Yêu lắm Phú Thọ ơi!
(Thethaovanhoa.vn) - Buriram chỉ là một tỉnh nhỏ của Thái Lan, tựa như Bình Dương vậy. Và Buriram United cũng như B.Bình Dương, đều là kinh đô của bóng đá Thái Lan và Việt Nam, ở kỷ nguyên lên chuyên. Chỉ chưa đầy 2 năm, bóng đá Việt Nam ở các cấp độ U23 QG và ĐTQG đã được thưởng thức quả ngọt tại các giải đấu quốc tế diễn ra ở Chang Arena, sân nhà của Buriram United, CLB có lượng CĐV khủng bậc nhất Thai Premier League từ nhiều năm qua. Tại sao và như thế nào, FAT lại chọn Buriram?
Người Thái có những con tính rất hay trong việc phổ cập bóng đá và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ môn thể thao vua nói riêng và thể thao nói chung. SEA Games 1995, họ đem về tỉnh miền núi phía Bắc là Chiang Mai, đến năm 2007, địa điểm đăng cai là Korat, Nakhon Ratchasima, một tỉnh nhỏ nằm ở miền Trung Nam Thái Lan. AFF Suzuki Cup 2008, với các trận đấu vòng bảng đều được tổ chức ở thành phố du lịch duyên hải Phuket, thay vì Bangkok vào thời điểm chính sự đang bất ổn...
VIDEO: U23 Việt Nam sẵn sàng cho mục tiêu vàng SEA Games 30
Bangkok là Thủ đô và là trung tâm kinh tế, chính trị, thể thao lớn nhất Thái Lan, là nơi mà cơ sở hạ tầng thừa ưu việt để tổ chức bất cứ sự kiện thể thao lớn nào. Nhưng FAT và Uỷ ban Olympic Thái Lan vẫn đưa những giải đấu lớn về tỉnh lẻ. Vì sao?
Năm 2007, khi SEA Games 24 được tổ chức ở Nakhon Ratchasima, SVĐ Ratchasima được xây mới với sức chứa 20.000 khán giả và có đường chạy điền kinh, để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á. 10 năm sau, đội bóng địa phương Ratchasima trở thành hiện tượng tại Thai Premier League.
Họ vượt qua Muangthong United và Buriram United về số lượng Hội viên Hội CĐV, dù thành tích là không thể sánh kịp. Sự phát triển bóng đá đòi hỏi rất nhiều yếu tố đồng bộ, nhưng cơ sở hạ tầng - sân bãi chắc chắn là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Câu chuyện của người Thái có liên quan gì đến bóng đá Việt Nam? Xin thưa là vô cùng liên quan.
Mới đây, chúng ta đã thấy hàng vạn người hâm mộ bóng đá tỉnh Phú Thọ đội mưa, chịu sấm sét để theo dõi trận đấu giao hữu giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar, mới thấy cơn khát bóng đá của khán giả “vùng sâu vùng xa”.
Nói là vùng sâu vùng xa, bởi họ chưa từng trải qua cảm giác được xem tận mặt, bắt tận tay những thần tượng của mình thi đấu trên chính mảnh đất Vua Hùng. Phổ cập bóng đá và phổ cập các ĐTQG đến với bà con miền núi là một đòi hỏi, một nhu cầu và thậm chí là nghĩa vụ của VFF, chứ không đùa.
Nếu có một liên tưởng, thì Phú Thọ với sân bóng tuyệt đẹp thập chí còn có nhiều lợi thế hơn so với Korat, Nakhon Ratchasima (thời điểm năm 2007), cách Bangkok đến hơn 400km.
Năm 2014, “những đứa trẻ nhà bầu Đức” đã giúp sân Cần Thơ sức chứa hơn 50.000 chỗ ngồi được phủ kín tại giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên.
2 năm sau, một trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam với CLB hạng II của Nhật Bản cũng cháy vé ở Tây Đô. Nó cho thấy nhu cầu được xem đội tuyển quốc gia thi thố lớn đến đâu trong tiềm thức của người hâm mộ miệt vườn. Trong khi dân thị thành, từ Hà Nội đến TP.HCM vốn đã đẫy mắt các trò tiêu khiển và cả các trận đấu bóng đá đỉnh cao, thì lại luôn được ưu ái thái quá. Chúng ta phải tính lại việc này.
Hiệu ứng mà các ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo đã và đang đem lại là cực lớn và vô cùng tích cực. Nếu không nhân cơ hội này, trước là gặt hái thành tích, sau là phát triển bề rộng chân đế cho nền bóng đá, thì quả đáng tội. Cần nhiều hơn nữa các trận đấu như ở Phú Thọ, bởi sự khơi gợi, thu hút nguồn lực là rất quan trọng.
Suy cho cùng, nhân tài bóng đá cũng từ phong trào mà có, chứ không ai tự nặn ra được. Và người hâm mộ, khán giả, CĐV mới chính là đội ngũ nuôi sống môn thể thao vua, chứ không phải túi tiền của các ông bầu.
Tùy Phong