100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Tô Vũ: Danh tiếng dị biệt từ bút danh Xuân Diệu tặng
Không chỉ cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nhiều tác phẩm hay, nhạc sĩ Tô Vũ (9/4/1923-9/4/2023) còn được ca ngợi bởi sự tâm huyết của ông đối với nền âm nhạc của nước nhà. Ông chính là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Tác giả của nhiều ca khúc đi cùng năm tháng
Nhạc sĩ Tô Vũ, tên khai sinh là Hoàng Phú, sinh ngày 9/4/1923, tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang, nhưng từ nhỏ đã cùng gia đình chuyển về sống tại Hải Phòng. Ông là một nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam; nguyên là Viện trưởng Viện Âm nhạc cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh; là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 1974-1976. Ông mất ngày 13/5/2014. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Những người ưa nhạc trữ tình, lãng mạn thường nhắc tới ông như một trong những tác giả ấn tượng với Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu. Người ưa nhạc “đỏ” thì chẳng ai là không biết ông với những ca khúc mang âm hưởng dân tộc như Cấy chiêm (thơ Quách Vinh), Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Gợi ý mùa trăng, Khúc ca yêu đời, Như hoa hướng dương (thơ Hải Như)... Người yêu khí nhạc mà nhất là khí nhạc dân tộc thì ai cũng biết ông là tác giả bản hòa tấu đầu tiên Nông thôn đổi mới (viết cùng Tạ Phước), Hoàng hôn trên xóm nhỏ (1966). Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho sân khấu (Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối) và điện ảnh. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chèo, cồng chiêng, đàn đá, thang âm - điệu thức và âm nhạc dân gian Việt Nam…
Nhưng hỏi nhạc sĩ Tô Vũ học trường âm nhạc nào mà là một tác giả tầm cỡ như thế? Chắc không ai ngờ, ông chỉ hoàn toàn tự học. Hoàn toàn tự học nhưng sau hòa bình ở miền Bắc, ông đã trở thành giáo viên Trường Âm nhạc VN với hàng chục cuốn sách, giáo trình, nghiên cứu về âm nhạc. Tô Vũ hiện diện là một nhạc sĩ với rất nhiều dòng chảy và kỳ lạ nhất, vẫn là sự tự học mà ra. Kiên nhẫn và tài năng đã tạo ra danh tiếng dị biệt của Tô Vũ.
Năm 1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú cùng một số người bạn như: Phạm Ngữ, Canh Thân và Văn Cao lập nhóm Đồng Vọng, góp phần cổ suý cho nền tân nhạc Việt Nam. Nhóm đã sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc. Ngoài ra, một số tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý hay Bến xuân của Văn Cao cho đến nay vẫn được coi như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám đã thổi bùng lên sức mạnh thăng hoa của toàn dân tộc, cùng với lời dặn trước khi mất của người anh – nhạc sĩ Hoàng Quý - thay anh phụng sự hết tâm huyết cho nền âm nhạc Việt Nam - là một cú hích mạnh để ông bước vào một hành trình mới. Hành trình kháng chiến và cũng là hành trình về nguồn tìm lại chính mình trong âm hưởng dân tộc. Viết ca khúc Tạ từ, chính là để ông bắt đầu một hành trình mới: “Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh/Gió dâng khúc đàn thanh bình/Ta đi tìm thơ/Muôn phương gót in núi rừng thâm u…”.
Khởi đầu hành trình mới, lại được nhà thơ Xuân Diệu tặng cho bút danh Tô Vũ, từ đó bắt đầu một nhạc sĩ Tô Vũ.
Nhạc sĩ Tô Vũ đã nhận ra con đường đi của mình mà chính Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng đã chỉ ra: “Dân tộc-khoa học-đại chúng”. Đấy là cuộc song hành của sự tìm tòi trong 2 ngôn ngữ sáng tạo âm nhạc. Một lối là tìm ra ngôn ngữ nhạc kinh viện nhưng mới mẻ trong những ca khúc trữ tình. Đấy là việc cho ra đời Tiếng chuông thiên thu và đặc biệt là Em đến thăm anh anh một chiều mưa nổi tiếng. Chỉ từ một cuộc đến thăm của cô em gái Hoàng Hải mùa đông năm 1948, vậy mà với sự tưởng tượng của mình về tình yêu, Tô Vũ đã trút vào giai điệu tiếng thầm thì, da diết của lãng mạn đôi lứa: “Em đến thăm anh người em gái/Tà áo hương nồng/Mắt huyền trìu mến/Sưởi ấm lòng anh”. Với sức tưởng tượng của tuổi thanh xuân cùng với tài năng, Tô Vũ đã góp vào dòng ca khúc lãng mạn một nhạc phẩm bất hủ.
