'Cuộc chiến' bảo vệ lòng sông ở Hà Nội: Bài 1 - 'Toạ độ chết'
(Thethaovanhoa.vn) - Coi thường pháp luật, thách thức chính quyền, tận thu tài nguyên để trục lợi, đó là những biểu hiện thường thấy của vấn nạn "cát tặc" - một vấn đề hết sức nóng bỏng ở nhiều địa phương.
Câu chuyện về "cuộc chiến" chống "cát tặc" ở Phúc Thọ - một huyện phía Tây thành phố Hà Nội với 3 con sông chảy qua là sông Hồng, sông Đáy và sông Tích cho thấy những bất cập không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Mạnh tay với "cát tặc"
Trên địa bàn huyện Phúc Thọ được đánh giá là có trữ lượng cát đen lớn, đẹp; còn sâu dưới lòng sông Hồng đoạn qua Phúc Thọ có nguồn cát vàng và sỏi. Chính vì là mỏ cát, lại nằm ở “tọa độ chết”, giáp ranh giữa hai tỉnh, thành Hà Nội và Vĩnh Phúc nên Phúc Thọ như "cái rốn" đổ dồn các tàu đến khai thác trái phép. Có thời điểm ở Phúc Thọ được ví như "đại công trường" hút cát, với hàng chục tàu hút neo đậu, tận thu nguồn tài nguyên quốc gia. Bức xúc trước hành vi hút cát trái phép, nhiều người dân huyện Phúc Thọ đã kêu cứu nhiều cấp ngành.
Kiên quyết đấu tranh với "cát tặc", cuối năm 2014, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an Hà Nội, Công an huyện Phúc Thọ bắt giữ 16 tàu cuốc đang khai thác cát, 3 tàu cẩu và 34 tàu hàng chở cát trên đoạn sông Hồng thuộc ranh giới các xã Vân Nam, Vân Hà huyện Phúc Thọ và xã Trung Hà huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. 8 bị can đã bị khởi tố về hành vi khai thác cát trái phép trong chuyên án này. Chuyên án đã lập lại trật tự trên sông Hồng tại địa bàn huyện Phúc Thọ. Song, từ đầu năm 2015, lại xuất hiện tình trạng một số tàu cuốc lén lút khai thác cát dưới lòng sông vào ban đêm và sáng sớm tại khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc với huyện Phúc Thọ. Đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất trong toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ tài nguyên cát tự nhiên ở Phúc Thọ.
Ranh giới của trách nhiệm
Do dòng chảy tự nhiên, các dòng sông thường nối liền địa phận các địa phương, đây cũng chính là kẽ hở để "cát tặc" lợi dụng, trục lợi, đồng thời cũng là "toạ độ chết" trong việc phân định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ cho biết: Do Phúc Thọ là địa bàn giáp ranh với huyện Yên Lạc và huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nên để xử lý, ngăn chặn triệt để hành vi khai thác cát trái phép rất phức tạp và đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng hai tỉnh, thành.
Lợi dụng đặc điểm này, khi bị truy đuổi, các đối tượng khai thác cát trái phép sẽ di chuyển sang địa bàn khác. Lợi dụng đêm tối, các đối tượng quay lại hút cát trong thời gian ngắn, vì lực lượng mỏng, nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi. Nghiêm trọng là việc khai thác cát trên đoạn sông Hồng thuộc xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ giáp ranh với xã Vĩnh Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc đã gây sạt lở bờ sông, đe doạ sự an toàn của hệ thống đê kè quốc gia (đây cũng là tuyến đê trọng điểm phòng chống lụt bão của huyện và thành phố Hà Nội nên những năm qua Nhà nước đã đầu tư xây dựng hệ thống kè kiên cố để bảo vệ đê).
Một tàu hút đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua huyện Phúc Thọ. Ảnh: Mạnh Khánh -TTXVN
Qua tìm hiểu của phóng viên, từ trước năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 3 công ty (Công ty cổ phần Hữu Bích, Công ty cổ phần Kenvin, Công ty TNHH An Viên) được khai thác cát bãi nổi thuộc địa bàn huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng các công ty này không chỉ dừng lại ở bãi nổi mà còn dùng tàu cuốc để hút cát cả khu vực lòng sông.
Trên thực tế, việc cấp phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có 2 khu vực vị trí khai thác chồng lấn địa giới hành chính của xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ từ 100 đến 120 mét (với tổng diện tích khoảng 13 ha). Tại thời điểm đó, các đơn vị chức năng của huyện Phúc Thọ đều khẳng định cả 3 Công ty An Viên, Hữu Bích, Kevin khai thác cát và neo đậu tàu cuốc trên sông Hồng là vi phạm pháp luật và vi phạm địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, khi kiểm tra, các chủ tàu này không hợp tác và còn phản ứng với lực lượng chức năng của huyện Phúc Thọ.
