Những hòm thư dần biến mất trong thành phố…
1. Thời học cấp 3 trường chuyên Yên Hoà (1995 - 1997), ngày nào tôi cũng đạp Mifa vàng chanh qua bưu điện (BĐ) 165 Cầu Giấy, có 2 hòm thư vàng trước cửa. Tem 200 đồng, rồi lên 400. Gửi bài cho các báo, tạp chí đều, nên 2 hòm thư thân thiết, tôi ra BĐ lấy nhuận bút quen đến mức không cần chứng minh thư. Lâu nay, tôi thưa ít gửi thư và lĩnh tiền, ít vào BĐ. Bài vở đều dùng email. Thăm hỏi có điện thoại. Song tôi luôn trân trọng sự hiện diện của các bưu cục (BC). Qua vụ mua vé Jet Star (cho hành khách trả tiền qua BĐ), tôi giật mình: BĐ Giảng Võ, Ngọc Khánh (trên đường Kim Mã) không còn.
Giấy báo nhuận bút Sông Hương lọt xuống BC 209 Xuân Thuỷ, sinh cớ cho tôi vào BĐ. Với tôi, BĐ và những hòm thư vàng, là một hiện hữu của thế giới tinh thần phong phú, tình cảm con người vẫn còn ấm áp.
Chị Chu Thanh Thảo, nhân viên BC, vừa gói bưu phẩm cho cô sinh viên, vừa ngậm ngùi: "Chị ở Cổ Nhuế, làm ở đây thích lắm, được phục vụ SV - trẻ trung lây. Thế mà hết tháng 12 năm nay, BC sẽ đóng cửa. Thuê nhà đắt, tiền thu vào không đủ nên sếp cho đóng. Chị tiếc và buồn lắm".
2. Thế giới phẳng kết nối loài người. Quá lệ thuộc vào internet, đến mức cho rằng mọi tra cứu, giao dịch, liên lạc ở đó thay thế các hình thức truyền thống thì quả vô lý và bất thường.
Xã hội ngày phát triển, đời sống công nghiệp, "công nghiệp" cả tư duy. Nhiều người luôn vội vã, hối hả, đơn điệu, máy móc theo quy trình, sức ép công việc. Không sống như họ cần là, theo giới tính của mình, dành thời gian cho tình yêu và nghệ thuật một cách xứng đáng, họ buộc phải lựa chọn theo thứ bậc của tham vọng. Sự "tha hoá" bào mòn xúc cảm, trí tưởng tượng, lòng vị tha và sẻ chia. Ở các nước thuộc G7, nhóm quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, BĐ vẫn luôn hoạt động sôi động. Về nhịp sống, tiết tấu tư duy, họ nhanh hơn chúng ta từ lâu, vẫn nâng niu giá trị cổ điển. Du lịch đâu, người châu Âu đều có thói quen gửi post card ảnh nơi ấy, kể qua về sức khỏe, vùng họ đang thăm thú và những dòng thăm hỏi người thân. Họ không quên gửi thiếp, quà Giáng sinh, năm mới qua bưu điện. Ảnh, bưu thiếp nhiều người cùng ngắm được, lưu giữ thành kỷ vật, chữ thể hiện tính cách, tâm trạng của người viết, làm sao thiếp "tập thể" gửi qua email, chữ "dolly" theo các font mặc định thay thế bút tích con người! Nhìn phong bì, tem, thấy từng giai đoạn lịch sử. Dấu bưu điện là "vân tay" của địa danh. Tôi đã thấy những lá thư P. Picasso gửi bạn và các người tình, lưu giữ tại bảo tàng mang tên danh hoạ ở Paris. Kinh đô ánh sáng lộng lẫy đầy giá trị văn hoá, với nhiều các la poste (bưu điện).
Đây không chỉ là vấn đề văn hoá, mà là câu chuyện báo động về xã hội, về nhân văn. Thay đổi, sáp nhập, nâng cấp, chúng ta có nhiều những tập đoàn. Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) có từ 9/1/2006, cho thấy sự phát triển hay thiếu hụt, BC, hòm thư mất dần trên đường phố, con người bận rộn hay lãnh cảm, vô tình? Tôi hỏi người ít viết, kẻ không một lần viết thư, gửi bưu thiếp, gửi quà qua BĐ; hay hỏi ông Bùi Văn Lực, giám đốc Bưu điện TP Hà Nội về những hòm thư màu vàng ngày một vắng nơi TP "rộng lạ kỳ"?!
Danh giá nhất nước Pháp, một trong các trường ĐH lâu đời và uy tín nhất thế giới - ĐH Sorbone (từ 1257) khu La tinh (Quatier Latine) Paris, mở lớp dạy viết thư tay mỗi năm. Mỗi khi cần biểu tỏ tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến ai, tôi vẫn viết thư tay. Viết tay thật truyền cảm. Những file nén không bao giờ thay thế được bút tích. Đâu chỉ là chữ ký dưới các văn bản hay tên họa sĩ ở góc các bức tranh. Nét chữ nét người. Mong chờ lá thư tay khó làm sao, thời ngôn ngữ chat dày đặc lỗi chính tả và từ "hè phố" thịnh hành.
3. Theo thống kê mới nhất của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), hiện có khoảng 2 tỷ người dùng internet, tức 1/3 nhân loại. Chợt nhớ câu thơ: "Sau một đêm, thủ đô bỗng bao la chẳng ai lường nổi/ Đi mãi chưa hết thành phố của mình" (Sốt chiều, Vi Thuỳ Linh). Sau 1/8/2008, TP của tôi rộng không thể tưởng. Nó có 9 bưu điện trung tâm (TT) cho các khu vực quận, huyện. Hoàn Kiếm, Ba Đình (TT 1), Hai Bà Trưng, Hoàng Mai (TT2), Đống Đa, Cầu Giấy (TT3)... 2000 đồng/ con tem, hiếm dần người mua để dán. Những lá thư tay luôn làm tôi rung động, chưa nói đến thư tình.
Báo in cũng ít được đọc, vì dân tình hay "lướt" báo mạng (mất khả năng đọc tiểu thuyết, nghiền ngẫm văn chương). Ô tô vàng của Bưu chính Việt Nam (VN) ít chuyến hơn. Bác đưa thư miền núi cuốc bộ, xe đạp, đi ngựa len lỏi khốn khổ, mệt mỏi, bớt rồi. Những bưu tá phóng xe máy nơi đô thị nhàn nhiều, vì thư ít.
Trên con tem, dấu bưu điện mực đen tròn (đóng tay), hình sóng (chạy máy) lạc lõng trong bộn bề thờ ơ. Đồng phục vàng, ô tô vàng, hòm thư vàng ít dần, báo động một cuộc sống lạnh lùng, hối hả không kịp thở.
Ngạn ngữ Pháp có câu: "Với tất cả những cái nếu, có thể bỏ Paris vào một cái chai". Cứ mong, những hòm thư vàng sẽ "mọc" trở lại, ở khu dân cư, ngã tư, trường học, hình ảnh cảm động mà tôi mơ ước. Không cần nhét thư vào chai thả ra sông, biển; đứng bên hòm thư vàng đất thánh, gửi thư tay cho người yêu quý và chờ thư tay hồi đáp, tôi tự "đánh dây thép" vào mơ mộng của mình.
Bưu điện Bờ Hồ, nơi tính kim số 0 từ trung tâm thủ đô toả các nơi, nhìn ra hồ thiêng. Trên cao, vẫn chạy đều đồng hồ kim trắng nền đen 4 mặt.