Bất ngờ với sự quyến rũ của hang động Việt Nam (kỳ 1)
(Thethaovanhoa.vn) - UBND tỉnh Quảng Bình công bố vừa phát hiện thêm 57 hang động mới tại Vườn quốc gia Phong Nhà - Kẻ Bàng, đưa tổng số hang được khảo sát, lập bản đồ, chụp hình tại Quảng Bình lên tới 311 hang động với hơn 200 km. Một câu hỏi đặt ra: Vậy còn bao nhiêu hang động nữa chưa được khám phá? Câu hỏi này không chỉ dành cho tỉnh Quảng Bình, mà cho nhiều tỉnh thành cả nước.
- Chuyên gia Anh phát hiện thêm 57 hang động đẹp lung linh ở Quảng Bình
- Phát hiện hang động mới ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
- Chiêm ngưỡng vẻ đẹp bí hiểm của những hang động mới được khai phá tại Phong Nha - Kẻ Bàng
Là một trong những nước có tỷ lệ diện tích đá vôi trên diện tích lãnh thổ cao nhất thế giới, khoảng 10%, Việt Nam có những cảnh quan karst thật đa dạng và kỳ thú.
Tất cả các Di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An, cũng như Công viên địa chất toàn cầu thuộc UNESCO duy nhất của Việt Nam là Cao nguyên đá Đồng Văn, đều nằm trong các vùng có địa hình đá vôi.
Tại những vùng đó, bên cạnh các cảnh quan karst trên mặt đất tuyệt đẹp, thì loại hình karst âm, tức hệ thống hang động dưới mặt đất cũng cực kỳ phong phú, tạo nên nét độc đáo và quyến rũ của katst Việt Nam.
Hang động karst thực chất là những khoang rỗng có hình dạng và kích thước khác nhau được hình thành trong lòng khối đá vôi, thông với bề mặt bằng một hoặc nhiều cửa. Hang động karst thường liên kết thành hệ thống, phân bố thành nhiều tầng cao thấp khác nhau. Độ cao của các tầng hang động thường tương ứng với các bậc thềm sông, do sự phát triển của chúng liên quan với các chu kỳ xói mòn của hệ thống sông ngòi.
Vãn cảnh và tâm linh
Du lịch hang động từ lâu đã gắn liền với các tuyến du lịch vãn cảnh và tâm linh. Nổi tiếng nhất trong các quần thể hang động được sử dụng trong hoạt động văn hóa - tâm linh là Khu danh thắng Hương Sơn ở Mỹ Đức, Hà Nội. Trong đó có hàng chục ngôi chùa thờ Phật được xây dựng khéo léo trong các hang động đá vôi. Ngoài ra còn có các ngôi đền thờ Thần và các ngôi đình thuộc tín ngưỡng nông nghiệp.
Tuy chỉ là phiên bản của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, nhưng khu danh thắng gắn liền những hang đông karst tuyệt đẹp ở vùng Mỹ Đức đã sớm trở nên quyến rũ nổi bật, trở thành nơi hành hương của hàng trăm nghìn du khách và phật tử hằng năm.
Các ngôi chùa khác được xây dựng trong hang động karst khá phổ biến, có khi được gọi ngay bằng cái tên mộc mạc là Chùa Hang (ở Tuyên Quang và Kiên Giang v.v...). Đặc biệt có một Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự - Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Gọi là Chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được hình thành do ngấn biển cổ ăn sâu vào chân dãy núi Thới Lới cấu tạo từ đá trầm tích - núi lửa, chứ không phải đá vôi.
Ngoài ra, nhiều chùa khác cũng đã được xây dựng làm nơi thờ cúng từ lâu đời: Chùa Bái Đính (cổ) ở Gia Viễn, Ninh Bình, nằm sâu trong lòng hang xuyên quả núi, trong đó ngoài ngoài hệ thạch nhũ độc đáo còn lưu cả dấu tích của một ngấn biển cổ trên núi cao; Chùa Bích Động được xây dựng trên sườn núi đá vôi thuộc huyện Hoa Lư, Ninh Bình, từng được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", là động đẹp thứ hai của trời Nam, sau động Hương Tích ở Hà Nội.
1000 hang động karrst đã được phát hiện, nghiên cứu, nhưng...
Hiện nay gần 1000 hang động karst đã được phát hiện và nghiên cứu ở Việt Nam, phần lớn chưa được đưa vào khai thác du lịch.
Có thể thấy sự khác biệt khá rõ về mật độ và quy mô hang động trong các khối đá vôi ở các vùng miền khác nhau. Mật độ hang rất cao gặp trong hai khu vực Di sản thiên nhiên thế giới là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Quần thể danh thắng Tràng An.
