Xét xử hai nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng: Đề nghị Hội đồng xét xử bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 10/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện các công ty, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã trình bày ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét bảo vệ quyền lợi của họ.
- Đà Nẵng: Về tiến độ xử lý vi phạm tại Tổ hợp Mường Thanh và căn hộ Sơn Trà
- Xét xử hai nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng: Tranh cãi về chỉ định liên doanh trong Dự án 29 ha
Đại diện Công ty Minh Hưng Phát cho biết, sau khi nhận chuyển nhượng, công ty đã đầu tư xây dựng các tài sản trên đất. Nếu không có sự đồng ý của UBND thành phố Đà Nẵng thì công ty không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất kinh doanh thương mại. Việc huy động vốn đầu tư của công ty rất khó khăn, nếu Hội đồng xét xử quyết định kê biên tài sản thì sẽ gây tổn thất nhiều cho các bên. Vì vậy, công ty đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công ty, các đối tác của công ty cũng như các bên tham gia dự án...
Liên quan đến Dự án Phú Gia Compound (rộng 20.093 m2, địa chỉ tại số 126 Ông Ích Khiêm, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), luật sư Hải Âu (bảo vệ quyền lợi cho Công ty TNHH Hùng Vạn Phúc) đề nghị Hội đồng xét xử quan tâm đến quyền lợi của bên thứ ba vì hiện nay trên mảnh đất đã hình thành tài sản của hàng trăm nhà đầu tư khác. Hơn nữa, việc mua bán chuyển nhượng đất của công ty là đúng đắn, ngay tình.
Luật sư cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát trong bản luận tội đã kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình liên quan đến dự án. Trước đó, trong bản luận tội, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên theo hướng giao UBND thành phố Đà Nẵng trách nhiệm giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình liên quan đến dự án này.
Trên cơ sở đó, luật sư Nguyễn Hải Âu mong Hội đồng xét xử xem xét, phân định rõ đối tượng thu hồi là quyền sử dụng chứ không phải dự án. Ngoài mục đích bảo vệ tài sản của Nhà nước thì luật sư cũng mong muốn Hội đồng xét xử cân nhắc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, bởi các nhà đầu tư không thể biết dự án đã được triển khai trên mảnh đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ 10 năm trước đó.
Trình bày ý kiến tại tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ bị cáo Phan Văn Anh Vũ) cho biết, tất cả những tài sản liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ đang bị kê biên trong vụ án đều có sự đóng góp của bà. Do đó, bà Hiền mong Hội đồng xét xử xem xét và cân nhắc đến những tài sản đã bị kê biên, trong đó có quyền lợi của cá nhân bà, cụ thể là nhà đất tại số 22 Cô Giang (quận Hải Châu). Về nhà đất này, bà Hiền cho biết đã mua từ tiền tích cóp cá nhân và tiền vay thấu chi.
Bà Phan Anh Hạnh Trinh (em gái bị cáo Phan Văn Anh Vũ) mong Hội đồng xét xử xem xét bảo vệ quyền lợi của bà tại tài sản 20 Bạch Đằng và 34 Hoàng Văn Thụ mang tên bà Trinh được mua hợp pháp, chuyển khoản và đóng thuế đầy đủ, không liên quan đến bị cáo Vũ.
Chiều 10/1, phiên tòa tiếp tục phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư.
Kim Anh – Nguyễn Cúc/TTXVN