Xét xử vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm: Bị cáo Nguyễn Văn Hiến chỉ thừa nhận 'thiếu sát sao'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/5, tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã tiến hành phần xét hỏi trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm.
Không kiểm tra năng lực doanh nghiệp khi đàm phán hợp đồng
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, các bị can Bùi Như Thiềm (lúc đó là Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (lúc đó là Giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (lúc đó là Trưởng phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và trực tiếp tổ chức thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế không đúng quy định về quản lý đất đai.
Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Như Thiềm cho biết, thời điểm đang là Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân, bị cáo Thiềm được Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân giao chủ trì đàm phán với Công ty Cảnh Hưng (khu đất số 2), Công ty Yên Khánh (khu đất số 7-9) để thực hiện dự án và tham gia đàm phán với Công ty Mai Anh (khu đất số 9-11). Cả 3 khu đất trên đều nằm trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
"Lần đầu tiên trong đời, bị cáo tiếp xúc với các dự án này thông qua phiên họp của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân mở rộng vào ngày 13/3/2006" - bị cáo Thiềm nói.
Chủ tọa phiên tòa tiếp tục đặt câu hỏi, bị cáo có kiểm tra năng lực các đối tác hay không? Bị cáo Thiềm cho biết, bị cáo không kiểm tra năng lực của các đối tác.
Theo bị cáo Thiềm, bị cáo được giao nhiệm vụ đàm phán về nội dung thương mại, cơ chế thương mại; phối hợp với Phòng Tài chính, Quân chủng Hải quân và Công ty Hải Thành đàm phán về nội dung tiền khoán, thời gian trả tiền khoán.
Bị cáo Thiềm cho biết, bị cáo và Phòng Tài chính đã báo cáo kết quả đàm phán với Phó Tư lệnh Quân chủng phụ trách các dự án và sau đó đã có báo cáo bằng văn bản gửi Thường trực Đảng ủy Quân chủng Hải quân về kết quả đàm phán; trong đó có 2 nội dung chính về tình hình liên doanh và tình hình ký kết các hợp đồng kinh tế tại những khu đất.
Đến đây, Chủ tọa hỏi bị cáo Thiềm đã nghiên cứu những văn bản nào để thực hiện đàm phán, thương thảo hợp đồng; nghiên cứu các văn bản, quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng liên quan đến việc cho thuê đất đai, liên doanh, hợp tác kinh tế... Bị cáo Thiềm cho biết đã nghiên cứu chức trách, nhiệm vụ của Phòng Kinh tế, Quân chủng Hải quân; chức trách nhiệm vụ của Công ty và Giám đốc Công ty Hải Thành; nghiên cứu kết luận, chỉ thị của Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Luật Doanh nghiệp... Tuy nhiên, bị cáo Thiềm cho rằng mình chỉ nghiên cứu sâu về chức trách, nhiệm vụ của Phòng Kinh tế.
Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: Bị cáo có biết quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng về trách nhiệm của người ký trình văn bản, báo cáo, quy định về ký đảm bảo (ký nháy) không? Bị cáo Thiềm cho biết, trước khi ký nháy, bị cáo đã nhờ tư vấn và hỏi Luật sư: "Chữ ký nháy này có được không?". Luật sư cho rằng, theo quy định pháp luật không có giá trị gì. "Nhưng Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo đề nghị tôi ký nháy cho một chữ. Tôi thấy ký nháy không chịu trách nhiệm gì nên tôi và anh Thảo đã ký" - bị cáo Thiềm nói.
Sau đó, Chủ tọa trích quy định về việc ban hành văn bản hành chính và quy định của Bộ Quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh: "Việc bị cáo trả lời ký nháy thì không chịu trách nhiệm là không đúng".
Cũng theo bị cáo Thiềm, khi thành lập liên doanh, pháp nhân mới, các công ty Luật đều khuyên Quân chủng Hải quân không nên góp vốn bằng quyền sử dụng đất và lập pháp nhân mới sẽ gây bất lợi cho phía Hải quân nếu trường hợp xấu xảy ra. "Vấn đề này tôi có gửi văn bản kèm theo báo cáo của liên Phòng Kinh tế - Tài chính gửi từng đồng chí Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân" - bị cáo Thiềm cho biết.
