Nhức nhối thực phẩm 'bẩn'
(Thethaovanhoa.vn) - Càng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao, do đó vấn đề đảm bảo công tác quản lý thị trường đang được chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và các sở, ngành quan tâm.
- TP.Hồ Chí Minh xử lý 147 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
- Hà Nội đầu tư gần 36 tỷ đồng xây dựng mô hình cải thiện an toàn thực phẩm
Nỗi ám ảnh về hóa chất trong nuôi trồng
Những ngày đầu năm 2016, người dân Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khá lo lắng khi lực lượng chức năng phát hiện vài hộ dân sử dụng nước nhớt xe trong trồng rau muống. Cụ thể, tại ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố đã phối hợp với PC49 bắt quả tang bà Chu Thị Lan đang đổ nhớt thải xuống ruộng rau muống nước của mình. Bà Lan cho rằng, việc sử dụng nhớt thải để diệt trừ rầy sau mỗi đợt thu hoạch, thường là từ 2 đến 3 ngày.
Tương tự, trong đợt ra quân kiểm tra tồn dư chất tạo nạc Salbutamol tại một số cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn thành phố vừa qua, tại các lò giết mổ Phước Kiển, Nam Phong… Chi Cục Thú y thành phố đã phát hiện và tạm giữ gần 1.000 con lợn dương tính với chất cấm.
Số lợn này chủ yếu được vận chuyển về Tp. Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận… Bên cạnh đó, qua kiểm tra 117 lô thịt lợn với 365 mẫu, lực lượng chức năng phát hiện 22 lô (chiếm 18,8%) và 65 mẫu (chiếm 17,5%) có sử dụng chất tạo nạc.
Kết quả kiểm tra còn cho thấy, mặc dù Tp. Hồ Chí Minh không có tình trạng lợn bị bơm nước nhưng nguy cơ nhập lợn bơm nước từ các địa phương khác về phân phối, tiêu thụ trên địa bàn là khá lớn.
Đơn cử, các đơn vị chức năng vẫn kiểm tra và phát hiện trên sản phẩm gia súc, gia cầm có hiện tượng rỉ dịch, nhưng vẫn không thể kết luận “có bơm nước” hoặc hết hạn sử dụng, vì không đủ cơ sở pháp lý. Đồng thời, để lợn, trâu, bò bơm nước vận chuyển không bị sốc và chết, một số hộ kinh doanh còn tiêm thuốc an thần…
Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng sử dụng hoặc lạm dụng chất tạo nạc, bơm nước... trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ... vẫn đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng. Đáng lo ngại hơn, là người dân chăn nuôi biết cơ quan chức năng đang “nhắm” vào xử lý các hộ chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc Salbutamol nên có hướng “lách” bằng cách sử dụng chất tạo nạc khác như Dobutamine. Do đó, cần có chế tài để ngăn chặn từ đầu, không nên xử phạt “theo đuôi” như hiện nay.
Mặt khác, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, cho rằng, hiện nay nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật mới ra đời rất nguy hiểm đối với thực phẩm, nhưng chưa được cập nhật vào danh sách cấm nên đã gây khó khăn trong việc quản lý, xử phạt cũng như kiểm soát chất lượng thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng thanh kiểm tra của đơn vị còn rất mỏng, dù đã bung hết công suất cũng không thể quán xuyến, kiểm soát nổi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không "lơ là" kiểm soát thị trường
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, chỉ riêng tháng 1/2016, đơn vị này đã triển khai hơn 1.400 vụ kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; trong đó, lực lượng chức năng đã thực hiện hơn 280 vụ kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, lập biên bản gần 110 vụ vi phạm.
Cụ thể, tại hộ kinh doanh thuộc huyện Hóc Môn, do ông Phan Tấn Dũng làm chủ, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện sản phẩm thịt trâu xuất xứ từ Ấn Độ, không hóa đơn chứng từ, điều kiện bảo quản và sơ chế không đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng trong tháng này, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 126 công ty, cửa hàng, hộ kinh doanh, cơ sở chế biến, sản xuất tại các chợ và trên đường phố, đồng thời phát hiện có 106 vụ vi phạm. Đặc điểm chung của các vụ vi phạm này là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bán hàng có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc...
Ngoài ra, hầu hết các hàng hóa vi phạm đều là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu hoặc rất được ưu chuộng trong dịp Lễ, Tết như bia, rượu, nước giải khát, hương liệu thực phẩm, bánh, kẹo, gia vị, mì gói...
Hiện nay, thành phố có hơn 8 triệu dân và khoảng 2 triệu khách vãng lai, nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn; trong đó, bình quân mỗi ngày thành phố tiêu thụ số lượng gồm 8.000 - 10.000 con lợn; 750 - 850 con trâu, bò; 120.000 - 130.000 con gia cầm và trên 200 tấn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế điều kiện chăn nuôi hiện nay tại thành phố chỉ đáp ứng khoảng từ 18 - 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Do đó, công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố cũng như phối hợp kiểm tra liên ngành để kiểm tra tốt nguồn sản phẩm động vật phân phối và bán buôn trên địa thành phố cần được đẩy mạnh, nhất là trong thời điểm cận Tết.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tổ chức 4 đoàn kiểm tra thị trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa trên thị trường. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, bên cạnh vấn đề giá cả, hoạt động sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành đẩy mạnh khâu kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định pháp luật, công tác kiểm tra phải triển khai sâu rộng tại các kho chứa trữ hàng hóa, chứ không chỉ dừng lại ở những địa điểm bán buôn, phân phối.
Bài 2: Tìm đến thực phẩm "sạch"
TTXVN/Hứa Chung - Mỹ Phương