Bất ngờ là ở một lối khác, lối bám sát truyền thống, ngôn ngữ dung dị, mang tính đại chúng nhưng vẫn chứa đầy học thuật, ngỡ như ngược hẳn với lối trên nhưng qua tâm hồn Tô Vũ, chúng lại "Song kiếm hợp bích" đến mức lạ lùng. Khó mà tin rằng tác giả Cấy chiêm (thơ Quách Vinh) tràn ngập âm hưởng chèo lại cũng là tác giả Em đến thăm anh một chiều mưa (đã được hát vang ở các vùng tạm bị chiếm). Nhưng đó mới thực sự là tài năng, là cá tính sáng tạo của Tô Vũ. Từ Cấy chiêm, Tô Vũ còn đi tới Nhớ ơn Hồ Chí Minh với vẻ đẹp âm thanh thuần khiết đến trác tuyệt: “Toàn dân ghi ân đức Người dài lâu như núi sông, như mưa rơi trên đồng khô, như ánh nắng ngày mùa …”. Tất cả những hun đúc ấy, tích tụ ấy đã đưa Tô Vũ đến tác phẩm hòa tấu dàn nhạc dân tộc tiêu biểu “Nông thôn đổi mới” ngay sau hòa bình (viết cùng Tạ Phước). Ông đã "phải lòng" âm nhạc dân tộc đến say đắm để có những tác phẩm nhạc sân khấu như Hoàng hôn trên xóm nhỏ (hòa tấu dàn nhạc dân tộc - 1966), Đề Thm (nhạc tuồng - 1969), Trưng Vương (nhạc cải lương - 1970), Dũng sĩ Rạch Gầm (nhạc chèo - 1971), Nghêu, sò, ốc, hến (nhạc tuồng - 1972), Sơn Tinh, Thủy Tinh (nhạc múa rối - 1973)…
Một bề dày đáng nể về sáng tác, nghiên cứu lý luận và giảng dạy
Năm 1948, nhạc sĩ Tô Vũ với vai trò là Thư ký Đoàn Nhạc sĩ Liên khu III được chọn là đại biểu giới Văn nghệ Khu III (1948 và 1950) đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1950, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật được thành lập, ông được mời tham gia trong ban nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm Trưởng ban. Sau đó, ông ở lại Việt Bắc cùng nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Hữu Hiếu xây dựng Ban Âm nhạc và sưu tầm nghiên cứu nhạc Chèo. Năm 1952, nhạc sĩ Tô Vũ cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên và Thế Lữ xây dựng Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Hòa bình lập lại, năm 1954, ông lại cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đặng Đình Hưng, Văn Chung, Nguyễn Đình Phúc và Lê Yên về Ban Nhạc Vũ – tiền thân của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Không chỉ cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nhiều tác phẩm hay, nhạc sĩ Tô Vũ còn có bề dày đáng nể về sáng tác, nghiên cứu lý luận và giảng dạy, trải dài suốt gần như cả đời.
Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam. Cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Phạm Văn Chừng, Dzoãn Mẫn, Lê Yên và Thái Thị Liên, tham gia giảng dạy kiêm Chủ nhiệm bộ môn Lý luận-Sáng tác (1959-1967). Ông là người thầy dạy sáng tác có mặt ở trường Âm nhạc Việt Nam ngay từ khóa học sáng tác đầu tiên với những học trò về sau trở thành những nhạc sỹ nổi tiếng, như: Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Tô Ngọc Thanh, Hồng Đăng, Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Lư Nhất Vũ, Thuỵ Loan, Trương Đình Quang, Lê Quang Nghệ… Nhiều người trong số này lại trở thành thầy dạy trong Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông cũng là người xây dựng hệ thống giảng dạy môn âm nhạc cho trường phổ thông của Trường Sư phạm Thể dục và Âm nhạc Trung ương (sau này là Trường Sư phạm Nhạc Họa), là Phó Hiệu trưởng của Trường. Sau khi giải phóng miền Nam, ông vào làm Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc, phụ trách bộ phận phía Nam ở TP Hồ Chí Minh. Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc (nhạc truyền thống) cũng như âm nhạc hiện đại. Những công trình nghiên cứu, lý luận của ông về âm nhạc luôn là những tài liệu quý giá cho nhiều thế hệ nhạc sĩ nghiên cứu, học tập. Sinh thời ông từng nói: “Phải có tri thức, phải hiểu biết, càng sâu, rộng càng tốt, không bao giờ là thừa. Chỉ loanh quanh với vài nốt nhạc thì không bao giờ tiến được xa”.