Xin nghỉ việc, nhận đề nghị từ công ty mới nhưng được sếp níu kéo nên ứng xử thế nào?
Nếu rơi vào tình huống khó xử này, nhiều dân văn phòng không biết nên đưa ra quyết định thế nào để phù hợp nhất.
Trong môi trường công sở, xin nghỉ việc luôn là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Bởi lẽ dù quyết định nghỉ việc vì bất cứ lý do nào, điều này vẫn đồng nghĩa bạn sẽ kết thúc làm việc tại một nơi mình dành thời gian gắn bó. Chưa kể, có khá nhiều tình huống khó xử xảy ra xoay quanh chuyện nghỉ việc.
Mới đây, trong hội nhóm chuyên bàn luận những vấn đề công sở xuất hiện bài đăng về chuyện nghỉ việc khiến nhiều người quan tâm. Theo đó, chủ nhân bài đăng cho biết bản thân đã xin nghỉ việc, nhận đề nghị từ công ty mới nhưng được sếp níu kéo do đó phân vân, không biết nên ứng xử ra sao.
Trước tình huống này, hội làm công ăn lương đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, tranh luận rôm rả. Một số người cho rằng nên ở lại bởi sếp phải nhận thấy tiềm năng mới quyết định níu giữ. Ngược lại, những người khác cho rằng nếu đã quyết định nghỉ việc, nên chuyển sang công ty mới thay vì ở lại.
Nếu sếp chủ động đề nghị, nên ở lại công ty cũ
Thông thường đi làm, không phải nhân viên nào cũng được sếp giữ lại khi xin nghỉ việc. Do vậy đối với nhiều người, đây được cho là cơ hội tốt để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Phần lớn họ cho rằng, có thể sếp nhận thấy năng lực và sự phù hợp của nhân sự với vị trí này nên mong muốn trọng dụng nhân tài.
Thuý Lê: “Theo quan điểm cá nhân, mình sẽ lựa chọn ở lại và từ chối với công ty mới. Bởi dù sao, mình cũng đã quen với môi trường và đồng nghiệp này. Hơn nữa, việc tiếp tục duy trì công việc cũ có thể mang đến cơ hội thăng tiến cho bản thân”.
Phương Trinh: “Nếu sếp chủ động giữ mình cũng sẽ suy nghĩ lại về quyết định nghỉ việc. Không phải ai cũng sẽ nhận được sự ưu ái này, nên chắc chắn mình sẽ rất trân trọng. Tuy nhiên, mình nghĩ vẫn nên có quyết định đi kèm thay vì chỉ trao đổi miệng. Ngoài ra, nghỉ việc vì lý do gì có thể thoả thuận thêm để giải quyết hết những vấn đề trước đó. Như vậy làm việc tiếp cũng sẽ ổn định hơn”.
Anh Dũng: “Trường hợp này cũng gần giống với mình luôn. Ngày mình nộp đơn xin nghỉ việc, sếp cũng đã trao đổi trực tiếp để lắng nghe lý do, nguyện vọng của mình. Sau khi mình trình bày, sếp đưa ra các phương án giải quyết, mình thấy hợp lý nên lựa chọn ở lại. Từ đó đến nay mình đã làm thêm 3 năm và cũng thăng chức”.
Lê Trang: “Mọi người có thể so sánh ưu điểm, hạn chế giữa công ty mới và công ty cũ để đưa ra quyết định. Nhưng sếp đã giữ lại, mình cũng sẽ chọn ở lại".
Bên cạnh lựa chọn ở lại, nhiều người cũng đưa ra lời khuyên để từ chối công ty mới sao cho tinh tế, khéo léo.
Đình Khánh: “Thẳng thắn là cách tốt nhất và lịch sự nhất. Sau khi nhận offer từ công ty mới mình vẫn có thể gửi email lại, trình bày rõ lý do từ chối. Mình nghĩ mọi người đều hiểu thôi”.
