'Không được làm dự án cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng'
(Thethaovanhoa.vn) - Văn Phòng Chính phủ vừa chuyển kiến nghị về việc dừng dự án cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng của Hội Cổ sinh – Địa tầng (Tổng hội Địa chất Việt Nam) cho các bộ, ngành và tỉnh Quảng Bình xem xét.
- Chấm dứt dịch vụ ăn uống trong hang động Vịnh Hạ Long
- Hành trình 1/4 thế kỷ 'đánh thức' hang động
- Bất ngờ với sự quyến rũ của hang động Việt Nam (kỳ 1)
- Chuyên gia Anh phát hiện thêm 57 hang động đẹp lung linh ở Quảng Bình
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ giao các Bộ: VHTT&DL, Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Quảng Bình xem xét, xử lý theo quy định. Với các vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng.
Theo Hội Cổ sinh - Địa tầng, gần đây Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương xây dựng tuyến cáp treo Phong Nha-Kẻ Bàng, giao cho Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với địa phương đánh giá tác động môi trường, tham khảo UNESCO để sớm trình Chính phủ xem xét, đảm bảo không ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép Tập đoàn FLC khảo sát thăm dò xây dựng tuyến cáp treo từ km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến Hang Én, dài 5,2 km.
Trong kiến nghị của Hội Cổ sinh – Địa tầng đánh giá, việc xây dựng tuyến cáp treo vào vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng với công suất hàng nghìn người/ngày (so với 600 người/năm vào Sơn Đoòng hiện nay) chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn du khách và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên tiếng ồn của động cơ, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát, cũng như những hành vi vô ý thức thường gặp ở số đông du khách đại trà thực sự là điều đáng lo ngại đối với môi trường, nơi có đa dạng sinh học cao như ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Vì thế, từ 2014 đến nay các dự án xây cáp treo vào vùng lõi VQG Phong Nha – Kẻ Bàng luôn bị các nhà khoa học và dư luận xã hội phản đối mạnh mẽ.
Chia sẻ với PV báo Thể thao & Văn hóa, GS. TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng nhấn mạnh: “Hội Cổ sinh - Địa tầng chúng tôi và các Hội chuyên ngành khác thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam có các nhà khoa học từng chủ chốt tham gia xây dựng Hồ sơ di sản VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đề nghị UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất-địa mạo, cũng như đã tham gia nghiên cứu Phong Nha-Kẻ Bàng và Sơn Đoòng từ hàng chục năm qua. Chúng tôi thấy có trách nhiệm nói lên tiếng nói của các nhà khoa học đã trực tiếp nghiên cứu Di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời có những kiến nghị tới các cấp có thầm quyền không cho phép xây dựng cáp treo vào vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bảng, bởi một khi bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng, Hang Én mà toàn ngành Du lịch Việt Nam sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.
Chính vì thế, cần bảo vệ Hang Én và Sơn Đoòng như những di sản thiên nhiên đặc biệt, không chỉ của Quảng Bình, của Việt Nam mà còn của thế giới, cho hôm nay và cho muôn đời sau, đúng như khẩu hiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhắc không chỉ một lần: “Không làm kinh tế bằng mọi giá”.
GS. TS Tạ Hòa Phương nhấn mạnh kiến nghị của Hội Cổ địa – Sinh tầng: "Việc xây dựng tuyến cáp treo vào Hang Én về thực chất không khác mấy so với việc đưa cáp treo vào gần cửa động Sơn Đoòng, vì Hang Én nằm trên cửa ngõ vào động Sơn Đoòng, chỉ cách cửa Sơn Đoòng khoảng 2 km".
Hơn nữa, Hang Én là nơi cư trú của hàng vạn con chim Én, một điểm hội tụ đặc sắc nhất của loài chim này ở nước ta. Khai thác du lịch bằng cáp treo hiện khá phổ biến trên thế giới và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng trên thực tế người ta không dùng cáp treo để khám phá hang động, đặc biệt với những hang động lớn và đẹp lộng lẫy như Sơn Đoòng, Hang Én, bởi việc đó tiềm ẩn nguy cơ phá hoại hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương và các thành tạo hang động tinh tế".
Chính vì thế, theo Hội Cổ địa – Sinh tầng, hình thức khai thác du lịch mạo hiểm, khám phá Hang Én và động Sơn Đoòng như hiện nay là phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế và ít tác hại nhất đến toàn hệ thống hang động này. Đây là tour du lịch đẳng cấp cao của thế giới và duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Tour du lịch như vậy sẽ góp phần quảng bá và nâng cao vị thế du lịch cho Quảng Bình, cuốn hút du khách trong nước và thế giới đến Quảng Bình nhiều hơn. Họ ở lại nhiều hơn để đi các điểm khác như Hang Én, Hang Tối, Phong Nha, Thiên Ðường, Hang Va và xa hơn - đến với các tour thám hiểm Tú Làn và vùng biển.
GS. TS Tạ Hòa Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam đang làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nghiên cứu về lĩnh vực Cổ sinh - Địa tầng. Ông tham gia nghiên cứu khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng cùng các hang động trong đó từ năm 1990 và là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên đi xuyên qua hang Sơn Đoòng năm 2013. |
Hoài An