Xiếc Việt cho khán giả Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan xiếc quốc tế 2019 vừa kết thúc với một loạt huy chương dành cho tiết mục của các đoàn Việt Nam. Chưa hết, chúng ta cũng có tên trong nhiều giải thưởng cho đạo diễn xuất sắc, huấn luyện viên xuất sắc hay nhóm diễn viên xuất sắc.
Thành tích ấy thật ra không lạ - khi hơn chục năm qua, xiếc Việt Nam vẫn thường xuyên gặt hái được những thành tích khá cao ở mọi cuộc thi quốc tế. Nó cũng gắn với lời khẳng định của nhiều chuyên gia, rằng xiếc Việt đang ngày càng được nâng cao về nội dung, cũng như chất lượng nghệ thuật.
Nhưng khán giả Việt đón sự tiến bộ ấy thế nào?
Đáng buồn, ở câu hỏi này, chúng ta khó lòng lạc quan như nói về thành tích của xiếc Việt.
Được coi là một bộ phận của sân khấu, nghệ thuật xiếc hiện cũng đang loay hoay trong bài toán tìm khán giả như các “đồng nghiệp” tuồng, chèo, kịch nói của mình. Thậm chí, so với các bộ môn sân khấu ấy, xiếc còn ít nhiều chịu cảnh hẩm hiu hơn - khi mà ngay ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, số rạp diễn chuyên nghiệp dành cho nó vẫn còn quá ít.
Đó không phải là câu chuyện về năng lực. Tạm bỏ qua thành tích ở các cuộc thi trước hội đồng giám khảo, bản thân nghệ thuật xiếc Việt Nam cũng không thiếu những chương trình đặc biệt thành công khi bước ra thế giới bên ngoài. Có thể thấy điều ấy từ sự đón nhận của khán giả quốc tế với những chương trình của anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, những Làng tôi, À ố Show, hay gần nhất là Sông trăng - chương trình của Liên đoàn Xiếc, được ký hợp đồng biểu diễn 16 tháng tại Đức vào cuối năm 2018.
Thế nhưng, trong hàng loạt cuộc tọa đàm, chính những người trong cuộc cũng đồng ý với một nhận định: xiếc Việt Nam có thể thành công khi xuất ngoại, nhưng lại luôn gặp khó khăn ở… sân nhà. Để rồi, sự thiếu vắng của khán giả lại dẫn tới một cái vòng lẩn quẩn: hoặc chương trình tạo nguồn thu quá ít khiến anh em nghệ sĩ cũng nản lòng, hoặc chương trình được bán với mức giá tương xứng, nhưng chủ yếu lại chỉ dành cho khách du lịch nước ngoài.
***
Đã có rất nhiều cách giải thích về câu chuyện ấy. Nhưng chung quy, tất cả vẫn hướng về một thực tế: cũng như sân khấu, xiếc Việt đang thất thế trong cuộc cạnh tranh với hàng loạt loại hình giải trí hiện đại. Nhất là khi, trong tư duy được tạo ra từ hàng chục năm trước, khán giả Việt vẫn quen với cách nghĩ rằng xiếc là thứ nghệ thuật dành cho… trẻ con.
Bởi thế, trong bối cảnh có cả những đoàn xiếc mạo danh (hoặc gánh xiếc tư nhân kém năng lực) gây ra một số vụ bê bối tại các địa phương, sự thờ ơ của khán giả cứ mãi kéo dài. Như suy nghĩ của số đông, loại hình nghệ thuật ấy dễ gợi tới những rạp diễn xập xệ hay những chiếc xe tải căng băng rôn chạy ngoài đường kèm tiếng loa oang oang quảng cáo.
Sự thực, xiếc Việt Nam cũng đã nỗ lực rất nhiều để có thể vượt qua sự định kiến và thờ ơ ấy. Điển hình, vài năm gần đây, thay vì những tiết mục đơn lẻ theo truyền thống, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đầu tư dàn dựng hẳn những chương trình dài hơi, có kịch bản, có tình tiết cao trào, có sự kết hợp với ảo thuật, công nghệ, nhảy hip-hop…Rồi, đơn vị xiếc lớn nhất nước này còn tổ chức hẳn những hội nghị khách hàng để tiếp thu ý kiến và thiết kế dàn dựng chương trình riêng biệt theo “đặt hàng” - thậm chí là sẵn sàng tổ chức gói xem xiếc có kèm dịch vụ lưu trú, ăn trưa tại chỗ để phục vụ các em nhỏ theo lời đề nghị của các tour du lịch.
Nhưng, cũng như sân khấu, để tạo được thói quen đến rạp từ khán giả, đó không thể chỉ là câu chuyện một sớm một chiều. Và quan trọng hơn, ngoài nỗ lực của những người trong nghề, xiếc Việt Nam vẫn đang rất cần những cơ chế hỗ trợ đặc thù của Nhà nước về đào tạo, đãi ngộ hay cơ sở vật chất… để phát huy nội lực của mình.
Bởi, bên cạnh những tấm huy chương, xiếc Việt phải tồn tại trước hết bằng khán giả Việt.
Anh Bảo