Mai Lan: “Bên tuyển dụng họ cũng quen với việc ứng viên từ chối dù đã phỏng vấn thành công hay đến bước nhận thư mời, định mức lương,... Không nên im lặng hay trốn tránh, chỉ cần phản hồi đầy đủ lý do với phía công ty mới”.
Đã xác định nghỉ việc, dù bất cứ lý do gì cũng không nên ở lại
Trái ngược với những quan điểm trên, phần đông còn lại cho rằng không nên ở lại công ty cũ khi đã xác định nghỉ việc. Lý giải cho điều này, nhiều người bày tỏ quan điểm: Nếu mọi thứ vẫn tốt, không ai nghĩ đến chuyện nghỉ việc.
Phan Giang: “Thứ nhất, mình sẽ nghĩ lại lý do gì khiến mình nghỉ việc: vì áp lực công việc, vì sếp hay đồng nghiệp,... Thứ hai, mình quan niệm nếu đã có suy nghĩ nghỉ việc, hẳn bản thân đã cảm thấy không còn phù hợp. Như vậy nếu vẫn tiếp tục ở cũng khó có thể cải thiện các vấn đề”.
Hưng Thành: “Mình nghĩ sếp chỉ nói vậy vì họ chưa tìm được nhân viên mới vào thời điểm này. Cho nên mình sẽ không chọn ở lại nếu đã có công việc tốt hơn”.
- Nhà tâm lý học ĐH Harvard tiết lộ cách khôn ngoan để tăng 40% khả năng thăng chức cao chỉ bằng một việc làm đơn giản
- Nghề ru ngủ: Công việc bán thời gian nhưng kiếm bộn tiền vì số lượng người mất ngủ ngày càng gia tăng
- Nam nhân viên văn phòng mỗi ngày tốn 500 ngàn cho việc đi lại chỉ vì một nỗi sợ
Hiền Mi: “Trong trường hợp này mình vẫn sẽ quyết định nghỉ việc. Bản thân mình khi nghỉ việc, mình đã xác định rõ ràng. Hơn nữa, nếu sếp giữ lại cần có thỏa thuận, điều kiện rõ ràng bằng văn bản như tăng lương, giảm việc, thăng chức,... Còn nếu chỉ là lời nói, mình nghĩ không nên”.
Lê Hà: “Bạn tôi cũng từng vì sếp hứa tăng lương mà chọn ở lại. Tuy nhiên, tăng lương đồng nghĩa tăng KPI, công việc còn căng thẳng và áp lực hơn trước. Giờ bạn tôi đang hối hận lắm vì quyết định này. Rất khó để có thể giải quyết hết các vấn đề tồn đọng. Hơn nữa, công ty cũng không thể nào vì một cá nhân mà thay đổi đâu”.
Cùng với đó, hội dân văn phòng cho rằng nên để bản thân trải nghiệm ở công ty mới. Không bàn đến mức lương hay chế độ đãi ngộ, chuyển sang môi trường mới thường có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là mang đến nguồn năng lượng làm việc tốt hơn.
Duy Quang Phạm: “Mình nghĩ nên xác định được mục tiêu của bản thân. Hơn nữa, phải thử mới biết được công ty mới tốt hơn ở điểm nào”.
Oanh Oanh: “Không nên từ chối ngay sau khi nhận được offer, trừ khi bạn có một offer khác tốt hơn. Trước khi gắn bó chính thức, chúng ta đều có ít nhất 2 tháng để thử việc. Sau thời gian đó, nếu cảm thấy công ty mới không tốt bằng công ty cũ, vẫn có thể đề xuất quay trở lại. Tuy nhiên đó là trường hợp sếp và công ty cũ thực sự cần bạn. Còn thông thường, mình nghĩ điều này hiếm xảy ra nên nếu đã quyết định “ra đi”, không nên quay đầu lại”.
Hải My