loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh liên quan đến lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và các bệnh do muỗi gây ra. Do đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cần tăng cường phòng chống các dịch bệnh mùa hè như chân tay miệng, sốt xuất huyết... để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” gây ra những hệ lụy khó lường.
Sáng 13/10, tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Số 2 Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” với sự tham gia của 1.000 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, một số tổ chức quốc tế...
Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh theo mùa
Từ đầu năm đến nay, ngoài dịch bệnh COVID-19, một số bệnh lưu hành hằng năm vẫn âm thầm phát triển. Đăc biệt, hiện nay thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức phòng bệnh của một số người dân chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.
Một trong những dịch bệnh mùa hè đầu tiên phải kể đến là bệnh tay chân miệng. Đây lây truyền qua đường tiêu hóa và chưa có vaccine phòng bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bệnh gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng từ tháng 3-5 và tháng 9-11 hàng năm.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 11/4, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại 3 tỉnh: Kiên Giang, An Giang và Long An. So với cùng kỳ năm 2020, hiện số ca mắc tăng 4,3 lần và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam, như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Cùng với bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trong dịp hè. Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Vũ Minh Điền cho biết, theo thống kê, 4 năm 1 lần dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm 2017, dịch bệnh này gia tăng mạnh ở miền Bắc, trong đó Hà Nội trở thành điểm nóng với 37.651 ca mắc và 7 trường hợp tử vong. Như vậy, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó, tiềm ẩn nguy cơ lớn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 19.048 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên và Sóc Trăng. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết ở thời điểm hiện tại giảm 12,7%, nhưng số ca tử vong lại tăng 2 trường hợp.
TS.BS Vũ Minh Điền nhấn mạnh, cùng với dịch COVID-19, hiện chúng ta vẫn phải đối mặt với các dịch bệnh thường lưu hành hàng năm ở nước ta như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Nếu chỉ tập trung phòng, chống dịch COVID-19 mà bỏ quên các nguy cơ gây ra các dịch bệnh theo mùa, thì tình trạng “dịch chồng dịch” hoàn toàn có thể xảy ra.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống
Để chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa hè, ngày 1/4/2021 Bộ Y tế đã ban hành Công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; yêu cầu các địa phương cần củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các địa phương phải tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện và điều trị bệnh ở tất cả các tuyến y tế, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Ngoài ra, các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân. Thực hiện tốt phòng, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, nhất là phòng, chống lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Đồng thời, tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, chính quyền địa phương, việc ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh cần có sự tham gia tích cực của người dân. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng bệnh, người dân nói chung nhất là bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm ngừa nói riêng nên đến các điểm tiêm để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cùng với đó, người dân cần nêu cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, vật dụng bằng chất diệt khuẩn; thực hiện ăn chín, uống sôi. Với bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay với xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi đùa, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Những bệnh thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh
- Bệnh thủy đậu: Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.
Khi trẻ xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể… cần đưa trẻ đi khám các cơ sở y tế để kịp phát hiện và điều trị.
Cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc xin và tiêm một liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 1-12 tuổi. Đối tượng từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6-10 tuần.
- Bệnh sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là căn bệnh xảy ra vào mùa mưa ẩm và cũng là một trong những bệnh lý giao mùa nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết chính là do vết đốt của muỗi vằn mang mầm mềm bệnh. Loại muỗi này thường sinh sôi nảy nở tại các ao tù, chum vại để lâu ngoài trời không được làm sạch.
Để tránh sốt xuất huyết cần phát quang nhà cửa, vườn tược và loại bỏ tất cả các nơi mà muỗi có thể sinh sôi nảy nở. Hãy kiểm tra thân nhiệt cũng như biểu hiện của trẻ để xác định trẻ có đang bị nhiễm virus sốt xuất huyết hay không. Khi trẻ bị bệnh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường có triệu chứng sốt nhẹ ban đầu, kèm theo đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trong miệng trẻ có thể có những vết loét đỏ như lở miệng. Những vết phát ban dạng phỏng nước còn xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông của trẻ. Trường hợp trẻ bị nặng có thể dẫn đến lừ đừ, run các chi, rung giật cơ, nhịp tim mạch nhanh, thở nhanh...
Hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Vì vậy, để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
- Bệnh sởi: Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và dễ bùng phát thành dịch, bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp. Những trẻ chưa có hoặc không có đủ đáp ứng miễn dịch với sởi thường rất dễ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.
Các biểu hiện đặc trưng của sởi bao gồm sốt, viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc, sau đó là phát ban đặc hiệu ngoài da. Bệnh sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Biện pháp phòng tránh là tiêm chủng đầy đủ. Khi phát hiện trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ lành.
- Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng của não do virus viêm não Nhật Bản gây ra, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa hè.
Bệnh Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột, sốt cao trên 39 độ, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp… Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa may, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, vận động. Khi biến chứng nặng, viêm não Nhật Bản sẽ gây động kinh, giảm hoặc mất khả năng lao động...
Viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Vì vậy tiêm phòng là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
- Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp giữa người với người bằng đường hô hấp thông qua nước bọt và dịch họng có chứa virus cúm.
Bệnh cúm có biểu hiện là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Những người nhiễm vi rút cúm có thể diễn tiến nặng hơn, thậm chí tử vong vì những biến chứng của bệnh.
Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là chủ động tiêm vắc xin cúm phòng bệnh. Tất cả mọi người bao gồm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn nên tiêm vắc xin cúm hàng năm. Nhóm người có nguy cơ cao nhiễm virus cúm cần được khuyến cáo tiêm ngừa bao gồm: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người mắc bệnh mạn tính; nhân viên y tế, và người đi du lịch giữa các nước và các vùng trong một nước.
Ngoài ra, cần phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt để đề phòng bệnh cúm.
- Tiêu chảy cấp do virus Rota: virus Rota là loại virus gây ra viêm dạ dày ruột cấp nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại virus này được thải ra theo đường tiêu hoá ở trẻ nhiễm bệnh, tồn tại bền vững trong môi trường. Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ lây bệnh rất cao do thói quen tiếp xúc các đồ vật bằng tay và cho tay vào miệng.
Bệnh có thể khởi phát đột ngột với triệu chứng nôn mửa từ 1-3 ngày, sau đó là tiêu chảy cộng với nôn mửa, sốt và sốc gây co giật. Nhiễm Rotavirus khiến trẻ dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến thể trạng toàn thân như suy dinh dưỡng và một số biểu hiện khác. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị kháng virus Rota. Những phương pháp giữ gìn vệ sinh cơ thể như rửa tay đúng cách, tắm gội bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi… chỉ có tác dụng phòng ngừa khi bệnh chưa xảy ra. Trong trường hợp virus đã xuất hiện, những biện pháp vệ sinh trên không thể tiêu diệt được virus và khống chế bệnh. Do đó, gần như tất cả trẻ em đều có nguy cơ nhiễm virus rota và cần được tiêm phòng đầy đủ.
Để chủ động bảo vệ trẻ khỏi virus Rota, bố mẹ nên cho trẻ đi uống vắc xin phòng Rota virus theo đúng lịch khuyến cáo.
Tùng Lâm/TTXVN (tổng hợp)
loading...