Xuân Trường dự bị ở Buriram United: Bài học ‘xuất ngoại’ cho cầu thủ Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - K-League khác với Thai League, Incheon United không phải là Buriram United nhưng cái kết dành cho Xuân Trường có vẻ không mấy khác nhau mà chúng ta có thể nói gọn là thất bại. Đã 3 trận liên tiếp, tiền vệ đang được HAGL cho mượn không được đá chính và chắc chắn con số này không dừng lại.
* Lịch thi đấu Thai League vòng 6
19h00, 3/4: Buriram United vs Chiangrai
Link xem trực tiếp Buriram vs Chiangrai được cập nhật tại đây.
https://www.youtube.com/watch?v=qn4x5ZM_2vY
https://www.youtube.com/watch?v=4y_zIUxiapw
20h00, 3/4: Chainat vs Muangthong United
Link xem trực tiếp Chainat vs Muangthong United được cập nhật tại đây.
http://sport.trueid.net/live/truesport-hd-3
Vấn đề của Xuân Trường là thể lực không đảm bảo, cả tốc độ lẫn sức bền đều không tốt. Đến giờ anh vẫn không cải thiện được thể lực. Tại VCK U23 châu Á 2018, Xuân Trường khi đó hoàn toàn mới mẻ với các đối thủ nên anh chưa bị đeo bám quá sát và U23 Việt Nam cũng gặp các đội chơi thiên về công nên Xuân Trường có nhiều “đất” để phát huy phẩm chất tốt nhất của mình là chuyền trung bình, chuyền dài với độ chính xác cao cũng như thể hiện được tư duy không gian tốt.
Nhưng từ sau VCK U23 châu Á thì Xuân Trường không còn là gương mặt mới nữa, bị đối thủ để mắt nhiều hơn, theo kèm gắt gao và điểm yếu bắt đầu lộ ra. Hình ảnh thường thấy là cứ trận nào gặp đối thủ không (hay không thể) chơi áp sát, để lộ nhiều khoảng trống thì Xuân Trường tiếp tục “múa” như đã từng, phát huy được sở trường chuyền bóng chính xác khi anh có đủ không gian và thời gian để xử lý bóng.
Nhưng cứ mỗi khi bị đối phương áp sát, tranh chấp quyết liệt là Xuân Trường “mất điện”. Không những không còn chuyền được bóng lên trên chính xác mà Xuân Trường cũng không có khả năng cầm bóng, đi bóng để thoát pressing.
Trong những tình huống như thế, anh thường phải chuyền về cho đồng đội hoặc nếu chuyền lên thì thường không chính xác hoặc anh để mất bóng nguy hiểm. Phòng ngự thì Xuân Trường cũng không hỗ trợ được nhiều vì đuổi thể lực nên khả năng tranh chấp, bao khoảng trống của anh rất hạn chế, đặc biệt khi đối thủ tấn công với tốc độ cao.
Ở HAGL, Xuân Trường là ông chủ ở trung tuyến, được tạo điều kiện đá phạt. Lối chơi của HA.GL cũng đậm chất kỹ thuật. Ở các đội tuyển của Việt Nam, Xuân Trường còn được chơi bóng với nhiều đồng đội quen thuộc, với một lối chơi quen thuộc và một HLV hiểu rõ về anh.
Nhưng Buriram United là môi trường khác hẳn. Các đồng đội xa lạ, lối chơi không quen thuộc, tầm ảnh hưởng không có, áp lực phải chứng tỏ mình trong môi trường cạnh tranh gay gắt do hội tụ nhiều cầu thủ chất lượng cao ngút ngàn.
Tất cả khiến Xuân Trường không thể chơi tốt. Đáng ngại với Xuân Trường là anh không chỉ phải dự bị vài trận mà có nguy cơ cao phải dự bị dài hạn, tức là đối mặt với viễn cảnh thất bại thực sự trong màu áo ĐKVĐ Thai League.
Lối thoát nào cho Xuân Trường? Trở lại HAGL thì không được vì hợp đồng đang còn hạn và đội bóng phố Núi cũng khẳng định không cho gọi lại Xuân Trường giữa chừng. Như vậy, Xuân Trường phải chấp nhận ở lại Buriram United tập luyện và tiếp tục.. dự bị tới hết hợp đồng.
Trải nghiệm thất bại thứ 2 khi “xuất ngoại” của tiền vệ 25 tuổi có thể nhìn thấy trước. Liệu thất bại này có ích gì cho Xuân Trường không? Xuân Trường hẳn hiểu rõ thế mạnh và điểm yếu của mình là gì nên dù có cơ hội “xuất ngoại” lần thứ 3 hay không thì hi vọng anh cũng sẽ có lựa chọn sáng suốt.
Trở lại HAGL sau khi hết hạn mượn Xuân Trường có thể vẫn là nhân tố trung tâm của đội bóng phố Núi. Đấy là môi trường có lẽ là phù hợp với anh hơn cả. Ra nước ngoài thi đấu đặt ra nhiều vấn đề với cầu thủ Việt Nam. Việc thiếu thông tin chuyên môn về nền bóng đá liên quan, về đội bóng liên quan, hạn chế về ngôn ngữ, về thể lực hay khác biệt về văn hóa đều có thể biến thành trở ngại khiến họ thất bại.
Xuân Trường thất bại ở 2 lần “xuất ngoại” là do anh không lường hết được những vấn đề mình gặp phải, do anh thiếu thông tin và không có được đánh giá chính xác về những đội bóng mình thi đấu. Tất nhiên, không ai biết hết được mọi chuyện nhưng khi bạn không phải một cầu thủ toàn diện và giỏi thích ứng, trong chừng mức nào đó, bạn cần phải biết đội bóng mình thi đấu đá như thế nào và môi trường ở đó ra sao. Nếu không, mỗi cuộc “xuất ngoại” đều giống như canh bạc.
Thất bại của Xuân Trường ở Incheon United và cũng có thể khẳng định luôn là ở Buriram United không chỉ là bài học hữu ích với riêng Xuân Trường khi cân nhắc ra nước ngoài thi đấu mà còn là lời cảnh báo dành cho các cầu thủ Việt Nam khác đang ấp ủ giấc mơ “xuất ngoại”.
HT