Thầy Văn Như Cương: Nhà giáo của Nhân dân trong lòng nhiều thế hệ học trò
(Thethaovanhoa.vn) - Học thầy rất nhiều từ cuộc đời lại có nhiều kỷ niệm với PGS. TS. Văn Như Cương, nhà giáo Lê Thống Nhất đã ngồi tưởng nhớ và ghi lại những dòng này suốt buổi sáng hôm nay (9/10/2017). Xin chia sẻ cùng các bạn.
- Những câu nói 'để đời' của PGS Văn Như Cương
- PGS Văn Như Cương qua đời: Triệu người sững sờ... vĩnh biệt!
- Đọc lại tản văn xúc động của học sinh Lương Thế Vinh: Thầy Văn Như Cương là ông tiên tóc bạc!
Sáng sớm ngày 9/10/2017, vừa ngồi vào máy tính thì nhận được tin nhắn: PGS. TS. Văn Như Cương đã vĩnh biệt chúng ta ở tuổi 80, vĩnh biệt sự nghiệp giáo dục mà Thầy tận tâm tới phút cuối cùng.
Hạnh phúc ngẫu nhiên là mình cùng quê gốc với thầy: xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chất "ông đồ xứ Nghệ" vẫn mang nhiều dấu ấn trong cuộc sống của Thầy qua nhiều câu chuyện lưu truyền trong xã hội.
Ngày sinh của thầy là ngày 1/7/1937.
Thời đi học Thầy học giỏi cả hai môn Toán và Văn nhưng Thầy đã coi Toán là xương cốt còn Văn là da thịt của cuộc sống. Cha của Thầy gợi ý 2 lựa chọn để Thầy theo đuổi: Sư Phạm hoặc Kỹ thuật, nhưng Thầy quyết tâm chọn đi vào con đường dạy học.
Năm 1954, Thầy vào học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mơ sẽ làm thầy giáo dạy toán. Tốt nghiệp ra trường chỉ dạy toán một thời gian ở Hà Nội, theo tiếng gọi của Người Thầy mà Thầy yêu quý nhất: Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Thầy Văn Như Cương cùng Thầy của mình vào xây dựng trường Đại học Sư phạm Vinh.
Thầy được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ vào năm 1971 và trở về giảng dạy ở tổ Hình học, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh.
Các thầy cô và sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh không chỉ biết tới Thầy là một giảng viên giỏi, dạy rất dễ hiểu, thường ví von kiến thức toán với những điều trong cuộc sống mà còn mê giọng hát của Thầy và trên sân bóng chuyền, Thầy là một "tay đập" tuyệt vời (mỗi khi đập hỏng là Thầy lại cúi xuống và thả hai cánh tay tỏ ra tiếc).
Thời ấy, cái gì cũng phân phối trong đó có thuốc lá. Một lần đi công tác, Thầy đã nghĩ ra một mẹo bàn với thầy Nguyễn Trọng Tuất (giáo viên môn Nga văn). Với dáng vóc và râu "như Tây", Thầy cùng thầy Tuất vào một cửa hàng có bán thuốc lá "phân phối". Thầy nói tiếng Nga để thầy Tuất dịch lại và giới thiệu: "Đây là chuyên gia Liên Xô sang giúp ta, ông ấy hết thuốc lá dự trữ mà đang đi công tác vào phía Nam. Cô có thể linh động bán cho mấy bao không?". Cô bán hàng tròn mắt và tất nhiên không tiếc và không sợ gì để bán cho "ông chuyên gia Liên Xô" hẳn một cây thuốc.
Thế rồi... Thầy trở lại ngôi trường mà Thầy đã từng học ngành sư phạm.
Một thời đất nước gian khó trong cuộc sống, trong chiến tranh, chuyện tổ dân phố đến lập biên bản về việc Thầy nuôi lợn trong căn hộ, Thầy đề nghị sửa câu:" Thầy Văn Như Cương nuôi lợn" thành "Lợn nuôi Thầy Văn Như Cương" rồi mới ký vào. Bởi Thầy nói: "Chính nuôi lợn nên tôi mới sống được nên viết lợn nuôi tôi mới đúng!" còn lan truyền tới bây giờ.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Thầy đã mạnh dạn sáng lập trường Lương Thế Vinh, Hà Nội - trường dân lập đầu tiên của Hà Nội. Mái trường nhanh chóng có thương hiệu trong giáo dục Thủ đô và tiếng tăm lan rộng cả nước. Từ lúc phải thuê mượn địa điểm, gian nan vất vả đến lúc đã xây được ngôi trường khang trang trên mảnh đất khoảng 1 héc - ta quả là một cố gắng không nhỏ.
