A+ A A- Kiểu đọc sách

Các bệnh thường gặp mùa nắng nóng và cách phòng tránh

09:15 11/05/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày hôm nay (11/5), nắng nóng mở rộng ra toàn bộ khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ C. Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về hô hấp; tiêu hóa; tim mạch… tăng cao.   

Bảo vệ sức khỏe, tránh đột quỵ mùa nắng nóng

Bảo vệ sức khỏe, tránh đột quỵ mùa nắng nóng

Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Phản ứng của cơ thể khi quá nóng   

Nắng mùa hè chứa nhiều tia UV cùng với nhiệt độ cao làm tăng áp lực lên sọ, dẫn đến căng thẳng, giãn mạch não gây nhức đầu, dễ căng thẳng, mỏi mắt, nặng hơn có thể buồn nôn, nôn, chóng mặt, toát mồ hôi, mê man, sốt hoặc co giật vì ức chế vỏ não.

Tia cực tím cũng là tác nhân làm gia tăng lão hóa. Những ai thường xuyên làm việc, tiếp xúc với nắng hoặc đang gặp các vấn đề về tim mạch, thiếu nước sẽ dễ gặp tình trạng này nhất.   

Thân nhiệt cao làm tăng tiêu thụ oxy của tế bào trong cơ thể, khiến cho sự tiêu hóa bị rối loạn. Dịch vị trong dạ dày tiết ra ít, hấp thụ giảm, nhu động ruột chậm lại, bệnh nhân hay bị táo bón, khô miệng, biếng ăn...   

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng cao nhất, là do khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ kém, không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh.   

Người béo phì, người cao tuổi, người bị bệnh nằm liệt một chỗ và người bị đái tháo đường đều nhạy cảm với sức nóng, những người bị xơ cứng mạch máu sẽ trở nên nguy nan hơn khi trời nóng. Khi nhiệt độ cơ thể tăng thì hệ thần kinh trung ương phải làm việc vất vả hơn để điều tiết.         

Chú thích ảnh
Nắng nóng gay gắt tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Một số bệnh mùa nắng nóng   

- Bệnh về đường tiêu hóa   

Khi thời tiết nóng lên mô hình bệnh tật có sự thay đổi. Nổi lên là các bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, tiêu chảy cấp - còn gọi là tả, lỵ, thương hàn, các bệnh virus đường ruột như Rotavirus-gây tiêu chảy ở trẻ em...).   

Ngoài ra nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn gây ngộ độc hàng loạt cũng thường xảy ra trong mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng ẩm của mùa hè rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, cộng với sự ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, đất, nước), bụi bặm nhiều hơn làm cho gia tăng các bệnh dịch trên.   

- Các bệnh về hô hấp  

Các bệnh về hô hấp như: viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi…; các loại sốt (do virus, do nhiễm trùng, do thời tiết...), sốt xuất huyết (bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến hết năm), viêm não Nhật Bản (xuất hiện tháng 5, 6, 7 hay gặp ở trẻ em)... cũng xuất hiện nhiều.   

Nguyên nhân, nắng nóng làm cơ thể bị mất nước khiến niêm mạc mũi, họng bị khô. Việc sử dụng quạt và máy lạnh liên tục cũng làm cho vùng này khô thêm, dễ trầy xước nên vi khuẩn, virus có thể xâm nhập sâu vào gây bệnh. Để giảm bớt cái nóng, mọi người thường uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến viêm họng, thanh quản, bị mất tiếng...   

- Các bệnh về da   

Thời tiết oi bức, tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ thể sẽ tăng cường hoạt động để thải nhiệt, gây ra tình trạng ẩm ướt tại các vùng như lưng, trán, cổ và những vùng khó thoát mồ hôi như kẽ tay, chân, bẹn... Nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da.
Một số bệnh thường gặp là rôm sảy, viêm kẽ, viêm nang lông hay bệnh chốc, nấm chân, nấm bẹn và thân. Tuy ít nguy hiểm nhưng những bệnh này khiến cơ thể ngứa ngáy hoặc đau rát, rất khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc hàng ngày. Trường hợp bị bội nhiễm nặng có thể gây sốt.   

