Hà Nội chống 'cát tặc' trên sông Cầu
(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và sử dụng các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra tại xã Tân Hưng (Sóc Sơn).
- Kiểm tra việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước
- Đình chỉ việc cấp giấy phép mới trong khai thác khoáng sản
Tại hiện trường kiểm tra, trên tổng diện tích còn lại của khu đất bãi Soi thôn Cốc Lượng, xã Tân Hưng (khoảng hơn 2ha) có một bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động trái phép trên diện tích 9.286m2.
Bãi chứa này được UBND xã giao khoán để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp nhưng trong quá trình sử dụng, hộ dân thuê đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Hưng, tính đến giữa tháng 4/2016, tại đây còn tồn khoảng 500m3 cát, 300m3 đá và sỏi. UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo và yêu cầu chính quyền xã khẩn trương giải tỏa bãi chứa vật liệu xây dựng này.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 23 bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép, chưa thực hiện các thủ tục về đất đai theo đúng quy định của pháp luật, trong đó số lượng bãi cần phải giải tỏa là 21 bãi.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu các đơn vị đang hoạt động phải tự giải tỏa, chấm dứt hoạt động bãi chứa trái phép chậm nhất đến ngày 15/4/2016. Nếu các đơn vị cố tình không chấp hành tự giải tỏa, các xã khẩn trương chuẩn bị kế hoạch cưỡng chế.
Sở cũng kiến nghị UBND thành phố có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang (là tỉnh có đường địa giới trên sông Cầu với Hà Nội) phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt đông khai thác cát trái phép trên sông. Mặt khác, giao Công an thành phố lập kế hoạch triển khai toàn ngành để đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Cầu.
Nhiều năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội chưa phát huy hiệu quả, còn rất nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông vẫn diễn ra khá phổ biến, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan quản lý của Hà Nội phải vào cuộc xử lý kiên quyết, dứt điểm, tránh tình trạng vi phạm, “tái diễn” kéo dài.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 12 đơn vị khai thác đá, còn lại là các đơn vị khai thác cát, trung chuyển vật liệu xây dựng.
Từ thực tế kiểm tra tại 14 đơn vị mới đây cho thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn chủ yếu dưới hình thức hút cát từ lòng sông đưa lên tàu vận chuyển tới bãi chứa ven bờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, vi phạm an toàn giao thông đường thủy, vi phạm pháp luật về khoáng sản, mà còn tạo ra nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng dòng chảy và hệ thống đê kè cũng như gây ô nhiễm môi trường khu vực.
Đáng lưu ý, việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường của hầu hết các đơn vị khai thác còn rất hạn chế; vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại các khu khai thác mỏ đá cũng không được quan tâm. Trong khi đó, công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại một số địa phương bị buông lỏng kéo dài, đặc biệt việc xử lý còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Hiện nay, cùng với việc chỉ đạo áp dụng những biện pháp mạnh nhằm siết chặt và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản và các bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng, Hà Nội sẽ công khai, minh bạch thông qua tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Cụ thể, năm 2016, Hà Nội dự kiến đấu giá 5 khu vực tại bãi nổi sông Hồng. Các điểm đấu giá này đều nằm trong Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020.
TTXVN/Minh Nghĩa