Cựu Chủ tịch Nissan cáo buộc một số lãnh đạo của hãng âm mưu chống lại ông
(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Chủ tịch Nissan của Nhật Bản, ông Carlos Ghosn đã cáo buộc “một vài lãnh đạo” tại hãng sản xuất ôtô này đứng sau âm mưu dẫn đến việc ông bị bắt giữ với cáo buộc gian lận tài chính.
Trong một thông điệp bằng video do các luật sư của ông Ghosn công bố tại cuộc họp báo ngày 9/4, ông Ghosn một lần nữa khẳng định ông hoàn toàn vô tội. Ông Ghosn cho rằng có “âm mưu” chống lại ông và nói rằng các sự việc “đã bị bóp méo nhằm tô vẽ một nhân vật hám danh lợi và độc tài”. Cựu Chủ tịch Nissan cho rằng: “Đây là một âm mưu, sự thông đồng và là hành động đâm lén sau lưng". Theo ông Ghosn, âm mưu này xuất phát từ nỗi lo sợ liên minh gồm Nissan và các đối tác Renault và Mitsubishi sẽ có bước đi hướng tới hợp nhất, ảnh hưởng đến vị trí của một số người hoặc cuối cùng đe dọa đến quyền tự quản của Nissan.
Tuy nhiên trong đoạn video ngắn này, ông Ghosn không nêu tên cá nhân nào tại Nissan. Luật sư của ông Ghosn nói rằng nhóm bào chữa đã cắt một số đoạn video chỉ rõ những nhân vật có liên quan đến âm mưu nói trên.
Trả lời trên đài phát thanh FranceInfo cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng sự can thiệp chính trị có lẽ không phải là cách tốt nhất để giúp cựu Chủ tịch Nissan. Tuyên bố này đáp lại lời đề nghị của vợ ông Ghosn là bà Carole, kêu gọi chính phủ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ ông Ghosn.
Ông Carlos Ghosn từng là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành sản xuất ô tô thế giới khi đứng đầu liên minh sản xuất ô tô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông bị cáo buộc gian lận tài chính, bị bắt giam 3 tháng và mới được tại ngoại hôm 6/3 sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 1 tỷ yen (khoảng 9 triệu USD). Hiện ông đã bị bãi nhiệm tất cả các chức chủ tịch trong cả 3 hãng sản xuất xe nói trên.
Ngày 4/4 vừa qua, ông Ghosn đã bị bắt trở lại ở thủ đô Tokyo sau khi các công tố viên điều tra về một cáo buộc mới nhằm vào ông chủ một thời của ngành sản xuất ô tô thế giới. Theo các công tố viên, ông Ghosn đã chuyển tổng cộng 15 triệu USD tiền quỹ của Nissan cho một đại lý phân phối ở Oman từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2018. Ông bị nghi đã “bỏ túi” khoảng 5 triệu USD trong số đó để sử dụng với mục đích riêng, bao gồm cả việc mua một du thuyền sang trọng và đầu tư cá nhân. Các công tố viên cáo buộc ông Ghosn đã lợi dụng chức vụ gây thất thoát nguồn quỹ của Nissan để làm lợi cho bản thân.
Nguyễn Hằng/TTXVN