Xa và gần ASIAD
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với Olympic, ASIAD lúc này đã trở thành mục tiêu chính của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, thay vì mãi quẩn quanh tại sân chơi khu vực. Nhưng dù là thế, Á vận hội tuy gần mà rất xa...
- U23 Việt Nam chuyển địa điểm tập luyện, Thái Lan đặt mục tiêu vào chung kết ASIAD
- U23 Việt Nam sẵn sàng cho ASIAD 2018
- Thái Lan 'thay máu' trước thềm ASIAD 2018: Tự tin hay bất ổn?
Ít người còn nhớ, Đại hội thể thao mùa Hè châu Á - hay vẫn được biết dưới cái tên tắt ASIAD là nơi mà Thể thao Việt Nam có được tấm huy chương quốc tế đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó là vào năm 1982, tức là chỉ 2 năm sau khi tham dự Olympic Moskva nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ), Thể thao Việt Nam lần đầu tiên "tự túc" đến với một kỳ đại hội quốc tế đầu tiên - ASIAD lần thứ 9 tổ chức tại New Dehli (Ấn Độ).
Cũng phải nói thêm, đây là kỳ ASIAD đầu tiên được tổ chức bởi Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA), thay vì Liên đoàn Đại hội thể thao châu Á trước kia. Vì vậy, với tư cách thành viên OCA, đoàn Việt Nam cử đến đại hội 40 thành viên tham gia thi đấu vỏn vẹn 3 môn: Điền kinh, bơi và bắn súng.
Cái thời khó khăn chung của đất nước khi ấy, tham dự đã là thành công, nhưng chẳng ai ngờ, kỳ tích đến. Nam xạ thủ Nguyễn Quốc Cường bất ngờ giành tấm HCĐ nội dung cá nhân súng ngắn bắn nhanh mà nếu may mắn và có điều kiện hơn, thậm chí là Vàng, hoặc Bạc.
Sau kỳ tích đó, Thể thao Việt Nam tham gia đều đặn hơn tại ASIAD và dần cải thiện được thành tích lẫn thứ hạng. ASIAD 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản), nam võ sĩ Taekwondo Trần Quang Hạ giành tấm HCV đầu tiên. Tới Busan (Hàn Quốc) 2002, HCV giành được đã lên con số 4 để đứng trong Top 15 cường quốc thể thao châu lục và tính từ 1982 đến nay, Thể thao Việt Nam đã có đến 13 HCV - 55 HCB - 74 HCĐ. Một con số đủ để nói sân chơi này thật gần!
*****
Vậy tại sao nói ASIAD vẫn xa? Cũng hãy nhìn lại quá khứ cũng chẳng xa. Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, Thể thao Việt Nam không còn lấy SEA Games làm mục tiêu mà chỉ còn là bàn đạp nhằm hướng đến cái đích chính - châu lục và thế giới. ASIAD và Olympic là 2 đấu trường được tập trung đầu tư tối đa. Nhưng cũng vào lúc này, sân chơi châu lục dường như lại lùi xa phía xa.
Vẫn đặt ra chỉ tiêu giành từ 3-5 HCV dựa trên thực lực và khả năng, nhưng 2 kỳ ASIAD gần đây nhất: Quảng Châu (Trung Quốc) 2010 và Incheon (Hàn Quốc) 2014, Thể thao Việt Nam chỉ vỏn vẹn có 1 HCV! Thậm chí, tấm HCV duy nhất ấy còn đi kèm với những "cơn khát" khiến bất cập của cả nền thể thao quốc gia bị phơi bày. Những bước tiến về chuyên môn rõ ràng vẫn là chưa đủ tạo ra sức cạnh tranh thực sự.
Trở lại với ASIAD 2018 sắp khởi tranh tại Indonesia. Cử đến xứ vạn đảo đoàn đại quân đông nhất trong lịch sử tham dự Á vận hội, tuy nhiên, mục tiêu của Thể thao Việt Nam vẫn chỉ là phấn đấu có từ 3 HCV trở nên - một con số nếu nhìn lại 8 lần tham dự trước chẳng hề là nhiều, nhưng cũng chẳng ai dám tự tin nói câu chắc chắn.
Hoàn toàn có thể và có thể còn cao hơn, khi trong thành phần của đoàn có tới 10 gương mặt đủ sức tranh huy chương ở tầm châu lục, thế giới như: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Dương Thúy Vi (Wushu), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Ánh Viên (bơi), Nguyễn Thị Ngoan (Karatedo), Kim Tuyền (Taekwondo)... chưa kể đến lợi thế lớn khi Indonesia đưa môn quốc võ và cũng là thế mạnh của chúng ta Pencak Silat vào chương trình thi đấu chính thức.
Tuy nhiên, đó đều là những con tính kiểu "đếm vàng trong túi" bởi cũng từ khá lâu, Thể thao Việt Nam đã từng sở hữu những thế mạnh và cả hy vọng Vàng như thế, chỉ có điều sự khắc nghiệt của đấu trường châu lục là thứ mà chẳng ai ngờ.
Nói ASIAD gần mà xa là thế.
Vũ Minh