A+ A A- Kiểu đọc sách

Bát nháo taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất

08:23 21/11/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời gian qua, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh bên cạnh các hãng taxi truyền thống còn xuất hiện loại hình đưa rước hành khách dưới vỏ bọc hợp đồng theo chuyến, không chỉ gây phiền hà cho hành khách mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây áp lực giao thông cho khu vực.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất có 8 hãng taxi đăng ký hoạt động, gồm Vinasun, Mai Linh, Saigon Airport, Hoàng Long, Vina Taxi, Saigon Tourist, Happy Taxi và Comfort Savico. Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều thương hiệu khác hoạt động công khai, như taxi dưới danh nghĩa hợp đồng vận chuyển theo chuyến hoặc lữ hành du lịch, chuyên chở khách đến các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí trong và ngoài thành phố.

Các công ty cứ đăng ký gắn điểm đặt xe là có thể được phép điều xe đến sân bay chở khách, nhưng lại không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách.

Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến tình trạng đưa đón hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm thường xuyên ùn ứ, mất trật tự vì có quá nhiều phương tiện đến chở khách trong khi quy định thời gian dừng đỗ không quá 3 phút.


Tình trạng bát nháo taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất làm khổ hành khách. Ảnh: Kiên Cường

Ngay trước khu vực ga quốc nội có hai đơn vị gắn biển đặt xe là S.V. và A.U. đều có nhân viên điều hành, liên hệ khách và điều phối xe như một hãng taxi nhưng phương tiện lại không gắn biển hiệu taxi.

Theo đại diện sân bay Tân Sơn Nhất, hai đơn vị này có ký hợp đồng chuyển nhượng với sân bay và được Sở Giao thông Vận tải thành phố cấp phép hoạt động.

Vừa ra khu vực đón taxi, phóng viên được nhân viên điều hành S.V. Car mời gọi. Sau khi thỏa thuận cước vận chuyển, nhân viên này điều hành một tài xế gần đấy chạy đi lấy xe. Khoảng hơn 5 phút sau, tài xế của hãng cho xe đến nhưng phương tiện không có logo như taxi.

Theo thông tin của tài xế, trong sân bay Tân Sơn Nhất có đến 14 hãng là taxi và không phải taxi hoạt động. Đấy là chưa kể loại hình xe đón khách với dịch vụ cao cấp, sử dụng dòng xe sang, chủ yếu ở ga quốc tế với chi phí cho mỗi lần đi từ 1,5 - 2 triệu đồng.

Cũng theo tài xế này, các hãng taxi có bãi đậu ở đường Trường Sơn (địa chỉ số 58), bãi lót (khu vực để đậu xe) ở ga quốc nội và quốc tế, mỗi bãi lót tầm 10 xe. Riêng S.V. có 5 chiếc trong bãi lót và 5 chiếc ở ngoài bãi Trường Sơn, khi có khách là điều xe vào. Tài xế này thừa nhận, những hãng không đăng ký hoạt động taxi, không có logo mà vẫn chở khách, có quầy phục vụ, nhân viên điều phối phương tiện… thì chính là taxi “dù”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho hay, muốn kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, tất cả các hãng đều phải đăng ký theo quy định và phải có hợp đồng.

Ngoài ra còn có một số trường hợp hoạt động như taxi tại khu vực sân bay. Tại khu vực này, Thanh tra giao thông của Sở Giao thông Vận tải rất khó vào kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm vì đây là khu vực đặc thù.

Không chỉ ở sảnh đón xe ga quốc nội mà ngay cả trong bãi giữ xe sân bay cũng có một số nhà xe gắn biển đặt xe ô tô (chủ yếu chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu) như M.T, P.N. Thậm chí còn có cả loại hình xe ôm giá rẻ. Khi thấy hành khách, một số nhân viên ở đây lập tức “đon đả” chào mời.

Đối với các trường hợp gắn biển đặt xe trong nhà giữ xe, đại diện sân bay mong muốn phối hợp với Thanh tra giao thông để xử lý nghiêm hành vi chèo kéo, gây mất trật tự, mỹ quan.

Theo báo Tin tức

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...