Trước rắc rối này, UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức nhiều cuộc họp mời các sở, ngành của Vĩnh Phúc và Hà Nội cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục đo đạc bản đồ Việt Nam để xác định địa giới hành chính trên thực địa, cắm mốc giới giữa 2 tỉnh, thành Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đến tháng 3/2015, liên ngành Nội vụ - Tài nguyên và Môi trường của 2 địa phương đã thống nhất xác định do quy luật tự nhiên và biến động dòng chảy, phần bãi nổi ở phía bờ hữu sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ bị sạt lở nhiều nên lòng sông cơ bản chuyển sang phần thuộc địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ. Vì vậy, năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ việc khai thác cát lòng sông của tất cả các công ty được cấp phép khai thác giáp ranh với huyện Phúc Thọ.
Khó xử lý vi phạm
Mặc dù tình hình khai thác khoáng sản (cát đen) trên địa bàn huyện cơ bản được khắc phục, song theo Phó Chủ tịch huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên, hiện đang là thời điểm mùa nước cạn, UBND thành phố Hà Nội cho 3 công ty thực hiện dự án “Nạo vét luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm” trên sông Hồng thuộc địa bàn huyện từ xã Vân Hà đến xã Sen Chiểu Điều này vô tình tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội lén lút hút cát. Chưa kể, rất khó để kiểm soát việc các doanh nghiệp lợi dụng thực hiện dự án nạo vét để trà trộn khai thác khoáng sản (cát đen) trái phép trên địa bàn.
Cùng Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Đặng Văn Nghĩa có mặt tại hiện trường gần 1 bãi nổi bên kia sông thuộc địa bàn xã Vân Hà, Vân Nam gần đây đang có tình trạng khai thác cát trái phép, chúng tôi mới thấy hết được cái khó của cơ quan chức năng để bảo vệ tài nguyên dưới lòng sông. Bãi nổi này rộng 1,5 km, trong đó có 1 km thuộc đất của Hà Nội, đoạn phía trong và cuối thuộc Vĩnh Phúc cho Công ty An Viên khai thác cát. Điều đáng lưu ý ở chỗ, hàng ngày, tại khu vực này đang tập kết nhiều phương tiện, không biết khi nào họ hút cát và hành vi này thường diễn ra lúc đêm hoặc sáng sớm nên chính quyền cơ sở rất khó phát hiện, ngăn chặn.
Theo ông Đặng Văn Nghĩa, thực tế, các cấp chính quyền biết rõ hành vi khai thác cát trái phép, nhưng nhiều lần sau khi phát hiện, lực lượng chức năng phải vượt sông mới sang bãi nổi đó và khi sang đến nơi các đối tượng đã chạy mất, bỏ cả phương tiện, không bắt được quả tang, nếu có bắt cũng không làm được gì vì không mang được máy móc về.
Còn theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực bãi nổi này diễn ra mấy tháng nay. Tại đây tập kết nhiều phương tiện máy xúc, nhưng dạo này đỡ hơn vì cách đây nửa tháng huyện đã tổ chức vây bắt, nên hôm nay không thấy hiện tượng gì.
Tuy nhiên, ghi nhận tại hiện trường vào chiều 25/3 tại đoạn sông Hồng thuộc địa bàn xã Vân Hà và Vân Nam cho thấy vẫn có 7 - 8 tàu cuốc của các công ty thực hiện dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa neo đậu. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ bày tỏ lo lắng: Những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, không thể kiểm soát nổi nên huyện cần tăng cường lực lượng công an, chứ chúng tôi rất khó vây bắt, xử lý.
Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến việc phát hiện, xử lý vi phạm là do việc áp dụng pháp luật, xử lý hình sự đối với các đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép không phải chuyện dễ dàng, chế tài xử lý hành chính còn nhẹ, chưa mang tính răn đe, giáo dục cao.
Công cụ và phương tiện còn nhiều hạn chế dẫn đến quá trình bắt giữ gặp nhiều khó khăn do đối tượng không chấp hành việc nhổ neo, đưa tàu thuyền về nơi tạm giữ. Trong khi đó, chưa có cơ quan, tổ chức nào của thành phố có phương tiện lai dắt để cưỡng chế đưa tàu thuyền vi phạm về nơi tạm giữ và cũng chưa có trụ sở, bến bãi làm nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
(còn nữa)
Minh Nghĩa - Mạnh Khánh