Bị cáo Châu Thị Thu Nga nói lời gì cuối cùng tại phiên xét xử phúc thẩm?
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án Châu Thị Thu Nga (cựu đại biểu Quốc hội, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Housing Group) và đồng phạm xảy ra tại dự án B5 Cầu Diễn, ngày 13/4, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần tranh luận để nghe quan điểm của các bên liên quan về vụ án, các Luật sư bào chữa cho các bị cáo trước khi nghị án.
- VIDEO: Tuyên án Bị cáo Đinh La Thăng bị phạt 18 năm tù
- Tuyên án các bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định tại Navibank
Người bị hại mong muốn được nhận nhà
Tại phiên phúc thẩm này, nhiều bị hại không thuê luật sư mà tự bào chữa cho mình và đại diện cho những người bị hại khác. Các bị hại có đơn kháng cáo trong vụ án này vẫn tiếp tục giữ nguyên nội dung kháng cáo. Các bị hại cho rằng, đầu tư vốn vào công ty mua căn hộ chứ không phải góp vốn lấy lãi nên giữ nguyên kháng cáo, mong các cấp có thẩm quyền cho phép dự án được triển khai để họ có nhà. Theo đó, các bị hại yêu cầu sớm hoàn thiện dự án B5 Cầu Diễn, mong muốn được nhận nhà để đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng.
Ông Kim Văn C. - một trong những người bị hại - đồng tình với kết luận của bản án sơ thẩm kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Châu Thị Thu Nga và đồng phạm. Tuy nhiên, ông Kim Văn C. cho rằng việc lừa đảo không diễn ra từ đầu, vì khách hàng đều là những người có hiểu biết, có năng lực pháp lý. Khách hàng tin vào danh tiếng của công ty, đồng thời tin tưởng bị cáo Châu Thị Thu Nga có nhiều chức vụ, có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nên đã ký kết và tiến hành các loại hợp đồng. Các tiến trình góp vốn được công ty thực hiện rất chuyên nghiệp.
Theo người bị hại, hành vi lừa đảo chỉ diễn ra từ năm 2010 khi việc triển khai dự án B5 Cầu Diễn ngày càng gặp nhiều khó khăn. Các giấy tờ hành chính, pháp lý chậm được thực hiện nên bị cáo Nga và các đồng phạm mới dùng các thông tin giả dối để khách hàng tin dự án vẫn còn tiếp tục.
Tại Tòa, đại diện cho những người bị hại không đồng ý với bản án buộc bị cáo Nga phải liên đới bồi thường các khách hàng. Lý do là vì khách hàng ký hợp đồng với Housing Group là một pháp nhân, chứ không phải cá nhân bị cáo Nga nên công ty phải bồi thường. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện thủ tục để dự án B5 cầu diễn được thực hiện, đảm bảo quyền lợi của bị hại.
Tại Tòa, phía Housing Group cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép liên danh công ty Housing Group - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng Hà Nội (HAIC) tiếp tục được triển khai thực hiện dự án B5 Cầu Diễn cũng như các dự án khác của công ty để đảm bảo ổn định tình hình an ninh khu vực, sớm bàn giao cho Nhà nước quỹ nhà tái định cư để thực hiện việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị và đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại trong vụ án. Phía công ty đã nỗ lực tìm kiếm các đối tác tiềm năng, có năng lực về tài chính, tâm huyết để tiếp tục thực hiện dự án B5 Cầu Diễn.
Theo ông Lê Sáu, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Housing Group, "được thực hiện tiếp dự án B5 Cầu Diễn là cơ hội duy nhất để công ty có thể đảm bảo quyền lợi của khách hàng".
Tuy nhiên, theo Chủ tọa, vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Tòa, mà thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn, cụ thể là UBND Thành phố Hà Nội.
Trình bày tại phiên tòa, bị cáo Châu Thị Thu Nga đề đạt nguyện vọng: Hội đồng xét xử cho thời gian không quá 90 ngày để giải quyết tất cả quyền lợi của khách hàng và chứng minh với UBND thành phố Hà Nội về việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp tại dự án B5 Cầu Diễn. "Đó là con đường tốt nhất để chúng tôi thực hiện dự án" - bị cáo Nga nói.
