Xung quanh việc sửa đổi Nghị định 79 (kỳ 1): 20 năm từ Quy chế đến Nghị định - những điều ít biết
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Ngày 5/10/2012, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu được ban hành. Khi chưa có Luật thì đây là văn bản có hiệu lực cao nhất. Tuy nhiên, dù đã qua một lần sửa đổi bổ sung (vào năm 2016), Nghị định vẫn chưa theo kịp thực tế…
Những ngày qua, dư luận “nóng” trước thông tin Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương cho Bộ VH,TT&DL xây dựng, điều chỉnh Nghị định về hoạt động biểu diễn trên cơ sở hai nghị định 79, và Nghị định 15 (bổ sung sửa đổi Nghị định 79) trước đây.
“Hành trình” 20 năm
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực văn hóa cho tới nay, lĩnh vực được xem là phức tạp nhất, gây chú ý trong dư luận xã hội nhất: Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật lại chưa có Luật. Trong khi đó, Luật Di sản Văn hóa được xây dựng từ rất sớm, ra đời năm 2001. Luật Điện ảnh cũng được Quốc hội ban hành năm 2006 và có hơn 10 năm được thực thi.
Sự cần thiết của Luật Nghệ thuật Biểu diễn từng được đề cập tới nhiều lần từ nhiều năm trước. Năm 2009, khi vừa ngồi vào “ghế nóng” NSND Lê Ngọc Cường - nguyên Cục trưởng Cục NTBD - khẳng định việc xây dựng Luật Nghệ thuật Biểu diễn đã được tính đến. Sau này, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - cũng từng nhắc tới yêu cầu cấp bách phải xây dựng Luật này.
Tuy vậy, cho tới nay, việc xây dựng Luật Nghệ thuật Biểu diễn vẫn… nằm trên giấy. Cụ thể là trong Quy hoạch Phát triển Nghệ thuật Biểu diễn đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 đã đề cập tới việc phải có Luật về lĩnh vực này.
Tìm hiểu lại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực rất sôi động là biểu diễn nghệ thuật thì thấy những văn bản đầu tiênra đời cách nay 20 năm.
Năm 1999, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm đã ký Quyết định 55/1999/QĐ-BVHTT Ban hành Quy chế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc, sân khấu.
Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bởi trước đó mới chỉ có Bản quy chế tạm thời về quản lý hoạt động âm nhạc ban hành kèm theo Quyết định số 1709/VH-QĐ ngày 11/10/1989 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa hay Văn bản số 2137/CV-VP ngày 27/7/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Cũng trong năm 1999, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 32/1999/QĐ-BVHTTVề việc ban hành “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễnnghệ thuật chuyên nghiệp”.
Năm 2004, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 Quy địnhchức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa - Thông tin, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Nghị đã ký Quyết định 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 2/7/2004 ban hành “Quy chế Hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”.
Hoạt động thi sắc đẹp ở Việt Nam cũng được điều chỉnh bằng loạt quy định pháp luật có từ năm 2000, dù cho theo ghi nhận thì cuộc thi người đẹp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được báo Tiền Phong tổ chức năm 1988. Cụ thể, năm 2000, Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu ký Quyết định 31/2000/QĐ-BVHTT Về việc ban hành qui chế thi người đẹp (hoa hậu, hoa khôi).
Năm 2006, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị ban hành Quyết định 37/2006/QĐ-BVHTT“Ban hành Quy chế tổ chức thi Hoa hậu”. Sau đó, năm 2008, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh ký Quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDLVề việc ban hành Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp”.
Như vậy cho đến năm 2012, qua nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng, hoạt động thi sắc đẹp, biểu diễn, ghiâm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu được gộp chung vào một Nghị định do Chính phủ ban hành.
Sửa Nghị định: “Đụng” toàn vấn đề “nóng”
Như báo điện tử Thể thao & Văn hóa đã thông tin, những điểm thay đổi lớn được Quyền Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh đề cập trong Dự thảo, như: Bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, sửa đổi thủ tục cấp phép cho ca sĩ hải ngoại biểu diễn ở trong nước hoặc đưa người đẹp dự thi người đẹp người mẫu quốc tế…
Hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật luôn “nóng” và thu hút sự chú ý của công luận. Ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội từng ví von rằng, những người quản lý phải “chạy long tóc gáy” để bám sát những động tĩnh trong lĩnh vực sôi động này. Vì thế, một nghị định dù đã sửa đổi vẫn có nhiều điểm chưa theo kịp thực tế cũng là điều dễ hiểu.
Vừa qua, một trong những nội dung được Chính phủ đồng ý về chủ trương sửa đổi là việc bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975. Đây cũng là điều dư luận quan tâm nhất là sau ồn ào của việc tạm dừng 5 ca khúc trước năm 1975 trong đó có Con đường xưa em đi.
“Trước đây Cục cấp phép rồi công bố danh sách phổ biến ca khúc sáng tác trước 1975, tuy nhiên thực tế áp dụng giờ không còn phù hợp lắm” - NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD thẳng thắn.
Trước đó, Cục từng dự kiến đưa ra danh mục bài hát được phép phổ biến, tuy nhiên cũng không “thoáng” hơn việc cấp phép là bao. Hơn nữa việc này lại khó khả thi do số lượng ca khúc ngày càng nhiều, Cục không đủ nhân lực thực hiện. Ồn ào xung quanh việc “cấp phép Quốc ca” cũng nảy sinh từ đây.
“Vì vậy Cục chỉ có thể ban hành quy định thôi, nếu được chấp thuận, các đơn vị quản lý nhà nước sẽ căn cứ các quy định này để quản lý không riêng bài hát, kể cả lĩnh vực múa, sản phẩm biểu diễn trước công chúng” - NSND Quang Vinh nói thêm.
Trước đó, trong nhiều cuộc làm việc với Bộ VH,TT&DL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ xem xét việc không cần cấp phép ca khúc quen thuộc và không đi ngược lại lợi ích đất nước.
Theo lộ trình thì ban soạn thảo sửa đổi Nghị định đã bắt tay vào làm việc và thực hiện lấy ý kiến theo quy định của pháp luật trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
(Còn tiếp)
Đức Chi