Xem lại Việt Nam 'trong mắt' các nhà làm phim Việt kiều và quốc tế
(Thethaovanhoa.vn) - Qua góc nhìn của các nhà làm phim Việt kiều và quốc tế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được hiện lên với những sắc màu rất đặc biệt. Bởi thế, không phải bỗng nhiên mà nhiều bộ phim trong số đó từng được vinh danh tại các giải thưởng, liên hoan phim quốc tế.
Trong “tháng phim Việt kiều” diễn ra vào tháng 7 này, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD) sẽ trình chiếu lại 4 phim do đạo diễn Việt kiều dàn dựng và 3 phim nước ngoài nổi tiếng có bối cảnh Việt Nam.Hãy cùng điểm lại những bộ phim đặc biệt này
Từ phim Việt kiều vang danh thế giới...
Các bộ phim Việt kiều được TPD lựa chọn trình chiếu dịp này là: Xích Lô (1995), Ba mùa (1999), Cú và chim se sẻ (2007), Dòng máu anh hùng (2007). Trong đó, phim Xích Lô từng đoạt giải Sư tử vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice vào năm 1995. Lấy bối cảnh chủ yếu ở TP.HCM, phim kể số phận Xích Lô (Lê Văn Lộc) - một thanh niên chất phác, mồ côi cha mẹ, làm nghề đạp xích lô kiếm sống tại Sài Gòn.
Ba mùa của đạo diễn Tony Bùi lại có tới 4 câu chuyện cảm động về các nhân vật đặc biệt: một cô gái bán hoa sen dạo thuần khiết, một anh đạp xích lô chân chất đem lòng yêu cô gái điếm tủi hờn, một bé trai lang thang kiếm sống bất chấp nắng mưa giữa đất Sài Gòn, và một ông Tây mắt buồn hàng ngày tìm đứa con gái thất lạc trong chiến tranh… Bộ phim từng đoạt 3 giải quan trọng tại LHP Quốc tế Sundance 1999: Phim hay nhất, Phim khán giả bình chọn và Quay phim xuất sắc nhất.
Mang một sắc màu khác, với những màn hành động và võ thuật ấn tượng, Dòng máu anh hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn từng giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và Giải thưởng lớn của ban giám khảo tại Liên hoan phim Los Angeles châu Á - Thái Bình Dương. Phim kể về một câu chuyện tình lãng mạn xảy ra trong những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, khi Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ.
Cuối cùng, Cú và chim se sẻ được thực hiện bởi Stephane Gauger - một đạo diễn Mỹ gốc Việt - mô tả một Sài Gòn ồn ào náo nhiệt, nhưng ẩn đằng sau đó là những câu chuyện về những người trẻ cô đơn và lạc lõng với nhịp điệu sôi động của thành phố. Bộ phim đã giành 7 giải thưởng tại các LHP và giải thưởng điện ảnh độc lập tại Mỹ, trong đó có LHP Los Angeles, Hawaii, San Diego, San Francisco và giải Gotham, Independent Spirit...
Tới phim nước ngoài lấy bối cảnh Việt
Cũng trong tháng phim Việt kiều, Trung tâm TPD lựa chọn trình chiếu 3 bộ phim nổi tiếng thế giới là: L’amant - Người tình (1992), Indochine - Đông Dương (1992) và The Quiet American - Người Mỹ trầm lặng (2002).
Trong số này, L’Amant - Người tình (chiếu mở màn) cho đến nay vẫn là bộ phim có kinh phí lớn nhất từng được thực hiện tại Việt Nam. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras, về câu chuyện tình có thật của chính tác giả với đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc khi bà còn trẻ. Như lời kể, đạo diễn Annaud vốn định chọn một nơi khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines - những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để quay phim. Tuy nhiên, cuối cùng, ông vẫn quay lại nơi đây vì cảm thấy phải là Sài Gòn, phải là Việt Nam mới diễn tả được cái không khí thuộc địa mà Marguerite Duras miêu tả trong tác phẩm.
Trong khi đó, phim Đông Dương – giành giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc năm 1993 - của đạo diễn Pháp Régis từng được được đánh giá là tuyệt phẩm về mặt hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Hầu hết các cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, Đình Bảng, Huế, Phát Diệm… Còn Bộ phim Riêng Người Mỹ trầm lặng được đạo diễn Mỹ Phillip Noyce được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Graham Greene lại đánh dấu cột mốc lịch sử: lần đầu tiên một phim của Hollywood đến quay ở Việt Nam với những bối cảnh đẹp nhất tại Hà Nội, Hội An.
Cần nhắc lại, những bộ phim kể trên được đánh giá cao về chuyên môn. Nhưng, thực tế, cũng có khá những tác phẩm điện ảnh của các đạo diễn Việt kiều hoặc quốc tế từng bị dư luận phản ứng về góc nhìn phiến diện, hoặc sự thiếu hiểu biết về văn hóa và lịch sử Việt Nam trong cách tiếp cận. Do vậy, việc thưởng thức, đồng thời tìm hiểu về yếu tố làm nên thành công của những bộ phim này, là điều đang được chờ đợi ở tháng phim do TPD tổ chức.
Lịch chiếu phim tháng 7 tại Trung tâm TPD - 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội * Phim Việt kiều: các phim Xích Lô ( 19h ngày 7/7); Ba mùa ( 14h30 ngày13/7); Cú và chim se sẻ (19h ngày 20/7) và Dòng máu anh hùng (14h30 ngày27/7). Kèm theo đó là các cuộc tọa đàm: Tính hương xa trong phim Việt kiều; Làn sóng phim Việt kiều và Căn tính trong phim Việt kiều * Phim nước ngoài bối cảnh Việt Nam: các phim L’amant - Người tình (19h30 ngày 12/7); Indochine - Đông Dương (19h30 ngày 19/7) và The Quiet American - Người Mỹ trầm lặng (19h30 ngày 26/7) |
Tiểu Phong