Chú thích ảnh
Ảnh: Duy Khương - TTXVN

- Các bệnh mãn tính trở nên khó kiểm soát   

Các bệnh mạn tính cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Đối với người cao tuổi, ngoài các bệnh lý về xương khớp, hô hấp, Alzheimer... thì các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng huyết áp cũng đặc biệt phát triển ở thời điểm này. Nắng nóng khiến tim làm việc nhiều và nhanh hơn làm cho mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Bệnh nhân có tiền sử tim mạch càng dễ trở nặng hơn dẫn đến đau thắt ngực và tai biến mạch máu não. Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh sẽ làm các mạch máu co lại tức thì gây ra thiếu máu não hoặc nhồi máu cơ tim.   

Tăng huyết áp là bệnh đặc trưng ở người cao tuổi. Có đến 46% những người trên 60 tuổi có tăng huyết áp ở nhiều mức độ khác nhau và tỷ lệ này tăng lên theo tuổi. Và thời tiết là một nguyên nhân làm ảnh hưởng tới huyết áp. Hầu hết bệnh nhân đã bị tăng huyết áp đến khám vào những ngày thời tiết thất thường này với lý do huyết áp không kiểm soát được như những hôm trước mặc dù phác đồ điều trị và bác sĩ điều trị không thay đổi. Với những người trước đây chưa bị tăng huyết áp lần nào khi thời tiết thay đổi cũng có thể bị tăng huyết áp.   

Nắng nóng có thể gây ra đột quỵ, do cơ thể đổ mồ hôi nhiều gây mất nước, dẫn tới giảm khối lượng máu, làm thiếu hụt máu nuôi dưỡng não gây đột quỵ. Hơn nữa nắng nóng làm thân nhiệt tăng, gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương làm rối loại hô hấp và tuần hoàn, giảm lưu lượng máu nuôi não cũng sẽ dẫn tới đột quỵ...

    * * *

Cách phòng tránh:   

Để phòng các bệnh tiêu hoá cần ăn chín, uống sôi (không ăn rau sống, uống nước lã; không uống nước đá, nước giải khát không đảm bảo vệ sinh...), rửa tay trước  khi ăn. Thực phẩm phải mua loại còn tươi nguyên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chế biến ngay, bảo quản thức ăn đã chế biến trong điều kiện thích hợp và không để quá lâu, không ăn thực phẩm ôi  thiu...   

Đối với các bệnh do côn trùng đốt, do muỗi truyền (sốt xuất huyết) cần ăn ở hợp vệ sinh, ngủ màn tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy, không để tồn tại những vũng nước mưa, loại bỏ những dụng cụ đựng nước mưa để không cho muỗi tồn tại và phát triển. Các bệnh do virus nên dùng vacine tiêm phòng. Việc vệ sinh môi trường tốt còn giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp.   

Với các bệnh mạn tính bị tác động bởi thời tiết như COPD, tăng huyết áp... Ở người cao tuổi, cần ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao, nên ăn nhạt, từ bỏ các thói quen xấu (hút thuốc lá, uống café đặc...), phải tuân thủ điều trị, tập thể dục hợp lý, vừa phải phù hợp với sức khỏe một cách đều đặn để rèn luyện hệ tim mạch và hệ hô hấp được khỏe mạnh. Nên hạn chế ra ngoài và không vận động nhiều những khi trời nắng gắt, nhất là với người có tiền sử bệnh tim mạch. Bổ sung các thực phẩm tươi, giảm thức ăn nhiều dầu mỡ và tăng cường uống nước để bù đắp lại lượng bị thất thoát. Với người lớn tuổi hay người bị chứng co thắt mạch, nên cẩn thận khi tắm nước lạnh, tránh để cơ thể thay đổi nhiệt độ quá đột ngột.   

Cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập luyện điều độ, tránh thức khuya... Khi có những biểu hiện bất thường (nhiễm bệnh) cần tới cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời mà không nên tự chữa ở nhà.

Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...