm hưởng buồn của điệu oán trở nên hài hước, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng, ý nhị, đậm chất Nam bộ. Vọng cổ hài của ông giúp làm nên tên tuổi của những Văn Hường, Hề Sa… Trong chương trình, khán giả thú vị xem ca cảnh Ông Trượng Tiên Bửu được NSND Thanh Nam tái diễn cùng NSND Mỹ Hằng một cách sinh động, nghịch ngợm.
Một đỉnh cao khác, đó là Viễn Châu đã viết hơn 50 vở cải lương cho các đoàn cải lương lớn nhỏ, viết cho các hãng băng đĩa, có nhiều vở diễn ở sân khấu rồi đem thu đĩa vẫn bán chạy ào ào. Và trích đoạn cải lương Chuyện tình Hàn Mạc Tử được NSND Trọng Hữu, NSND Lệ Thủy, NSƯT Cẩm Tiên, Trung Quang diễn lại thật ngọt ngào. Nhiều vở như Tình mẫu tử, Hoa mộc lan… vẫn được tái dựng nhiều lần trên các sân khấu khắp cả nước.
Rất nhiều học trò thành danh
Sinh thời, soạn giả Viễn Châu được hàng trăm nghệ sĩ gọi là thầy, vì ông có công làm nên tên tuổi của họ, chẳng hạn Phương Quang, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Hồng Nga, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Kim Tử Long, Phương Hồng Thủy, Trọng Phúc, Quốc Kiệt, Hoàng Song Việt... Người thì được ông viết bài vọng cổ "đo ni đóng giày" khiến họ bật sáng. Người thì được ông chăm chút khi thu âm, thu đĩa, chẳng hạn nhắc nhở cách ca, cách nhả chữ, hoặc bồi dưỡng kiến thức để "hiểu" câu chuyện trong bài ca thì ca mới có hồn; hoặc ông chỉnh sửa, nhắc nhở cách hóa trang khi ra sân khấu. Người lại "học" ông trong cách viết vọng cổ, viết tuồng cải lương giản dị mà sâu sắc. Người lại học ông từng ngón đờn điêu luyện, cách viết bài bản cải lương, vọng cổ. Viễn Châu đúng nghĩa là người thầy đáng kính của nghệ thuật cải lương Việt Nam.