Xung quanh việc sửa đổi Nghị định 79 (kỳ 3): Có nên 'cởi trói' cho các người đẹp thi nhan sắc?
(Thethaovanhoa.vn) - Một nhà quản lý văn hóa từng đùa: Có ai “trói” đâu mà dư luận ca thán việc phải “cởi trói” hơn nữa với các người đẹp và các cuộc thi nhan sắc?
Trên thực tế, quy định hiện hành về thi nhan sắc khá thoáng so với trước đây, nhưng cũng có những chế tài nhằm “lập lại trật tự” sau một thời kỳ “loạn danh hiệu”. Tuy nhiên, sau khi hai nghị định liên quan đi vào thực tiễn cũng đã nảy sinh nhiều bất cập quanh các quy định về thi sắc đẹp, trong đó việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp trong nước và người đẹp Việt đi thi quốc tế.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) ghi nhận ý kiến của NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, nhà thơ Dương Kỳ Anh - nguyên TBT báo Tiền Phong và bà Thúy Nga - Tổng giám đốc Elite Việt Nam.
NSND Vương Duy Biên: BTC nước ngoài chấp nhận, sao ta lại hạn chế?
“Trên thực tế, nhiều người đẹp đoạt giải trong nước nhưng khi đi thi quốc tế lại không được đánh giá cao trong khi nhiều người được cho là “thi chui”lại đoạt giải cao. Vậy thì cái tiêu chí chúng ta quy định chọ họ đã phù hợp chưa?
Tôi nghĩ rằng mỗi cuộc chơi có tiêu chí riêng của nó, các công dân Việt Nam thấy đủ điều kiện, phù hợp với tiêu chí thì dự thi. Tôi nghĩ như thế là hợp lý.
Còn chúng ta phải thay đổi quản lý hậu kiểm. Khi người ta về phải báo cáo, còn không báo cáo thì chúng ta phải có chế tài xử lý.
Bây giờ việc đi ra nước ngoài rất thoáng, mở, mình hạn chế người ta bằng cách này, người ta vẫn có cách khác để đi. Ra nước ngoài thì người ta chẳng làm sao cả, người ta đủ tiêu chuẩn của cuộc chơi đó, của cuộc thi đó quy định. Ban tổ chức nước ngoài chấp nhận thì tại sao chúng ta hạn chế?”.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Thi với tư cách cá nhân thì không cần xin phép
“Việc một công dân Việt Nam có hộ chiếu và xuất cảnh đi thi một cuộc thi sắc đẹp nào đó với tư cách là một công dân Việt Nam thì nên ủng hộ và không cần xin phép.
Tôi thấy nhiều người bỏ tiền ra để đi, họ quảng bá cho hình ảnh đất nước mình rồi còn mang giải thưởng về nữa, như vậy là rất tốt. Tại sao lại đề ra thủ tục cấp phép.
Tuy nhiên, theo tôi nên phân biệt việc một công dân Việt Nam đi thi khác với một công dân được cơ quan nhà nước cử đi thi, là đại diện cho Việt Nam.
Nếu là đại diện của Việt Nam thì phải được đề cử và xin cấp phép, xem có đủ tiêu chuẩn và tư cách để đi thi không”.
Bà Thúy Nga: Nên bỏ cấp phép thi sắc đẹp
“Trên thế giới, các cuộc thi hoa hậu được coi như những hoạt động văn hoá, giải trí như nhiều hoạt động khác. Cô hoa hậu của một cuộc thi có nghĩa là một cô gái được BGK của cuộc thi đó lựa chọn, điều đó không có nghĩa cô gái đó là cô gái đẹp nhất nước, hay cũng không có nghĩa là đại diện sắc đẹp của một quốc gia. Bởi hàng năm có khá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức, không thể coi cô hoa hậu của cuộc này đẹp hơn hoa hậu của cuộc kia vì mỗi cuộc thi có tiêu chí riêng.
Nhiều năm qua kể từ khi các cuộc thi hoa hậu, người mẫu ở Việt Nam bùng nổ, hàng năm có khá nhiều các cuộc thi được tổ chức, và cho dù phải xin phép, phải báo cáo, phải bị kiểm tra... nhưng trên thực tế vẫn có khá nhiều cuộc thi “lùm xùm”.
Sau cuộc thi, nhiều thí sinh gần như “mất tích”, không có hoạt động, cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng. Và cũng khá nhiều cuộc thi mất tích luôn sau mộtlần tổ chức. Như vậy vấn đề ở đây không phải là cấp phép, kiểm tra hay không mà vấn đề nằm ở uy tín cuộc thi, BTC có đủ năng lực, uy tín để tổ chức được cuộc thi được xã hội, cộng đồng quan tâm, ủng hộ, thu hút được khán giả, nhà tài trợ.
Những cuộc thi như thế sẽ kéo dài và phát triển, ngược lại những cuộc thi mất uy tín, không thu hút được khán giả, nhà tài trợ thì sẽ bị đào thải. Cứ để thị trường quyết định việc tồn tại hay sa thải những hoạt động này vì suy cho cùng, đây cũng chỉ là một trong những hoạt động giải trí.... Theo tôi nên bỏ việc cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp. Cứ để thị trường tự điều tiết việc này.
Khi một thí sinh tham dự cuộc thi quốc tế thì điều đầu tiên thí sinh đó phải gửi hồ sơ cho BTC. Sau khi xem xét, BTC thấy phù hợp mới gửi giấy mời về cho thí sinh, nếu không, họ sẽ từ chối và yêu cầu gửi hồ sơ khác. Như vậy có thể hiểu việc thí sinh đó có phù hợp với cuộc thi hay không đã được BTC quốc tế cuộc thi xem xét rồi. Tuy nhiên có thể sẽ xảy ra vấn đề là thí sinh đang vướng vào kiện tụng trong nước mà đơn vị đề cử và BTC cuộc thi không biết...
Từ đó tôi cho rằng vẫn nên giữ việc cấp phép cho thí sinh thi quốc tế, nhưng không cần quy định danh hiệu của thí sinh vì làm như vậy sẽ bị hạn chế việc đề cử những thí sinh phù hợp với cuộc thí quốc tế và dẫn đến việc “xé rào” hoặc cạnh tranh không lành mạnh…”.
(Còn tiếp)
Đức Chi (lược ghi)