Chủ tọa đặt câu hỏi, trong quá trình thảo luận, có ai phản đối việc lập pháp nhân mới này không? Bị cáo Điềm cho biết, mình với Lê Văn Đạo (khi đó là Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân) đều có ý kiến không nên thành lập pháp nhân mới.
Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: Theo bị cáo, bản chất của thành lập liên doanh này là gì? Bị cáo Thiềm cho rằng, về bản chất, đây là hình thức cho thuê đất. Và thời điểm ký hợp đồng liên doanh thì 3 khu đất chưa được chuyển quyền sử dụng.
Giám đốc doanh nghiệp nhưng không biết bản chất hợp đồng
Tiếp đó, bị cáo Bùi Văn Nga (lúc đó là Giám đốc Công ty Hải Thành thay ông Vũ Văn Khánh) cũng thừa nhận, khi ký các hợp đồng liên doanh, 3 khu đất chưa được làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng.
Theo cáo trạng, đã thực hiện ủy quyền của Nguyễn Văn Hiến, bị cáo Bùi Văn Nga đã đồng ý cho các đối tác thuê 3 khu đất quốc phòng để thực hiện dự án dưới hình thức hợp đồng liên doanh thời hạn 49 năm, khi các khu đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất quốc phòng làm kinh tế; không lập dự án đầu tư trình Bộ Quốc phòng phê duyệt theo quy định.
"Chúng tôi có tìm hiểu, Công ty Hải Thành trước đó chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, khi tôi nhận nhiệm vụ thì không có chức năng liên doanh, liên kết" - bị cáo Nga cho biết.
Tòa đặt câu hỏi, trước khi ký hợp đồng có tìm hiểu năng lực của đối tác không? Bị cáo Nga cho rằng, khi nhận nhiệm vụ thì tất cả các bước đàm phán trong 3 dự án đều đã thực hiện trước nên bị cáo không nắm được. Lúc đó bị cáo mới nhận nhiệm vụ thời gian ngắn nên không đủ thời gian tìm hiểu; trước đó lãnh đạo Công ty Hải Thành tìm hiểu như nào thì bị cáo không rõ.
Bị cáo Nga nói mình nhận quyết định ngày 16/6/2006, theo đó từ 1/7/2006 bắt đầu chỉ huy đơn vị mới (Công ty Hải Thành). Tối 4/7/2006, bị cáo bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng để nhận nhiệm vụ; ngày 12/7 nhận việc bàn giao; ngày 1/8 nhận lương của Công ty Hải Thành và khi nhận bàn giao thì không có nội dung của 3 dự án liên danh, liên kết.
Về lời khai của bị cáo Thiềm cho rằng bản chất của hợp đồng liên doanh là cho thuê đất, bị cáo Nga nói: "Bản thân tôi học về cán bộ tham mưu chỉ huy hậu cần ngắn hạn, tôi không được đào tạo về kinh tế nên còn rất mù mờ, không nắm được; bản chất không hiểu biết là cho thuê hay liên doanh liên kết".
Chủ tọa trích lời khai của bị cáo Nga tại Cơ quan điều tra, trong đó bị cáo Nga khai: Công ty Hải Thành ký kết dưới hình thức hợp đồng liên doanh nhưng thực chất là cho thuê đất. Đến đây, bị cáo Nga lý giải: "Khi làm việc, Cơ quan điều tra phân tích, tôi mới hiểu bản chất là cho thuê đất".
- Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm
- Tiếp tục khởi tố Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) trong vụ án liên quan đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương
- Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến chỉ thừa nhận "thiếu sát sao"
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, do thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng, đã nhất trí với những đề xuất không đúng quy định của các bị can Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo về quản lý đất đai, đã ký nhiều văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 lô đất vào hợp tác kinh doanh cũng như nhiều văn bản chỉ đạo các bị can, các cơ quan chức năng triển khai thực hiện.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến cho rằng, việc mình phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Bị cáo tin tưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu, tin tưởng vào việc bàn bạc tập thể; do đó đã thiếu kiểm tra, xét duyệt, dẫn đến hậu quả. "Bị cáo thừa nhận bản thân thực hiện nhiệm vụ thiếu quyết liệt, thiếu sát sao" - bị cáo Hiến nói.
Ngày mai, Tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo, trước khi đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương trình bày bản luận tội.
Xuân Tùng - TTXVN