A+ A A- Kiểu đọc sách

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tăng cường biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia, gây tai nạn giao thông

21:52 10/06/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã trao đổi với báo giới, làm rõ thông tin liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sắp được biểu quyết thông qua, khi mà dư luận đang hiểu chưa đúng về việc đại biểu Quốc hội không thống nhất trong việc đưa quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông vào trong luật.

Tai nạn giao thông do lạm dụng bia rượu gia tăng

Tai nạn giao thông do lạm dụng bia rượu gia tăng

Theo nhiều báo cáo của các ngành công an, y tế và các bệnh viện tại Hà Nội thì không khó để dẫn chứng các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do lái xe có sử dụng rượu bia.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tuy các đại biểu Quốc hội chưa thống nhất trong việc đưa quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông vào trong luật, song trong quy định của pháp luật hiện nay như Luật Giao thông đường bộ đã có quy định về nồng độ cồn nên có thể căn cứ vào đó để xử lý.  

“Khi biểu quyết, đại biểu không đồng tình với việc cấm hẳn, đề nghị giữ theo phương án quy định hiện hành. Quốc hội muốn quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng đại biểu cho rằng để như Luật Giao thông đường bộ”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích. 

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong Nghị quyết chung về kỳ họp, Quốc hội sẽ đưa nội dung giao Chính phủ nghiên cứu tăng mức xử phạt với tài xế uống rượu, bia - lái xe. Ví dụ, có thể quy định tước giấy phép lái xe với thời gian dài hơn hoặc tước vĩnh viễn. Chế tài phải tăng nặng hơn để đảm bảo tính răn đe. Theo Bộ luật Hình sự, vi phạm uống rượu, bia gây tai nạn chết người có thể phạt tù đến 10 năm. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban cùng cơ quan soạn thảo cơ bản tiếp thu ý kiến đại biểu, tăng cường các biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia, gây tai nạn giao thông. Chính phủ đang nghiên cứu sửa Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, nghiên cứu mức xử lý cứng rắn hơn. Nếu Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp, Chính phủ sẽ có biện pháp tích cực hơn.

“Khi không lựa chọn được phương án nào thì không đưa vào dự luật. Không đưa, không có nghĩa là không có các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt đang có hiệu lực thi hành”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Đề cập đến vấn đề gây xôn xao dư luận là có nhóm lợi ích tác động đến quá trình xây dựng dự luật, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, về lợi ích, lobby (vận động hành lang) "là quyền của doanh nghiệp, nhưng quan trọng là phải đảm bảo lợi ích cân bằng giữa các bên, không thể thiên về bên nào". Ông Lợi cũng chia sẻ: "Quan trọng là giữ kỷ cương, pháp luật, chí ít đáp ứng được yêu cầu quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đau buồn nhất là tình trạng tai nạn giao thông ảnh hưởng đến nhân dân, đến giờ phút này, cách tiếp thu giải trình của Thường vụ cơ bản đã thống nhất”.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dự thảo ban đầu của Chính phủ quy định có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, nhưng sau đó Ủy ban Tài chính - Ngân sách có văn bản chính thức gửi đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội là Luật Thuế đã quy định vấn đề này, nên đề nghị rút ra khỏi dự án luật. “Trước nhiều ý kiến về việc này, Thủ tướng đề nghị vẫn đưa vào luật để thể hiện quyết tâm của Nhà nước là thực hiện chính sách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, vì vậy quy định này được đưa lại vào dự thảo”, ông Bùi Sỹ Lợi thông tin.

Theo ông Lợi, trong Nghị quyết của Quốc hội sẽ có một điểm khuyến khích các giải pháp cấm các trường hợp, phương tiện tham gia giao thông, ngăn chặn sử dụng rượu bia. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 46/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng tăng cường mức phạt đối với những trường hợp uống rượu, bia, điều khiển các phương tiện tham gia giao thông vượt nồng độ cồn.

Trước câu hỏi có ý kiến phản ánh đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp rượu, bia mời đi nước ngoài tham quan và sau đó về có phát biểu đứng trên lập trường ủng hộ, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: "Tôi cũng được người ta đặt trong nhóm vận động cho lợi ích của doanh nghiệp rượu, bia. Rất tiếc dự án luật này được giao cho một Phó Chủ tịch Ủy ban Về các vấn đề xã hội, chứ không phải tôi. Rất nhiều tổ chức doanh nghiệp, nước ngoài mời tôi chủ trì hội thảo nhưng tôi chưa dự một cuộc nào". Theo ông Bùi Sỹ Lợi, về mặt nguyên tắc, đại biểu Quốc hội không được để cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức mời đi với tư cách nghiên cứu mang tính chất lobby. 

"Chúng tôi có cử một số ủy viên thường trực đi nhưng đi với tư cách Bộ Y tế mời đi nghiên cứu về chính sách, kinh nghiệm. Còn đại biểu đi mà doanh nghiệp, tổ chức mời, có tính chất lobby thì không đúng tinh thần và Quốc hội cũng không cho phép như vậy", ông Lợi khẳng định. 

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, không thể lobby gần 500 đại biểu Quốc hội. Nếu có chỉ là một vài người đi khảo sát. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, muốn lobby cũng không được. Quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước đều phải tôn trọng.

Chu Thanh Vân/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...