Theo bị cáo Nga, trong thời gian này, khách hàng có yêu cầu rút vốn phía công ty sẵn sàng hoàn trả, có sự chứng kiến của cơ quan phát luật. Ngoài ra, với các đối tác và nhà thầu xây dựng đã triển khai hợp đồng ở dự án B5 Cầu Diễn thì quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tiếp tục được thực hiện. Nếu nhà thầu nào còn thiếu nợ, công ty sẽ thanh toán; nhà thầu nào còn nợ phía công ty thì cần thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.
Bị cáo Nga nói lời sau cùng
Tại các phiên trước, bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga tại Tòa, các Luật sư trình bày quan điểm, tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau phần bào chữa của các Luật sư cũng như ý kiến của các bị hại và những bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện Kiểm sát Cấp cao tại Hà Nội đã đối đáp lại.
Viện Kiểm sát nhận thấy, trước đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga cho rằng hành vi của bị cáo Nga không cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có chăng cấu thành một tội danh khác và đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát xét thấy: Về tội danh của bị cáo Châu Thị Thu Nga, trong phần kết luận, Viện Kiểm sát đã đưa ra căn cứ chứng minh hành vi của bị cáo Nga là đưa ra thông tin gian dối với các bị hại. Trong một thời gian dài từ năm 2008, Nga đã hình thành bộ máy xây dựng nhà đất tương đối khép kín nhằm mục đích lừa đảo khách hàng. Bản thân Nga đã thừa nhận chỉ đạo thi công đại trà 89 cọc khoan nhồi, để khi khách hàng ra thực địa tại dự án thấy xây dựng công trình, tin tưởng góp vốn, đầu tư xây dựng dự án.
Về mục đích thu tiền của khách hàng, Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo đã chỉ đạo nhân viên đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý lên cổng thông tin điện tử của công ty, thuê lập mô hình Dự án B5 Cầu Diễn theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt để tại sảnh trụ sở Công ty Housing Group, chỉ đạo thi công cọc khoan nhồi tại khu đất Dự án B5 Cầu Diễn, để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai, mục đích nhằm quảng bá cho khách hàng tin tưởng, giao tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai. Từ đó có đủ dấu hiệu chứng minh bị cáo gian dối, chiếm đoạt tài sản của khách hàng trái với luật nhà ở năm 2005.
Thực tế đến nay, khi khởi tố vụ án, các bị cáo đã không còn tiền trả lại khách hàng. Bị cáo Nga cũng khai chi hơn hàng chục tỷ đồng phục vụ mục đích cá nhân, do vậy, Viện Kiểm sát thấy rằng đủ căn cứ để kết luận bị cáo Châu Thị Thu Nga phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không có căn cứ kết luận bị cáo phạm tội danh khác.
Theo Viện Kiểm sát, số tiền bị cáo Nga chiếm đoạt đưa vào các công trình khác là bất hợp pháp, các phần này phải thu hồi để đảm bảo thi hành án cũng như cần thiết phải kê biên tài sản bởi, đó là số tiền các bị cáo chiếm đoạt của bị hại nên phải trả cho bị hại.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử bước vào nghị án, bị cáo Châu Thị Thu Nga không đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát và cho rằng: "bản chất của vấn đề không như cáo buộc của phía Viện Kiểm sát đã nêu".
Bị cáo Nga tiếp tục lý giải, dự án B5 Cầu Diễn là có thật, việc huy động vốn là để thực hiện dự án chứ không phải lừa đảo khách hàng. Từ đó, bị cáo Nga tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời đề nghị làm rõ lại những bằng chứng, hồ sơ, nguồn tiền liên quan đến dự án B5 Cầu Diễn.
Chiều 13/4, Hội đồng phúc thẩm kết thúc phần tranh luận và bước vào phần nghị án. Dự kiến chiều 16/4, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án phúc thẩm.
Xuân Tùng (TTXVN)