Xe điện mong manh 'dễ vỡ' vì một điểm yếu: Va hỏng bộ phận này thì đổi xe mới luôn
Sửa chữa xe điện hóa ra không đơn giản. Nếu gặp tai nạn mà khối pin bị ảnh hưởng thì nhiều khả năng không sửa chữa được.
XE MỚI CHẠY, NHƯNG HỎNG LÀ VỨT
Nếu như một chiếc xe điện gặp tai nạn và khối pin bị ảnh hưởng, ta không có cách nào để sửa chữa hay đánh giá mức độ hư hỏng. Vì lẽ đó mà các công ty bảo hiểm buộc phải đưa ra quyết định là vứt bỏ cả chiếc xe đi, ngay cả khi chiếc xe mới chạy.
Điều này làm tăng phí bảo hiểm mà người tiêu dùng phải gánh và giảm lợi nhuận mà các công ty bảo hiểm nhận được khi ký hợp đồng cho xe điện. Khi những chiếc xe điện bị tai nạn, nhiều khả năng pin của chiếc xe sẽ được tách ra, và giờ đây đang xếp đống tại những bãi xe tai nạn.
Bãi xe điện chờ tiêu hủy.
Giám đốc nghiên cứu về rủi ro ngành xe tại Thatcham Research, ông Matthew Avery, cho rằng: "Chúng ta mua xe điện vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhưng sẽ chẳng bảo vệ môi trường cho lắm nếu bạn phải vứt pin đi sau một vụ va chạm nhẹ."
Mỗi khối pin trên xe điện có thể có giá đến vài chục nghìn đô la, hay vài trăm triệu đồng, có thể chiếm đến 50% giá trị một chiếc xe, nên xét trên khía cạnh kinh tế thì thay mới là vô lý.
Trong khi Ford hay General Motors cho biết rằng họ sẽ sản xuất bộ pin dễ sửa chữa, Tesla thì đang sản xuất Model Y (tại nhà máy ở bang Texas, Mỹ) theo cách, dù là vô tình hay hữu ý, khiến cho khả năng sửa chữa bằng 0.
Tờ Reuters đã nghiên cứu về những chiếc xe điện đồng nát đang được bán tại Mỹ và châu Âu, nhận thấy rằng phần lớn đều là những xe mới chạy, số công-tơ-mét rất nhỏ. Những chiếc xe này không chỉ mang thương hiệu Tesla, mà còn của Hyundai, Nissan, Renault, BMW hay các thương hiệu thuộc tập đoàn xe Stellantis.
NGƯỜI ĐAU TÚI TIỀN KHÔNG PHẢI NHÀ SẢN XUẤT
Tesla Model Y sản xuất tại nhà máy ở Texas, Mỹ có pin liền khung. Ảnh: JASON CAMERON / GETTY IMAGES
Những chiếc xe điện mới chạy phải vứt bỏ vì không sửa chữa được pin khi tai nạn có thể sẽ là một vấn đề không rõ hồi kết. Có thể lấy ví dụ với Tesla khi thiết kế khối pin xe nằm trong phần khung ở gầm xe, biến cả khối pin thành một bộ phận của khung xe. Cách làm này giúp Tesla bớt "đau" túi tiền khi cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng sẽ chuyển "cơn đau" này sang cho khách hàng và các công ty bảo hiểm.
Tesla chưa từng đề cập đến bất kỳ vấn đề nào về việc công ty bảo hiểm phải vứt bỏ xe của hãng, nhưng cách đây khoảng 2 tháng thì CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk, đã từng nhận định về phí bảo hiểm xe, rằng "trong nhiều trường hợp cao một cách vô lý".
Các chuyên gia trong ngành xe và ngành bảo hiểm đều nhận định rằng phí bảo hiểm sẽ tỷ lệ thuận với tăng trưởng của doanh số xe điện, trừ phi Tesla hay các hãng xe khác sản xuất ra bộ pin dễ sửa chữa và cho phép bên thứ 3 tiếp cận dữ liệu pin.
Nếu điều này không diễn ra, tất nhiên, số lượng xe đến bãi rác khi gặp tai nạn sẽ tiếp tục tăng cao.
Nhận định về vấn đề, ông Christoph Lauterwasser - một giám đốc tại viện nghiên cứu công nghệ Allianz Center - cho biết: "Số trường hợp [xe điện phải vứt bỏ do hỏng pin] sẽ tiếp tục tăng cao, vì vậy mà dữ liệu pin chính là một nút thắt quan trọng".
