loading...
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu mở thêm cổng tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất tại vị trí trên đường Thống Nhất cũng như các vị trí khác trên các tuyến đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung… nhằm tăng thêm các hướng tiếp nhận hành khách ra vào.
Đây là kiến nghị của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa và UBND TP Hồ Chí Minh vào ngày 10/7.
Về vấn đề quá tải ngoài và trong sân bay Tân Sơn Nhất, theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã triển khai một số giải pháp nhằm nâng công suất của Cảng hàng không quốc Tân Sơn Nhất lên 43 – 45 triệu hành khách/năm, tuy nhiên công suất tối đa cũng chỉ có thể đạt ở mức 50 triệu hành khách/năm.
Trong khi đó, khó khăn chung hiện nay là thời gian gấp rút cũng như chưa tìm được nguồn kinh phí để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay cả việc vừa qua, TP Hồ Chí Minh hoàn thành cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ mới đem lại kết quả tạm thời. Kết nối độc lập giao thông vào sân bay vẫn chưa làm được, trong đó có đường trên cao đi qua sân bay.
Trước những vấn đề trên, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu mở thêm cổng tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất tại vị trí trên đường Thống Nhất cũng như các vị trí khác trên các tuyến đường Trường Chinh, đường Phạm Văn Bạch, đường Tân Sơn, đường Quang Trung… nhằm tăng thêm các hướng tiếp nhận hành khách ra vào.
Đồng thời, ông Cường cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm làm hồ điều tiết (rộng 1,3ha) chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất đồng bộ với các dự án thoát nước khác mà TP Hồ Chí Minh đang triển khai gồm Kênh A41, mương Nhật Bản và kênh Hi Vọng.
Về vấn đề giải ngân vốn cho tuyến metro số 1, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh nhìn nhận với tuyến metro số 1 đang còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều của Bộ Tài chính khi cho rằng, việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn vay lại.
Do đó Thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính về vấn đề này.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên không và dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài, đe dọa an toàn, an ninh hàng không là do đâu?
Đồng thời, để không ảnh hưởng đến nguồn vốn vay lại thực hiện dự án metro, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ủng hộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ủy quyền cho UBND TP Hồ Chí Minh được thực hiện tổ chức thẩm định, phê duyệt các thiết kế, dự toán sau bước thiết kế cơ sở đối với các dự án đường sắt đô thị trong tương lai, tương tự như tuyến số 1 và số 2.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết thành phố sẽ đăng ký làm việc với Bộ Giao thông vận tải về dự án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ trong thời gian tới. Vì nếu có tuyến đường sắt này thì sẽ giảm áp lực gia tăng dân số cơ học từ các địa phương lên thành phố làm việc.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang đối mặt với tình trạng ùn ứ giao thông trên các tuyến đường xung quanh và ngay cổng chính vào các nhà ga.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, khẳng định: “Bộ Giao thông vận tải đồng tình, ủng hộ thực hiện tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ vì dự án này sẽ giải quyết rất lớn cho vấn đề giao thông và vận chuyển hàng hoá giữa thành phố với đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo Anh Đức/Báo Tin Tức
loading...