Xe đạp – Nghề nguy hiểm: Chuyện những cô gái mang trong mình dòng máu 'nam nhi'
(Thethaovanhoa.vn) - Đã trót mang cái nghiệp thể thao khắc nghiệt, các VĐV xe đạp nữ Việt Nam chấp nhận để mưa nắng làm nám cả da mặt, cháy khô cả tóc…Tuổi thanh xuân với họ là những ngày tháng mạo hiểm trên đường đua để đánh đổi vinh quang, mà mặt trái của nó là sự đau đớn thể xác khôn cùng.
- Xe đạp nữ Việt Nam gây tiếng vang châu lục
- 220 triệu tiền thưởng cho giải xe đạp nữ toàn quốc mở rộng 2016
- Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương Cúp Bisawe 2016: Nhật Bản gia tăng cách biệt
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại An Giang, Nguyễn Thị Thi đến với xe đạp như một định mệnh đã an bài cho cuộc đời của mình. Cuối năm 2007, Thi không biết mình phải làm gì khi còn quá trẻ nên việc bắt đầu với xe đạp phong trào là lựa chọn sáng suốt nhất. Chỉ 1 năm sau, người làm xe đạp An Giang đã bắt đầu phát hiện ra tài năng triển vọng của cô gái có chiều cao 1m60. Thi được tuyển chọn vào đội xe đạp năng khiếu của tỉnh. Gác qua nỗi nhớ sống xa gia đình, Thi sống trọn với đam mê để xua đi nỗi cô đơn.
Cũng chính nhờ vào việc hằng ngày thấy các đàn chị của mình miệt mài tập luyện dưới cái nắng gắt, nhưng đổi lại tất cả dường như ai cũng đều có được những thành quả trong các cuộc thi lớn nhỏ, kể từ đó về sau, Nguyễn Thị Thi càng hạ quyết tâm hơn cho sự nghiệp của mình.
2 năm tập luyện, Thi đã có HCV giải trẻ, phần thưởng xứng đáng cho cô gái trẻ với những nổ lực không ngừng nghỉ. Có thể kể thêm thành tích của Nguyễn Thị Thi khi cô được chiếc Áo vàng giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương 2012, xếp hạng nhì chung cuộc 1 năm sau đó, HCV đường trường giải vô địch quốc gia 2013, Áo đỏ giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương 2016.
Nguyễn Thị Thi đã có được những thành tích đáng nhớ trong sự nghiệp.
Nhưng như đã đề cập, sự nghiệp của VĐV thuộc biên chế ĐTQG không hề suôn sẻ. Năm 2014 Nguyễn Thị Thi mắc phải bệnh đậu mùa. Mất gần 1 năm Thi mới hồi phục lại phong độ của mình. Tưởng chừng như đã hết vận đen, cuối năm 2014, Thi tham dự giải Cúp Quốc phòng về Điện Biên, cô gái sinh năm 1993 dính phải tai nạn và kết thúc 1 năm đáng quên trong sự nghiệp thi đấu của mình.
“Tôi đã cố gắng từng ngày trong các buổi tập, mặc dù những thời gian đầu thật sự rất gian nan, nhưng cái gì thì cũng thế. Sướng trước khổ sau, và ngày một tôi càng đam mê với xe đạp.
Tuy lúc còn trẻ tôi chưa thật sự tốt nhưng tôi quan niệm chỉ có thành công khi tôi không ngừng cố gắng. Và chính chiếc HCV ở giải trẻ là động lực để tôi phấn đấu tiến xa hơn. Sau này có được nhiều danh hiệu cao quý hơn tôi lại càng yêu mến cái nghề mà tôi đã chọn.
Dù có khắc nghiệt, có nguy hiểm, đặc biệt lại là con gái thì càng khổ hơn, có những lúc máu cũng đã đổ xuống cả đường đua, tôi cũng đã khóc vì quá đau, nhưng tôi lại cũng cắn răng chịu. Có thế mình mới thành công và nhìn lại những gì mình đã làm được thật là đáng quý”, Nguyễn Thị Thi nói.