Ông Lauterwasser còn nói đến chuyện sản xuất xe điện phát thải lượng CO2 lớn hơn rất nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong, nên để một chiếc xe điện bù trừ được lượng khí nhà kính đó thì cần phải di chuyển vài chục nghìn kilimet: "Nếu phải vứt xe điện đi từ ngay quãng thời gian đầu thì chẳng còn ý nghĩa gì về chuyện giảm phát thải cả".
Tesla Model Y sản xuất tại Texas, Mỹ có các viên pin nằm trong khung sàn xe. Ảnh: Tesla
Hầu hết các nhà sản xuất xe cho rằng khối pin trên xe điện có thể sửa chữa được, nhưng có không nhiều hãng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu pin. Tại châu Âu, các công ty cho thuê xe và các đơn vị sửa chữa đang tranh cãi với các hãng xe về quyền được tiếp cận các dữ liệu của một chiếc xe điện, nhất là với pin xe.
Đơn vị của ông Christoph Lauterwasser đã từng thấy nhiều khối pin xe bị tác động, các viên pin bên trong có vẻ đã bị hư hỏng, nhưng nếu như không có dữ liệu chi tiết thì họ chẳng có cách nào khác ngoài vứt bỏ cả khối pin đó, tức là vứt cả chiếc xe đi.
Trong khi nhiều hãng xe trên thế giới vẫn đang sản xuất xe điện theo kiểu cũ - là khối pin tách riêng so với khung sàn xe, thì Tesla lại đang sản xuất mẫu Model Y tại bang Texas, Mỹ với các viên pin nằm luôn trong khung sàn xe, tức pin và sàn xe là một khối dính liền, không tách rời, nên không dễ tháo bỏ hay thay thế.
Khoảng 2 tháng trước, tỷ phú Elon Musk cho biết rằng Tesla đang tìm cách thay đổi thiết kế và phần mềm nhằm giảm chi phí sửa chữa và phí bảo hiểm. Theo các công ty bảo hiểm và các chuyên gia trong ngành thì vì xe điện thường được trang bị rất nhiều công nghệ an toàn hiện đại nên tỷ lệ tai nạn thấp hơn so với xe truyền thống.
Viên pin 4680 lấy từ khối pin liền khung trên Tesla Model Y. Ảnh: Reuters
THẲNG ĐẾN BÃI RÁC
Chuyên gia Sandy Munro, người đứng sau công ty chuyên tư vấn tối ưu dây chuyền sản xuất Munro & Associates, cho biết rằng khối pin trên Tesla Model Y không có khả năng sửa chữa. Ông cho rằng: "Pin liền khung của Tesla sẽ đi thẳng đến máy hủy".
Vấn đề của những khối pin này cũng làm lộ ra một lỗ hổng trong cái gọi là "nền kinh tế tuần hoàn" mà các hãng xe hay nhắc đến. Nền kinh tế tuần hoàn nói về việc đưa nguyên vật liệu tái chế từ sản phẩm cuối vòng đời để sản xuất sản phẩm mới thay vì khai thác thêm tài nguyên.
Sau tai nạn nhiều tuần, chiếc Tesla nằm tại bãi xe tai nạn này bỗng bốc cháy dữ dội, mất 1 tiếng để dập. Ảnh: metrofireofsacramento
Công ty chuyên tiêu hủy xe Synetiq ở Anh cho biết rằng trong 12 tháng vừa qua, số lượng xe điện phải nằm ở khu riêng (để kiểm tra nguy cơ bốc cháy) đã tăng mạnh, từ khoảng hơn 3 xe mỗi ngày lên 20 xe mỗi ngày.
Đáng nói, tại Anh không có cơ sở tái chế pin xe điện, nên Synetiq sẽ phải tháo pin từ những chiếc xe bị bỏ đi, cất giữ trong công-ten-nơ. Theo Giám đốc vận hành Synetiq, ông Michael Hill, thì có ít nhất 95% viên pin từ hàng trăm khối pin xe điện, và hàng nghìn khối pin từ xe lai điện, mà Synetiq đang cất giữ tại bãi Doncaster (Anh) đều chưa bị hư hỏng và cần được tái sử dụng.