loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) gửi Thủ tướng Chính phủ, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán 2018 có 7 ngày nghỉ, được xây dựng theo 2 phương án khác nhau.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có dự thảo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ lễ, Tết năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, ngày nghỉ Tết Nguyên đán được xây dựng theo hai phương án. Phương án 1: Nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 14/2/2018 đến hết ngày 20/2/2018 dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Trong đó có 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần.
Còn phương án 2: Nghỉ 7 ngày liên tục từ ngày 15/2/2018 đến hết ngày 21/2/2018 dương Lịch (tức ngày 30 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng). Trong đó 1 ngày trước Tết, 4 ngày sau Tết, 2 ngày nghỉ bù do ngày Mùng 2 và Mùng 3 Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần.
Trong hai phương án, Bộ LĐTBXH cho rằng thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch theo phương án 1 là hài hòa, phù hợp hơn vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, số ngày nghỉ sau Tết là 5 ngày là phù hợp.
Với phương án này, ngày đi làm ngắt quãng là 2 ngày liên tục nên tác động tiêu cực của việc đi làm ngắt quãng không nhiều. Bộ LĐTBXH đề nghị thực hiện lịch nghỉ Tết Âm lịch theo phương án 1 với tổng số ngày nghỉ là 7 ngày.
Theo Bộ LĐTBXH, từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào một số dịp nghỉ lễ, Tết khi có tình huống nghỉ ngắt quãng.
Qua rà soát lịch năm 2018, Bộ LĐTBXH nhận thấy các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2018 đều liền với ngày nghỉ hằng tuần, không xuất hiện tình trạng 1, 2 ngày làm việc xen kẽ giữa các ngày nghỉ. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2018.
Chỉ mươi, mười lăm năm trước, hiếm ai trong chúng ta hình dung tới một giả thiết đặc biệt: Ngày Tết Nguyên Đán sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam.
Đối với Tết Nguyên đán (Âm lịch), Điều 115 Bộ luật lao động 2012 quy định nghỉ 5 ngày; còn Điều 8 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: thời gian nghỉ Tết Âm lịch người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm.
Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ LĐTBXH sẽ có tờ trình chính thức về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2018.
Theo Xuân Cường/Báo Tin Tức
loading...