Nguyễn Thị Thi trên đường đua.
Thi là em gái trong một gia đình có 2 anh em và cuộc sống của gia đình cũng không mấy khá giả, khi mẹ Thi làm nội trợ, ba dọn đất ruộng thuê cho các cánh đồng chuẩn bị mùa vụ mới ở vùng quê miền Tây. Năm 2015 sau khi chắt chiu, Nguyễn Thị Thi đã gửi tiền về để xây lại căn nhà hoàn toàn mới để cho ba mẹ của mình được sống tốt trong chính thành quả mà đứa con gái của mình tạo được.
Làng xe nữ Việt Nam đang dần “mai một” do thiếu nhiều cuộc thi để phát triển tài năng và cũng bởi do môi trường khắc nghiệt của bộ môn tốc độ này nhiều tay đua nữ đã phải đành xếp “con ngựa sắt” của mình sang 1 bên.
Và mới đây nhất là Đặng Thị Ngọc Huyền (Dược D Đồng Tháp) cũng nói lời chia tay đường đua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những Nguyễn Thị Thi hay Nguyễn Thị Thật đang vẫn hằng ngày miệt mài trên những cung đường để gặt hái vinh quang về cho Tổ quốc.
Cựu cuarơ Nguyễn Thị Thà: “Tay đua băng qua số phận”
Chắc hẳn làng xe đạp Việt Nam không bao giờ quên vụ tai nạn ở Hòa Bình năm 2014 trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Nguyễn Thị Thà, VĐV xe đạp của An Giang, đã gặp phải chấn thương nghiêm trọng và khiến cô gái trẻ này phải giã từ đường đua sau hơn nửa năm không thể đi lại và bị cắt bỏ 1 quả thận.
Vượt qua mọi nỗi đau, sau khi điều trị và thời gian bình phục hơn 1 năm, Thà buộc phải ngậm ngùi nói lời chia tay với đam mê của mình để bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Thà bỏ tiền ra học ngành kế toán, tập làm quen dần với công việc văn phòng, thay vì phải rong ruổi trên đường như người chị của mình là cuarơ nữ số 1 Việt Nam hiện nay: Nguyễn Thị Thật. Cuộc sống ban đầu của Thà sau tai nạn vẫn còn bở ngỡ khi phải đối mặt với những bàn phim và con số khi được đơn vị chủ quản lo cho công việc khá ổn.
Nguyễn Thị Thà hiện tại. Ảnh: NVCC
“Lúc đầu em vẫn chưa quen với công việc này sau tai nạn, vì trước giờ em chỉ lo tập xe đạp, không rành về máy tính mà công việc mới của em lại đòi hỏi am hiểu về công nghệ nên vì thế có chút khó khăn.
Nhưng dần sau này với sự chỉ dạy của các đồng nghiệp mới, dần em cũng đã thuận lợi. Xe đạp với em sẽ mãi là một kỉ niệm đẹp và em không bao giờ hối hận khi đã trót gắn bó với nó.
Khán giả có thể thấy những phút trao giải ở các giải đua xe đạp rất ngắn ngủi, nhưng để có được khoảnh khắc ấy với 1 cua-rơ là cả quá trình dài gian khổ, tập luyện và đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu của mình. Và nếu không tai nạn, dịp 8/3 này chắc chắn em cũng sẽ đi thi đấu, em vẫn còn háo hức lắm. Chúc cho các bạn VĐV có được kết quả như mong muốn và đặc biệt chúc cho tất cả đều an toàn”.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Thà là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy, đằng sau vinh quang của các cuarơ xe đạp không phải lúc nào cũng là con đường bằng phẳng cho một tương lai tươi đẹp.
Quốc Tài