Trường hợp liệt sĩ trở về sau 33 năm: Chờ ý kiến Cục Người có công
(Thethaovanhoa.vn) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ đã có văn bản hỏa tốc báo cáo Cục Người có công và UBND thành phố về việc liệt sĩ Trương Văn Chóng, xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, trở về vào ngày mùng 5 Tết.
- Chủ tịch nước ký quyết định tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp 27/7
- Xử lý sai phạm trong thực hiện chính sách với người có công
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, sau khi báo chí phản ánh việc liệt sĩ trở về sau hơn 30 năm, Sở đã yêu cầu địa phương và các đơn vị chức năng xác minh. Kết quả xác minh cho thấy, ngày 19/2 (mùng 5 Tết Nguyên đán Mậu Tuất) ông Trương Văn Chóng trở về nhà tại ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Ông Trương Văn Chóng được cho là đã hi sinh năm 1985 và được công nhận liệt sĩ năm 1993.
Ông Chóng nhập ngũ năm 1983, sau đó bị thương và bị thất lạc đơn vị. Ông được người dân Campuchia cưu mang và lập gia đình tại Campuchia. Một thời gian sau, ông trở về Việt Nam sống tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ngày 19/2 vừa qua, ông trở về quê hương tại xã Định Môn qua thông tin từ một người dân cùng quê lên Tây Ninh để làm ăn.
Theo thông tin của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, trong thời gian nhập ngũ đến nay, ông Chóng không về quê hương. Hiện ông Chóng sống cùng vợ và con trai tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Cũng theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, cùng với việc chỉ đạo xác minh thông tin “liệt sĩ trở về nhà sau 30 năm”, Sở cũng báo cáo vụ việc lên Cục Người có công, UBND thành phố Cần Thơ để xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn về trường hợp của ông Chóng.
Ông Chóng là con trai thứ 6 của bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi) ở ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai. Theo bà Nía, sau khi nghe tin con hi sinh hơn 30 năm trước, gia đình luôn thờ cúng chu đáo. Từ khi ông Chóng được công nhận là liệt sĩ đến nay, bà Nía được nhận đầy đủ chế độ cho người có con là liệt sĩ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Chóng cũng không nhớ nhiều về những chuyện đã xảy ra. Cũng như trong thời gian thất lạc ở Campuchia, ông không nhớ nhiều về gia đình, quê hương của mình, cộng thêm sức khỏe không đảm bảo, kinh tế không dư giả nên ông tạm gác chuyện tìm về gia đình và quê hương.
Theo lời kể của ông Chóng, khoảng năm 1985, trong một trận đánh tại một cánh rừng của Campuchia, ông đã lạc vào rừng sâu rồi được người dân địa phương cưu mang. Ông Chóng ở lại Campuchia, lấy vợ và có 2 người con. Sau đó, ông trở về Việt Nam sinh sống ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, cho đến nay.
TTXVN/Thanh Liêm