Hà Nội, nơi gửi trọn tình yêu và sự cống hiến – Bài 4: Tầm nhìn chiến lược về văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thủa vua Lý Công Uẩn khai sáng đất Thăng Long đến ngày hôm nay, Hà Nội tự hào là địa phương đi đầu cả nước cả nước về phát triển văn hóa. Tiếp nối và phát huy truyền thống văn hoá Thăng Long chính là tạo cơ sở để xây dựng niềm tin yêu cho đông đảo người dân, từ đó có những cống hiến tâm lực, trí lực cho Thủ đô. Hà Nội đã có chiến lược, với những giải pháp, biện pháp cho văn hóa trong nay mai.
- Hà Nội, nơi gửi trọn tình yêu và sự cống hiến: Bài 3 – Những tấm lòng bạn bè quốc tế với Thủ đô Hà Nội
- Hà Nội, nơi gửi trọn tình yêu và sự cống hiến – Bài 2: Những đóa hoa tỏa hương sắc
- Hà Nội, nơi gửi trọn tình yêu và sự cống hiến – Bài 1: Nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa Thăng Long
Đề cao tính đại diện của văn hóa Hà Nội
Trong quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng văn hóa xứng tầm với vị thế Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, đồng thời, xứng đáng với truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, xây dựng những giá trị mới làm nền tảng tinh thần cho xã hội. Các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long tiếp tục được bảo tồn, kế thừa và phát huy; nâng cao mức hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội tập trung xây dựng lối sống, đời sống và môi trường văn hóa. Bên cạnh đó, các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố tăng cường định hướng xã hội về giáo dục, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, kỷ cương, kỷ luật đối với các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với tầng lớp thanh thiếu niên. Thành phố cũng kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức giữa các tổ chức, đoàn thể với nhà trường và gia đình. Có như vậy, phong trào mới chuyển biến mạnh cả về chất và về lượng, tạo hiệu quả xã hội cao.
Nhiệm vụ lớn, trọng trách cao nhưng với quan điểm ưu tiên phát triển văn hóa, Hà Nội vẫn nỗ lực khẳng định vị trí của trung tâm văn hóa của cả nước và hướng đến là trung tâm văn hóa của khu vực, địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội chia sẻ: Vẫn biết là khó khăn nhưng mỗi chúng ta đều phải cố gắng để văn hóa Hà Nội xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: giá trị tinh thần của nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội chưa được phát huy mạnh mẽ để tạo nên động lực phát triển, tạo nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, nhất là trong tạo chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân và khắc phục yếu kém trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Thấu suốt quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển, Hà Nội luôn quan tâm chăm lo giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng để quá trình hòa quyện, kết tinh, lan tỏa thấm sâu vào đời sống xã hội. Phát triển văn hóa thì mới đổi mới được con người, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên thành phố rất quan tâm với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, chủ động bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị thành phố. Vì vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng ngày càng thuận tiện hơn và đang thay đổi rõ rệt. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy hiệu quả; kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn năm 2017 đạt 97,33%. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Chương trình xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh được các cơ quan chức năng và đông đảo người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm, nhất là khi văn hóa ứng xử người Hà Nội có phần phai nhạt, cuốn theo vòng chuyển động của sự phát triển kinh tế xã hội. Trong rất nhiều cuộc họp bàn của các cơ quan chức năng và thậm chí cả trong cuộc sống của cộng đồng dân cư, vấn đề xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh đều được đặt ra.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một người chuyên nghiên cứu về văn hóa cho rằng, Thủ đô có bề dày 1000 năm nên truyền thống văn hóa Thăng Long tuyệt nhiên phải giữ gìn. Trong sự phát triển mới của đất nước càng phải xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo lối mới.
Dù để thay đổi ý thức của người dân thực hiện theo lối sống thanh lịch, văn minh cần có thời gian dài, cùng sự vào cuộc bền bỉ, song thành phố Hà Nội vẫn coi là nhiệm vụ cần ưu tiên trong thời gian tới. Ngành văn hóa Hà Nội tiếp tục tăng cường giáo dục, tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm định hướng và khẳng định các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, quan hệ xã hội giàu tính nhân văn giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, ứng xử văn hóa tạo thành phong trào mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền được lồng ghép với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là trong công tác xây dựng gia đình văn hóa. Nhưng bên cạnh đó cũng phê phán, khắc phục những mặt còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, thái độ vô trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận cư dân Hà Nội.
Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội được coi là nền tảng xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các quy tắc ứng xử đã đi vào đời sống có tác động chuyển biến rõ nét trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với nhiều người dân đang sinh sống, làm việc, du lịch tại Thủ đô Hà Nội. Bước đầu hai bộ quy tắc đã điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung, góp phần vào việc giữ gìn nét thanh lịch của người Hà Nội.
Tất cả cũng chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất, vì một Hà Nội giàu bản sắc văn hóa truyền thống nhưng vẫn phù hợp với tình hình mới trong xu thế phát triển và hội nhập. Từ văn hóa, Hà Nội đang khai thác mạnh tiềm lực du lịch, đem đến cho thành phố nhiều nguồn thu, có thể nói thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Bài 5: Khai thác kinh tế mũi nhọn từ văn hóa và du lịch
Văn Cảnh – Đinh Thuận