Giảm lãi suất ngoại tệ để chống đầu cơ
Lãi suất tiền gửi bằng USD ở Việt Nam đang ở mức 7,2%/năm, cao hơn 1,95% so với mức lãi suất của trái phiếu chính phủ 1 năm của Mỹ là 5,25. |
Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi USD đã được phát động từ giữa tháng 3/2008 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mức lãi suất tiền gửi bằng USD lên mức cao kỷ lục là 7,2%/năm, sau nhiều năm lãi suất tiền gửi bằng USD thấp và ổn định.
Đua huy động ngoại tệ và sự bất hợp lý
Lãi suất tiền gửi bằng USD cao đang phản ánh cung cầu của thị trường ngoại tệ nhưng nếu cuộc đua huy động ngoại tệ không bị được "hãm phanh" sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực.
Thứ nhất, lãi suất ngoại tệ cao đang tiếp sức cho nạn đầu cơ ngoại tệ, làm tăng mức độ Đôla hoá nền kinh tế. Từ năm 2002 đến năm 2007, gửi tiết kiệm bằng tiền đồng luôn là lựa chọn sáng suốt của người dân do mức lãi suất ngoại tệ, biến động tỷ giá thấp tạo sự hấp dẫn khi gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2008 hoạt động đầu cơ ngoại tệ đang có khuynh hướng gia tăng trở lại. Bên cạnh kỳ vọng và tin đồn về sự thay đổi lớn trong tỷ giá, lãi suất ngoại tệ cao kỷ lục đang tiếp sức cho hoạt động đầu cơ USD trên thị trường.
Biểu hiện của nạn Đôla hoá là tỷ lệ gia tăng của Đôla hoá tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại. Khuynh hướng đầu cơ và gửi tiền bằng ngoại tệ sẽ làm giảm lượng tiền huy động tiết kiệm bằng tiền đồng và gia tăng tỷ trọng Tiền gửi ngoại tệ/Tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Tỷ trọng này đang ở mức trên 30% với các ngân hàng thương mại ở Hà Nội và trên 40% với các ngân hàng thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu lãi suất ngoại tệ tiếp tục duy trì ở mức cao, Đôla hóa tài khoản tiền gửi sẽ có khuynh hướng tiếp tục đà gia tăng.
Thứ hai, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi bằng USD không làm tăng mạnh cung ngoại tệ. Thông thường, trong nền kinh tế được tự do lưu chuyển vốn với chính sách tỷ giá cố định, chênh lệch lãi suất của nền kinh tế với thị trường quốc tế sẽ thu hút dòng ngoại tệ nước ngoài chảy vào nền kinh tế.
Sự tăng cung ngoại tệ làm cải thiện cán cân, tăng cung tiền và tác động làm lãi suất ngoại tệ giảm đến khi mức chênh lệch lãi suất chỉ đủ bù đắp chi phí luân chuyển vốn. Tuy nhiên, cơ chế này không xảy ra với nền kinh tế có kiểm soát ngoại tệ chặt chẽ.
Lãi suất tiền gửi bằng USD tăng cao không làm cải thiện nhiều dòng vốn chảy vào Việt Nam do ba nguyên nhân.
Một là, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vẫn đang bị quản lý chặt do vậy lãi suất cao vẫn tiếp tục được duy trì do cung ngoại tệ vẫn khan hiếm trong khi cầu ngoại tệ cho nhập khẩu tiếp tục leo thang.
Hai là, mục đích chuyển tiền qua tài khoản vãng lai chủ yếu để gửi tiền cho người thân ở trong nước hoặc đang học tập ở nước ngoài, quy mô đầu cơ lãi suất thông qua tài khoản vãng lai là rất thấp so với hoạt động đầu cơ lãi suất của các tổ chức tài chính quốc tế được thực hiện qua tài khoản vốn.
Ba là, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi bằng USD gây rối loạn hoạt động huy động ngoại tệ của ngân hàng thương mại. Lượng ngoại tệ vào nền kinh tế không tăng mạnh do tài khoản vốn vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần thường đưa ra mức lãi suất cao để thu hút ngoại tệ làm nguồn ngoại tệ có khuynh hướng rút khỏi các ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi bằng USD thấp (ngân hàng thương mại quốc doanh) chuyển sang các ngân hàng thương mại cổ phần.
Quá trình luân chuyển tiền gửi ngoại tệ do người gửi tiền thực hiện đã gây chi phí tốn kém, lãng phí nguồn lực, làm bất ổn hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Nếu lãi suất ngoại tệ có tính ổn định hơn, dòng chảy ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng thương mại có thể được thực hiệu quả hơn thông qua thị trường liên ngân hàng.
Điều hành lãi suất ngoại tệ, tại sao không?
Ngày 16/5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã thực đã thực hiện cơ chế điều hành lãi cơ bản bằng tiền đồng quy định lãi suất do tổ chức tín dụng thực hiện không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Với mức lãi suất cơ bản là 14%/năm kể từ ngày 11/6/2008, mức lãi suất huy động, cho vay bằng tiền đồng không quá 21%/năm.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hiện chưa có quy định, điều chỉnh lãi suất đối với ngoại tệ, nói cách khác lãi suất ngoại tệ đang được thả nổi làm lãi suất tiền gửi bằng USD đứng ở mức cao bất hợp lý.
Với mức lạm phát dự báo cao trong năm 2008, sự thiếu đồng bộ trong việc điều hành lãi suất tiền đồng và lãi suất USD đang làm giảm sự hấp dẫn của tiền đồng với chức năng cất trữ tài sản. Cuộc đua huy động ngoại tệ của các ngân hàng thương mại vô hình trung đã tiếp sức cho hành vi đầu cơ ngoại tệ và nạn đô la hoá.
Do vậy, áp dụng biện pháp tiền tệ phù hợp (tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng điều kiện vay vốn ngoại tệ, quy định lãi suất trần huy động ngoại tệ...) để đưa lãi suất tiền gửi bằng USD về mặt bằng hợp lý là cần thiết.
Khi điều hành lãi suất, mối quan hệ giữa tỷ giá, lãi suất ngoại tệ và lãi suất nội tệ luôn phải được nghiên cứu, điều hành đồng bộ với mục tiêu (1) kiềm chế lạm phát; (2) giảm thâm hụt thương mại và (3) tăng sự hấp dẫn của tiền đồng.
Với mục tiêu này lãi suất tiền gửi bằng USD nên điều hành bám sát mức lãi suất USD trên thị trường quốc tế (đang giao động trong khoảng từ 5,25%/năm đến 5,5%/năm); lãi suất tiền gửi nội tệ nên hướng tới tỷ lệ lãi thực dương.
(Theo VnEconomy)