Mỗi một lần khai giảng năm học, Thầy lại có những bài phát biểu ngắn gọn và một số bài đã lan truyền cả nước. Mỗi khi có những điều chưa hài lòng về giáo dục, Thầy lại thẳng thắn lên tiếng với tâm huyết của mình.
Không chỉ lo việc trường, Thầy còn viết gần 60 đầu sách về môn Toán, viết sách giáo khoa Toán nâng cao và giáo trình Đại học, dịch sách toán nước ngoài ra tiếng Việt. Thầy được phong tặng học hàm Phó Giáo sư và được mời tham gia Hội đồng Giáo dục Quốc gia Việt Nam (nhiệm kỳ trước).
Không chỉ đi theo nghiệp toán mà nghiệp văn cũng theo Thầy cho tới những ngày cuối cùng. Thầy mê nhất là làm thơ Đường luật và điều nổi bật của Thầy trong thơ ca là chất hóm hỉnh, hài hước.
"Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn
Mong rằng toán học bớt khô khan
Em ơi! Trong toán nhiều công thức
Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn".
Năm 1982 nhân dịp GS.NGND Nguyễn Thúc Hào lên tuổi bảy mươi PGS.TS Toán học Văn Như Cương đã làm một bài thơ mừng thọ tặng Thầy Nguyễn Thúc Hào như sau:
Kính tặng Thầy
Trăm năm tính mãi cuộc vuông tròn*
Để lại danh gì với nước non?
Chẳng thiết mưu danh cùng kiếm lợi
Không cần trát phấn với bôi son
Xưa đà ngang dọc ngôi trường lớn
Nay vẫn tung hoành mảnh đất con
Còn sống còn xem thời với thế
Rồi đây ai tính cuộc vuông tròn.
Yêu mến văn chương nên Thầy không chỉ có những đồng nghiệp môn Toán mà còn thân quý với nhiều văn nghệ sỹ.
Tháng 3/2014, các bác sỹ phát hiện ra bệnh ung thư của Thầy. Cuộc chiến đấu của Thầy và gia đình, cùng bao người thân rất quyết liệt. Đã có lúc tưởng như đã chiến thắng.
Nhưng tháng 3/2017, bệnh nan y quay trở lại. Một cuộc chiến đấu lại bền bỉ với sự cầu mong của biết bao thế hệ học trò, 17.000 con hạc giấy do học sinh trường Thầy gấp như một sự tha thiết mong cho Trời đừng bắt Thầy đi.
Ngày 24/3/2017 cùng bạn bè tới thăm Thầy thấy Thầy yếu quá. Thế mà Thầy vẫn vui và lạc quan. Thầy vẫn trò chuyện với giọng yếu nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn. Khi mọi người khuyên Thầy cần ăn uống, đặc biệt là uống sữa, nước hoa quả, Thầy vẫn hóm hỉnh như xưa, hỏi lại: "Uống bia có được không?" làm tất cả đều cười vui vẻ. Hỏi Thầy có muốn uống Beluga không? Thầy lắc đầu. Hỏi Thầy có muốn vào FB? Thầy gật đầu nói nhỏ: "Có...". Mọi người không dám trò chuyện lâu vì sợ Thầy mệt. Khi nghe nói các trò chia tay ra về, đột ngột Thầy ngồi dậy rất nhanh đến mức mọi người cản không kịp.
Thầy luôn lạc quan vui vẻ để chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Cách đây 10 tháng Thầy đã hài hước chia sẻ về cái chết và mạng sống của con người.
Vâng... Không chỉ Thầy quý mạng sống của mình mà biết bao người cũng quý mạng sống của mình. Bây giờ Thầy đã lên Cõi Vĩnh hằng được gần 11 tiếng.
Viết về Thầy rất khó bởi viết mấy cũng còn thiếu rất nhiều. Thầy yên nghỉ nhé! Chỉ có ít người giận Thầy vì những điều nói thẳng của Thầy thôi! Sáng nay biết bao người đã ngỡ ngàng trước sự ra đi của Thầy.
Chỉ tiếc một điều, điều mà Thầy chắc cũng không cần: Thầy chưa được tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhưng các thế hệ học trò của Thầy đều ngưỡng mộ Thầy với danh hiệu Nhà giáo của Nhân dân!
Bài viết này như một nén hương đầu tiên xin thắp cho Thầy!
TS Lê Thống Nhất