Tại mỗi vùng, do tính chất của tầng đá vôi cũng như vị thế của nó so với các đá phi karst xung quanh mà tính chất của hệ thống hang động cũng rất khác nhau. Đó cũng là đặc điểm lý thú khiến các hành trình khám phá hang động tuy vất vả nhưng không đơn điệu, nhàm chán. Có thể điểm qua tính chất hang động của một số vùng karst chủ yếu như sau.
PGS. TS. Tạ Hòa Phương với ông Howard Limbert trước của động Phong Nha
Vùng Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình là nơi có hệ thống hang động karst chủ yếu nằm ngang mực nước ngầm khu vực. Chính vì thế hệ thống hang sông của vùng này đã tạo điều kiện lý tưởng để có những tuyến du lịch xuyên sơn bằng đường thủy.
Thuyền đưa du khách đi qua hết hang này tới hang khác, có lúc lại đưa họ ra ngoài, đến với những thung lũng karst tuyệt đẹp giữa các khối núi đá vôi dạng tháp. Đó là chưa kể hệ thống 3 hang luồn nổi tiếng ở vùng kế cận trên tuyến du lịch vãn cảnh thơ mộng theo sông Ngô Đồng ở vùng Tam Cốc - Bích Động.
Đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, hệ thống hang động karst cũng góp phần không nhỏ khiến các tuyến du lịch trên biển thêm hấp dẫn.
Xét về hình thái, hang động trong các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long được chia ra làm 3 loại chính: Các hang ngầm cổ (hang treo), nằm ở độ cao 10m trở lên. Các hang động đẹp nổi tiếng của Hạ Long như hang Sửng Sốt, hang Đầu gỗ, động Thiên Cung thuộc kiểu hang này.
Các hang nền được hình thành do xâm thực mở rộng ngang của mực nước biển cổ, có lối vào gần như nằm ngang. Tiêu biểu là các hang: Trinh Nữ, Bồ Nâu, Hang Trống… Đa phần các hang nằm ở độ cao 5-15m.
Các hang hàm ếch là loại hang có tuổi trẻ nhất, chủ yếu hình thành do sự phá huỷ của nước biển và sóng triều hiện đại. Nhìn chung các đảo đá vôi trong vùng đều có phần chân ít nhiều bị lõm vào, đôi khi tạo thành các hang hàm ếch ăn sâu vào trong đảo. Có những hang hàm ếch ăn xuyên qua khối đá vôi sang phía đối diện, trở thành các hang luồn.
Các hang luồn chính là loại hang hoạt động trong thời hiện đại. Các hang luồn tiêu biểu của Vịnh Hạ Long có thể gặp ở hòn Vụng Châu, đảo Hang Trai, đảo Đầu Bê v.v... Cũng có một hang luồn rất đẹp, là lối đi vào làng chài Vung Viêng nổi tiếng của Hạ Long.
Cho đến nay, tất cả các loại hình hang động của Hạ Long và các vùng kế cận đều đã được đưa vào khai thác du lịch có hiệu quả. Đó cũng là nét nhấn cho vùng cảnh quan karst duy nhất của Việt Nam bị ngập chìm một phần trong biển.
Với Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là Công viên địa chất toàn cầu thuộc UNESCO thì du lịch hang động chưa được phát triển đúng tầm. Có lẽ bởi đây là nơi tầng đá vôi nằm quá cao trên mực nước ngầm khu vực, nên các hang động thường phát triển theo chiều thẳng đứng. Trong các hang không có nhiều thạch nhũ đẹp, lối đi lại dốc đứng, nguy hiểm.
Tuy nhiên, gần đây một số hang cũng đã được đưa vào khai thác, điểm hình là hang Lùng Khúy ở Quản Bạ, nơi có hệ thống thạch nhũ tuyệt đẹp chẳng khác nào một động Thiên Đường của Quảng Bình thu nhỏ. Các hang Khổ Mỷ (Quản Bạ), Nhù Sang (Đồng Văn) cũng mang những nét đẹp độc đáo nơi cao nguyên.
Còn nhiều vẻ đẹp khác của hang động nơi đây chưa được khám phá và khai thác du lịch. Đó là hệ thống thạnh nhũ kỳ vĩ trong hang Séo Hồ, mọc lên bên một dòng sông ngầm bí ẩn từ thượng nguồn chảy qua trước khi hợp lưu với dòng sông Nho Quế. Là hệ thống ”giả thạch nhũ” có dạng răng cá mập mọc tua tủa trên trần hang Pải Lủng (Mèo Vạc), vốn cấu tạo từ đá gốc có tuổi 300 trệu năm.
Hệ thống hang động trên cao nguyên đá còn tiềm ẩn nhiều điều kỳ bí, lý thú, cần được nghiên cứu để đưa vào khai thác du lịch ở các thể loại khác nhau, từ du lịch khám phá đến du lịch mạo hiểm.
(Còn tiếp)
PGS. TS. Tạ Hòa Phương
(Khoa Địa chất, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Chủ tịch hội Cố sinh - Địa tầng Việt Nam)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần