A+ A A- Kiểu đọc sách

Những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán

14:25 22/01/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trước và sau Tết Nguyên đán, người Việt có nhiều phong tục khác nhau, tuỳ theo từng địa phương. Dưới đây là một số phong tục chính:


Lễ cúng ông Công ông Táo

Ông Công là Thổ Công là vị thần cai quản đất đai. Ông Táo là thần bếp, hay Táo Quân, gồm hai ông, một bà, có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình bào cho Trời. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng thu dọn nhà cửa, bếp sạch sẽ rồi làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời, nhờ ông báo cáo những điều tốt đẹp để một năm mới bình an và may mắn.

Thăm mộ tổ tiên

Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, con cháu trong gia đình tề tựu đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.


Ban thờ ngày Tết

Dọn dẹp, trang trí nhà cửa

Để đón tết, mọi nhà dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Tất cả các đồ dùng trong gia đình đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Thêm cây quất, cành đào (mai), câu đối… làm cho không gian thêm sắc màu, ấm cúng.

Lễ Tất niên

Tất niên có nghĩa là hoàn tất công việc của năm cũ. Theo phong tục, đến thời điểm tất niên, mọi người đều thu xếp thanh toán hết nợ nần, xoá bỏ những xích mích trong năm cũ để hướng tới một năm mới thuận hoà hơn. 

Vào chiều 30 Tết, sau khi đã hoàn thành xong mọi công việc, gia đình chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên ông bà. Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình trong những này Tết. Không chỉ làm cho không gian cúng thêm ấm áp, hài hòa, rực rỡ, mâm ngũ quả còn thể hiện sinh động ý tưởng triết lý-tín ngưỡng-thẩm mỹ và là nơi gửi gắm ước nguyện của mỗi gia đình.

Lễ giao thừa

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của năm. Vào thời điểm giao thừa, các gia đình làm lễ Trừ Tịch để loại bỏ những điều không may mắn của năm cũ đi và đón lấy những điều tốt đẹp của năm mới đến. Đúng giao thừa, trên bàn thờ gia tiên thơm hương khói, đèn nến lung linh, các thành viên trong gia đình cung kính chắp tay lễ trước bàn thờ tổ tiên, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, phát lộc phát tài.

Tục xông nhà

Theo phong tục, người xông nhà là người đầu tiên đến nhà sau giao thừa. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới, tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng. Vì thế, ngay từ trước tết chủ nhà thường hẹn người quen biết, đẹp người đẹp nết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.

Phong tục chúc tết, mừng tuổi

Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.

Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người đi thăm họ hàng, thầy cô, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến…

Minh Duyên (tổng hợp)
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...